Vụ xét xử "công khai" trong trại giam: TAND tỉnh Sơn La trả lời đơn khiếu nại thiếu thuyết phục

(PLO) - Luật sư Đặng Văn Cường, người bào chữa cho các bị hại trong vụ án bị cáo Đào Thị Quy phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho rằng việc giải thích của Tòa án về việc xét xử trong trại giam vẫn đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai là không thuyết phục.
QĐ giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Sơn La (Ảnh: bị hại trong vụ án cung cấp)
QĐ giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Sơn La (Ảnh: bị hại trong vụ án cung cấp)

Như PLVN đưa tin, do có mối quan hệ quen biết, vào khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2017, bị cáo Đào Thị Quy (SN 1977, trú tại bản Hua Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã đưa nhiều thông tin gian dối, quen biết, làm ăn với nhiều cán bộ công an trong tỉnh, cán bộ địa phương để lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục người bị hại số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Vụ án đã được TAND tỉnh Sơn La thụ lý và mới đây ngày 13/12/2018, TAND tỉnh Sơn La đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào lúc 8h00 ngày 02/01/2019 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La – thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Sau khi nhận được thông tin này, nhiều bị hại cho rằng việc TAND tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử công khai, lưu động vụ án trên tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La là không khách quan, không phù hợp.

Nhận được khiếu nại về quyết định đưa vụ án ra xét xử tại trại tạm giam công an tỉnh Sơn La, ngày 24/12/2018, TAND tỉnh Sơn La đã ra quyết định số 1758/2018/QĐ-CA không chấp nhận khiếu nại của các bị hại mà không hề đưa ra lý do và câu trả lời thuyết phục khiến hàng chục bị hại bức xúc.

Ngày 2/1/2019, TAND mở phiên tòa xét xử tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La nhưng đã hoãn phiên tòa này.

Là người bào chữa cho một số bị hại trong vụ án này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, công khai là một nguyên tắc trong hoạt động xét xử của tòa án và việc xét xử lưu động các vụ án được các tòa án cân nhắc linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả và tác dụng của việc xét xử đối với toàn xã hội.

Luật sư Cường cho hay, trước đây phiên toà xét xử lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay công nghệ thông tin và truyền thông báo chí đã khiến tác dụng này giảm dần. Đồng thời hình thức này lại mang đến nhiều hạn chế, bất cập như tốn kém; việc tổ chức bảo vệ cho các bị can, bị hại, người làm chứng ở những nơi như hội trường, nhà văn hóa, siêu thị, chợ đông người hết sức khó khăn và thậm chí các vụ án xét xử lưu động cũng không đảm bảo tính nghiêm túc.

Hơn nữa, mỗi phiên toà cần đảm bảo quyền con người. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm. Việc mang xét xử lưu động sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Và thực tế từ kinh nghiệm trên thế giới thì hầu như không có việc đưa vụ án ra ngoài phòng xét xử. Chính vì thế chính sách pháp luật của chúng ta hiện tại là dần bỏ các phiên toà xét xử lưu động.

Thế nhưng vụ án bị cáo Đào Thị Quy phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại được TAND tỉnh Sơn La đưa ra xét xử lưu động tại tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La – thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. “Việc xét xử trong trại tạm giam vụ án này có dấu hiệu không khách quan, không đảm bảo tính công khai trong hoạt động xét xử. Mặc dù các bị hại trong vụ án này phản đối hình thức xét xử này và có khiếu nại nhưng không được các cơ quan tố tụng chấp nhận. TAND tỉnh Sơn La trả lời đơn khiếu nại thiếu thuyết phục”, Luật sư Cường đưa ra quan điểm.

Mục đích của việc xét xử công khai là phải đảm bảo nguyên tắc mọi người đều được tham gia phiên tòa theo quy định. Tuy nhiên, với việc xét xử tại trại tạm giam nêu trên thì e rằng việc ra vào trại tạm giam là rất khó, phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Việc mở phiên tòa tại đây phần nhiều sẽ làm hạn chế sự tham dự của các cơ quan báo chí nhằm tiếp cận, đưa tin, phản ánh vụ việc và cũng làm hạn chế sự tham dự của người dân. 

Chính vì nhận thấy việc mở phiên tòa xét xử lưu động như trên là có dấu hiệu xét xử không đảm bảo tính khách quan, khó thực thi nguyên tắc công khai và không đem lại hiệu quả mà các bị hại đã khiếu nại lần 1 đến Chánh án TAND tỉnh Sơn La nhưng không được chấp nhận khiếu nại. Hiện vụ việc đang được khiếu nại lần 2 lên Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội theo đúng luật định.

Mặc dù chưa có kết luận giải quyết khiếu nại từ phía người có thẩm quyền nhưng ngày 14/1 tới đây TAND tỉnh Sơn La vẫn mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án tại trại tạm giam. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này./.

Đọc thêm