Lê Hàm, ông chủ của vườn đào trông hiền lành, chân chất khác hẳn với danh xưng “Vua” đào thất thốn mà mọi người phong cho anh.
Hoa kén người... thưởng thức
Nhắc lại những ngày xa xưa, cách đây khoảng 27 năm, lần đầu tiên “gặp” đào thất thốn, Lê Hàm cười hiền bảo: “Như một định mệnh, mê ngay từ cái nhìn đầu tiên và gần như sống, chết với đào thất thốn từ ngày ấy”. Đúng thật, Lê Hàm đã gần như dành dụm tất cả những gì mình có được để mang đào thất thốn về Nhật Tân. Gia đình can ngăn cũng mặc. Thất bại thì anh lại tìm cách khác, để vừa sống vừa trồng đào. Năm năm thất bại cũng không làm anh nản lòng.
Anh chia sẻ: “Cứ mỗi lần chán nản, cảm giác như đến ngưỡng phải buông thì đào lại ra cho tôi một vài bông hoa. Chỉ vậy thôi nhưng cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng mạnh mẽ lắm”. Rồi lại chịu khó quan sát, tìm hiểu, dần dần anh phát hiện ra bí mật để đào thất thốn “nở ra đúng dịp Tết”.
Mất hơn 10 năm Hàm mới phát hiện ra “bí mật” chuyển hóa ấy. Đến thời điểm này, thời tiết năm nào cũng luôn ở tình trạng “mùa đông không có mùa đông” càng làm anh khốn khổ. Anh phải nghĩ mọi cách để tìm ra môi trường sống lý tưởng nhất cho những... tình yêu của anh. Anh mua điều hòa về để tạo không khí cho những cây sù sì, trông như que củi sinh sống, để chúng trổ hoa đúng mùa.
“Giống đào này lạ lắm, chỉ ra hoa khi đã gần hết xuân nên việc ép chúng trổ hoa vào đúng dịp Tết là một kỳ công cực lớn của Hàm” - một khách hàng 10 năm liên tục lên vườn đào của Hàm để ngắm đào thất thốn cho biết. Rồi cũng vị khách này bảo: “Hàm như một người nghệ sĩ ấy, đừng bao giờ nói chuyện tiền nong với hắn. Hắn sẵn sàng từ bỏ một ông khách sộp nếu ông không biết thưởng hoa”.
Nói xong vị khách này say sưa kể về một cây đào thất thốn mà ông mang được từ vườn đào Lê Hàm về nhà: “Đêm 30 Tết một nụ hoa bung ra, ngồi ngắm đã thấy như mãn nhãn, như thời gian dừng lại. Sáng mùng Một, lại thêm 2 bông nữa bung ra, cả nhà như rực hồng theo sắc đào thất thốn. Biết tôi mê đào, thích thưởng đào nên dù nhiều năm tôi không mua nhưng mỗi lần lên ngắm đào cũng được Hàm đón tiếp như khách quý”.
Quả thật, người biết thưởng thức đào thất thốn không nhiều, vừa bởi đào thất thốn không rực rỡ khoe sắc, không ồn ào ra hoa vừa bởi cây nhìn không có chút cảm tình nào cả. Thân cây sù sì, như cây củi khô, may được cái dáng giống kiểu bonsai cứu lại. Nhưng chỉ những người được chiêm ngưỡng cánh hoa thất thốn nở mới ngấm được tình yêu kỳ lạ của Lê Hàm với loại đào được xem như tiến vua thời phong kiến này.
Lê Hàm tỉa những cây đào, chuẩn bị đón một vụ Tết bội thu |
Chủ kén người... chơi hoa
Anh bảo chưa bao giờ anh phải đánh đổi điều gì để quyết liệt theo đuổi đào thất thốn nhưng có lẽ tình yêu của anh với giống đào này sẽ khiến... vợ anh ghen tị. Ăn ngủ với đào, thức bàn chuyện đào đến khi về nhà ngủ rồi cũng vẫn phảng phất hình ảnh đào bên cạnh. Rồi ngủ không yên, anh lại kỳ cạch ngồi dậy, ghi ghi chép chép những ý tưởng bất chợt vừa nảy ra trong đầu để ngày mai thử nghiệm.
Anh kiên trì với đào thất thốn có lẽ còn kỳ công hơn một chàng trai đi tán gái. Bởi bình thường, những giống đào khác chỉ 2-3 năm là có thể xuất bán thì đào thất thốn phải mất từ 8-10 năm. Thậm chí, ngay khi chuyển hóa từ đào thường sang đào thất thốn, Lê Hàm cũng phải mất đến 5-7 năm thành công. Thế nên bảo anh bền bỉ, kiên trì hơn cả những gã trai đi trồng cây si cũng chẳng sai.
Nhiều người cao tuổi sống ở Nhật Tân cho biết, trước đây gần như nhà nào ở khu vực này cũng có đào thất thốn. Nhưng vì quá khó để chinh phục, thuần hòa đào thất thốn ra hoa đúng vụ nên mọi người cũng chán nản và dần bỏ cuộc. Có những người cũng kiên trì đến gần 20 năm nhưng không thành, đành từ biệt niềm đam mê tưởng như bất tận. May mắn cho Hàm, nhờ kiên trì, lòng say mê, yêu đào nên được đền đáp.
Mỗi cây đào thất thốn thường được bán khoảng từ 10 triệu trở lên, có những cây đắt hơn, lên đến vài chục triệu cũng có. “Liệu có phải vì giá thành cao nên anh mới đầu tư lắp đặt điều hòa để “nuôi” đào”? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, anh chỉ cho chúng tôi những gian nhà mới được đập bỏ, bảo “Trước đây tôi phải xây cả kho nóng, kho lạnh để trồng đào. Bây giờ công nghệ cải tiến nên mình đỡ khổ hơn. Nông dân cũng biết áp dụng công nghệ chứ” - anh cười lý giải.
Nghe anh giải thích nhẹ nhàng, chúng tôi lại nhớ những gì anh đã làm thời kỳ mới nghiên cứu trồng đào thất thốn. Anh phải lên tận nơi vùng núi, tìm đến môi trường sống tự nhiên nhất của đào để lấy đất về phân tích rồi tìm cách biến đất nhà mình ra đúng như thế, với những thành phần không khác gì mảnh đất vùng cao. Nhưng đâu chỉ một lần là xong. Anh đã phải mất hơn 10 năm mới có được ngày hôm nay, để mọi người được thưởng loại hoa quý giá, được xưng tụng như “vua của các loại hoa đào”.
Ngày hôm nay, khi đã được công nhận là “Vua” đào thất thốn, anh vẫn khiêm nhường, giản dị, vẫn ăn, ngủ với hoa đào và vui mừng đón tất cả những vị khách đến chiêm ngưỡng vườn đào của mình, kể cả những khách hàng nhiều tuổi, đến chỉ vì tò mò, muốn nhìn tận mắt nụ hoa, cánh hoa đào thất thốn. Tự nhiên tôi lại nhớ đến lời vị khách quen thuộc của anh “đừng nói chuyện tiền nong với hắn”.
Có lẽ vậy, người yêu hoa tìm được những người cùng tình yêu, đam mê với mình cũng là một sự quý hóa mà phải có duyên lắm mới gặp được nhau, như Lê Hàm phải duyên lắm, định mệnh lắm mới “ép” được đào ra đúng vụ.