Vụ "vạn người tranh tấm vé đổi đời": Mất tiền để... “sống trong sợ hãi”

Để minh chứng cho việc không thể trục lợi khi đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, ông Jung Jin Young- Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam - khẳng định: Không có cá nhân nào có thể can thiệp để cho lao động trúng tuyển, được chủ chọn nhanh, công ty tốt hay lương cao. Thậm chí dù “con trai của Thủ tướng muốn đi Hàn Quốc nhanh cũng không được”...

[links()]Để minh chứng cho việc không thể trục lợi khi đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, ông Jung Jin Young - Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam - khẳng định: Không có cá nhân nào có thể can thiệp để cho lao động trúng tuyển, được chủ chọn nhanh, công ty tốt hay lương cao. Thậm chí dù “con trai của Thủ tướng muốn đi Hàn Quốc nhanh cũng không được”.

Thế nhưng chính ông Jung Jin Young cũng phải “đau đầu” trước vấn nạn  người lao động Việt Nam bị mất tiền gấp 10 lần ở chương trình này mà thậm chí còn không đi được, hoặc đi được phải bỏ trốn ở lại trái phép để “cày” trả nợ khoản tiền khổng lồ đã chi.

Đường thẳng - đường cong

Theo “quy trình chuẩn” phía bạn công bố thì người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc theo chương trình EPS sẽ trải qua 6 công đoạn: Học tiếng, dự kỳ kiểm tra, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển ( nếu thi đỗ), chờ đợi chủ sử dụng chọn và ký hợp đồng, nộp tiền tham dự khóa bồi dưỡng trước khi xuất cảnh và bước 6 là xuất cảnh. Tổng số tiền người lao động phải nộp là 630USD. Khi xuất cảnh, người lao động nộp thêm 280.000 đồng để mua trang phục, 100.000 đồng nộp vào Quỹ hỗ trợ XKLĐ và mang theo 500USD để sang Hàn Quốc mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương. Ngoài ra, khi học tiếng Hàn xong, đăng ký dự thi người lao động sẽ mất khoảng 24 USD lệ phí tham dự kỳ kiểm tra. Tính trọn gói thì một lao động phải chi phí quá 1.000USD.

Chi phí thấp, mức lương cao (trên 1.000USD/tháng), trong khi các thị trường khác chi phí cao gấp nhiều lần mà mức lương chỉ bèo bọt dưới 400 USD khiến cho thị trường Hàn Quốc nóng bỏng và cũng là “dư địa” để trục lợi. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thừa nhận hiện tượng nhiều lao động mất số tiền lớn hơn con số thực nộp nhiều lần là có thật và đã tồn tại từ khi có chương trình tới nay.

Nguyên nhân sâu sa là bởi dù tuyên truyền nhiều song người lao động đi “đường thẳng” thường khó tới đích và bị dụ “đi đường cong”. Họ được các đối tượng cò mồi “chỉ giáo” bằng những “nhân chứng” có thật đã từng đi qua “dây” của họ. Bởi vậy, khi đặt câu hỏi với lao động có tin không phải qua “đường dây” vẫn đi Hàn Quốc được với giá siêu rẻ 1.000 USD không, tới hơn 90% lao động sẽ trả lời: Không!

Thực tế khó chấp nhận ấy tồn tại bởi những “ung nhọt” trong công tác quản lý XKLĐ tại các địa phương.

Lao động chờ đợi nhận lại tiền từ ông Nguyễn Văn Khuyến.
Lao động chờ đợi nhận lại tiền từ ông Nguyễn Văn Khuyến.

Lao động Trần Văn Hợp và Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cho biết họ đều nộp 2.000USD cho ông Nguyễn Văn Khuyến - Trưởng phòng Thị trường Công ty CP Cung ứng nhân lực Việt-Nhật (số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội) - để được giúp thi đỗ trong kỳ thi tiếng Hàn sắp tới. 2.000USD này chỉ là đặt cọc, sau khi đỗ lao động còn phải đưa cho ông Khuyến thêm 4.000USD nữa. Ông Khuyến viết giấy nhận tiền, ghi rõ mục đích và còn cam kết sẽ trả lại nếu không lo cho hai lao động nói trên đi Hàn Quốc.

 “Thực ra nếu cứ đi đường thẳng thì chẳng ai đi được đâu! Là người thân quen nên tôi cũng chỉ đứng ra giúp các em. Mà tôi cũng không phải là người làm trực tiếp,  phải nhờ người ở bộ phận ấy, nói khó là người nhà người ta mới nhận. Từ việc lo cho các em mang điện thoại vào phòng thi rồi nhắn tin gửi đáp án, thế các em mới đỗ chứng chỉ chứ…” - ông Khuyến đã lý giải như thế khi phóng viên lần ra sai phạm của ông và yêu cầu ông trả lại tiền cho người lao động.

