Vụ xử Vũ Nhôm và 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng: Các bị cáo chờ đợi một phán quyết… nhân văn!

(PLVN) - Sau hơn 1 tuần xét xử, chiều 10/1, phiên xử Vũ “nhôm” và hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng đồng phạm kết thúc phần tranh luận. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được phép nói lời sau cùng.
Vụ xử Vũ Nhôm và 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng: Các bị cáo chờ đợi một phán quyết… nhân văn!

Là người được nói lời sau cùng đầu tiên trong số 21 bị cáo trong vụ án, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) cầu mong HĐXX hãy xem xét, hãy tha cho 14 vị nguyên lãnh đạo của Đà Nẵng. Vũ Nhôm cho rằng thực sự 14 bị cáo kia không hoàn toàn có sai phạm; họ cũng vì sự phát triển của thành phố, không hề câu kết, móc ngoặc với bị cáo để gây ra thất thoát 22 nghìn tỷ.

Còn hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến khi được nói lời sau cùng đã cho rằng bản thân họ không vì động cơ cá nhân mà do đây là biến cố trong quá trình điều hành, quản lý… xin HĐXX xem xét. Nhiều bị cáo khác cũng cho rằng họ làm theo quy trình, thực hiện vì sự phát triển của thành phố chứ không vì động cơ nào khác, mong tòa xem xét và họ cũng xin giảm nhẹ cho hai cựu chủ tịch Đà Nẵng.

Trong lời nói sau cùng, Vũ Nhôm xin Tòa "tha" cho 14 đồng phạm nguyên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
Trong lời nói sau cùng, Vũ Nhôm xin Tòa "tha" cho 14 đồng phạm nguyên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Điểu – nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng trình bày: Xuất thân từ một gia đình truyền thống cách mạng, bị cáo đã làm việc với tinh thần hăng say, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, quá trình công tác đã được tặng rất nhiều bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua, huân, huy chương trong nhiều năm liền. Nhưng chỉ với một văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Đã Nẵng mà hôm nay bị cáo phải đứng trước tòa.

Bị cáo Nguyễn Điểu cho rằng, Nghị quyết 33/2010 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng đến 2020 trở thành một thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay mục tiêu đó cơ bản đã hoàn thành; và cũng vào năm 2020 những người nguyên là cán bộ chủ chốt đã tham gia xây dựng và hoàn thành mục tiêu trên lại phải đứng trước Tòa đó là một điều quá chua xót.

Ngoài ra ông Nguyễn Điểu còn kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai một cách chặt chẽ, dễ hiểu, dễ vận dụng để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như nhiều bị cáo trong phiên tòa này.

“Vụ án này xảy ra trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng có những đặc thù riêng trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ được giao. Do vậy đã khó tránh khỏi những sai sót, kính mong Hội đồng xét xử có những phán quyết hợp lý mang đầy tính nhân văn” – bị cáo Nguyễn Điểu khẩn thiết trình bày.

Trước đó, vào chiều 7/1, khi trình bày lời tự bào chữa cho mình, ông Nguyễn Điểu cho rằng  báo cáo số 33 không phải là văn bản tham mưu, cáo buộc bị cáo tham mưu, bị cáo cảm thấy day dứt.

Thực tế, sau khi nhận thấy UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định 5870 ngày 12/7/2011 đối với 29ha không thông qua đấu giá, bị cáo Nguyễn Điểu đã căn cứ vào điều 2 Nghị định 120 ngày 30/12/2010 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất để đề nghị UBND TP xác định lại giá đất theo quy định tại thời điểm quyết định giao đất năm 2011 bằng báo cáo số 96 ngày 13/3/2012. Nếu bị cáo cấu kết, đồng phạm thì không thể có báo cáo 96 như trên..; đề nghị HĐXX xem xét. 

Trong một diễn biến có liên quan, trước đó sáng 8/1, khi trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu, Luật sư Nguyễn Thị Gấm (Trưởng VPLS Minh Trung, ĐLS Hà Nội) có trích dẫn nguyên văn nội dung trang 72 bản Kết luận điều tra số 72 ngày 31/8/2019 của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, trong đó có đoạn: “Các cá nhân khác có liên quan đến dự án này không thực hiện việc tham mưu, đề xuất mà chỉ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo và văn bản quy định do UBND TP Đà Nẵng ban hành, quá trình thực hiện công việc không được hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên, nhưng kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính.” 

Theo Luật sư Gấm, “các cá nhân nêu trên” mà bản Kết luận điều tra số 72/KLĐT ngày 31/8/2019 nhắc đến có ông Nguyễn Điểu – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng. Căn cứ vào các chứng cứ pháp lý trong hồ sơ vụ án, luật sư Nguyễn Thị Gấm đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” cho bị cáo Nguyễn Điểu như đề nghị của cơ quan CSĐT - Bộ Công an tại bản Kết luận điều tra số 72 ngày 31/8/2019.

Theo kế hoạch, 14h ngày 13/1 HĐXX TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án.

Đọc thêm