Ông cũng khiến cho phóng viên “lạnh người” khi vừa đếm tiền trả cho lao động vừa nói: “Thực ra tôi chi phí cũng rất nhiều rồi. Nhưng thôi, mình trả cho nó khỏe người, đỡ lăn tăn...”.

Chính lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước - đầu mối thực hiện EPS ở Việt Nam - cũng thừa nhận không phải chỉ ở Nam Định mới có hiện tượng người của Sở LĐ-TB-XH tham gia “chạy” XKLĐ. Tại Thái Bình, khi cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước đóng giả người lao động vào hỏi về kỳ kiểm tra tiếng Hàn thì được chính cán bộ của Trung tâm Giới thiệu việc làm nhận “giúp” với giá “bao đỗ” là 1.500 USD. Tại Nghệ An cũng có tình trạng tương tự.

Cam kết bảo vệ cho người lao động tố cáo các đường dây lừa đảo, cò mồi

Trước thông tin về việc các nạn nhân ở Nam Định e ngại bị hãm hại khi nói lên sự thật về các đường dây XKLĐ đã thu tiền của họ, lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước và Cục QLLĐNN cam kết với phóng viên sẽ đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo sai phạm. Đề nghị những nạn nhân của các đường dây tiếp tục liên lạc với Báo PLVN qua số máy 0942336373 để được thông tin và trợ giúp.

Ngay các tờ rơi Bộ LĐ-TB-XH đổ công đổ của ra làm nhằm hướng dẫn người lao động không bị mất tiền oan cho các đường dây cò mồi, khi gửi về các địa phương để phát cho các lao động lúc đăng ký kiểm tra tiếng Hàn thì phần lớn đã không đến tay người lao động.

Chính những đối tượng mang danh nghĩa người của Sở LĐ-TB-XH, ngồi trong các trụ sở của các Trung tâm giới thiệu việc làm để “ăn trên lưng” người lao động bằng những hứa hẹn “bao đỗ, bay nhanh” đã làm “rầu nồi canh”, khiến cho ý nghĩa tốt đẹp của một chương trình phi lợi nhuận như EPS bị biến tướng, nhiều lao động “tiền mất, nợ mang”.

Mất tiền để... “sống trong sợ hãi”

Khi những người nông dân phát hiện ra sự thật như ông Jung Jin Young nói “đến con Thủ tướng muốn thi đỗ, bay nhanh cũng không được”, phần lớn họ đều phải năn nỉ, xin xỏ “cò” trả lại tiền một cách yếm thế.

Đáp lại, “cò” tìm đủ mọi cách dọa dẫm, trong đó có “biện pháp” dọa dừng bay, can thiệp hồ sơ khiến người lao động “trượt vỏ chuối”. Đáng tiếc là trên thực tế đã có trường hợp lời đe dọa của “cò” không cho xuất cảnh thành sự thực (như trường hợp hai lao động ở Nam Định bị giữ thông báo xuất cảnh mà PLVN thông tin ở kỳ trước).

Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước - khi trả lời về hiện tượng này cũng xác nhận: “Có tình trạng chúng tôi tập trung lao động để tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước lúc xuất cảnh nhưng một số lao động trúng tuyển lại không có mặt. Có lao động đến giờ xuất cảnh vẫn chưa nhận được thông tin xuất cảnh. Thậm chí lao động đã lên đến sân bay còn bị các đối tượng “cò” bao vây ở sân bay... Có đối tượng “cò” còn mặc cảnh phục và nói cần giữ lao động này lại vì gây tai nạn giao thông. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ cho lao động thì lao động mới đi được”.

Ngay cả lao động đã xuất cảnh rồi thì người thân của họ ở quê cũng không được yên thân. Người nhà lao động Mai H. (ở xã Lộc An, TP.Nam Định) mà chúng tôi nhắc ở kỳ 1 sở dĩ không dám nói đủ tên của con vì sợ sẽ bị trả thù. Đến nhà Mai H. vào buổi tối, chúng tôi thắt lòng khi thấy bà mẹ của Mai H chỉ đám gạch và chai bia ở góc nhà được “trữ” để phòng nếu bị đối tượng trả thù thì có thể chống lại. Nhà Mai H. trước bán nước và có bàn bi-a cho khách chơi nhưng nay đã phải đóng cửa do bị “cò” XKLĐ đe dọa bằng nhiều cách.

Gia đình lao động Trần Phú Cường cho biết họ cũng đang “sống trong sợ hãi” kể từ ngày đòi được nốt 2.000 USD từ bà Ngọc. Dũng cảm tố cáo hành vi của bà Ngọc nhưng họ không khỏi lo bị hãm hại nên đã có lúc phải viết giấy cam kết việc giữa hai bên thế là xong, không “hồi tố”. Bởi nói như ông Trần Văn Thuận - bố của Cường - thì: “Chúng tôi chỉ là người lao động nghèo, thấp cổ bé họng, người ta là người nhà nước, có “gang”, có “thép”, có tiền, có quyền...”.

Nhóm PVĐT (còn nữa)


 

Đọc thêm