Từ biệt danh “Vua liều”
Câu chuyện làm giàu từ nghề nuôi ngao của ông Nguyễn Văn Việt ở làng Mai Lâm, xã Mai Phụ đến bây giờ người dân mới hết hoài nghi. Ông nhớ lại: Những ngày đầu tôi đề cập ý tưởng sẽ biến bãi triều của đoạn sông chảy ra biển Cửa Sót qua làng Mai Lâm thành hồ nuôi ngao ai cũng gạt phắt không làm nổi đâu đừng nghĩ liều thế!
Ngay cả vợ ông là bà Phạm Thị Hồng cũng khuyên can ông nên “liệu cơm gắp mắm” chứ đừng có liều, vì đoạn sông này đã tồn tại hàng trăm nay nhưng trước đó có ai dám nuôi gì đâu, một trận lũ hay bão tố là sóng đánh trôi ra biển. Từ các cụ cao niên trong xã đến cả vợ mình cũng đều lắc đầu khiến anh nhiều đêm không ngủ đắn đo nhưng trong lòng như lửa đốt.
Ông Việt bên bãi triều 15 ha nuôi ngao |
Thấy bãi sông này thuận lợi ngoài những ngày biển động còn không thì thủy triều lên xuống đều đặn, nếu xét về điều kiện tự nhiên thì khúc sông này thuận lợi hơn cả những vựa ngao ở Cà Mau mà các phương tiện truyền thông đưa tin. Không an phận nghèo đói, năm 1995 qua tìm hiểu trên sách báo và lời giới thiệu của bạn bè, ông Việt đã khăn gói từ giã vợ con nói đi làm thuê kiếm sống.
Nhưng một mình ông ra các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình từ các mô hình nuôi ngao nước mặn của bà con nơi đây học tập. Trong thời gian xin làm thuê để học nghề tại Giao Thủy (Nam Định) nhờ tính cần cù, chịu khó ngoài những kiến thức cơ bản ông Việt còn được các chủ trang trại ở đây chỉ cho nhiều “chiêu” gọi là mẹo nuôi ngao.
Sau thời gian gần hai năm học nghề ông về quê bắt đầu chinh phục đất nghèo. Thấy ông tha thiết trình bày “đề án” nuôi ngao tỉ mỹ chính quyền địa phương đã đồng ý cho ông Việt thuê bãi triều bỏ hoang làm trang trại nuôi trồng thủy sản.
Trở thành triệu phú nhờ nuôi ngao
Vụ đầu ông Việt bỏ 20 triệu đồng mua giống ngao địa phương về nuôi trên diện tích 4ha nhưng vừa làm vừa học nên thất bại. Tưởng chừng ông Việt không thể đứng lên được bằng nghề nuôi ngao, vợ lo sẽ đổ bệnh quay lại an ủi động viên. Không nản chí ông lại quay ra Nam Định tiếp tục học hỏi, nhưng lần này may mắn được biết là tất cả các vựa ngao khu vực miền bắc bắt đầu nuôi loài giống ngao Bến Tre đây là giống mới dễ nuôi hơn.
Năm 2004, ông Việt lại khăn gói vào Bến Tre tìm hiểu lấy giống về nuôi thí điểm và thấy phù hợp, ngao lớn nhanh. Nhưng bài toán tiền đầu tư lại gây trắc trở ngoài vốn tích góp của gia đình ông phải đi nhờ bạn bè giúp đỡ được 50 triệu đồng dồn cả vào ngao.
Sau một năm rưỡi nuôi vụ này ông Việt thu về gấp đôi, thấy bắt đầu làm ăn được cả nhà thống nhất đưa tấm bìa đỏ mảnh đất cả gia đình đang ở ra tạm gác ở ngân hàng vay được 100 triệu đồng về đầu tư. Ôm tiền ngân hàng và lãi vụ trước được 150 triệu vào Bến Tre mua giống về nuôi ông Việt ngày nào cũng có mặt ngoài đầm chăm từng chút một. Nhờ chịu khó tìm tòi phương pháp nuôi và phòng chống dịch bệnh nên diện tích nuôi thủy sản của ông Việt ngày càng tăng.
Ông Việt tự hào về thành tích học tập của các con |
Ngoài nuôi ngao Bến Tre anh còn ngao nhớt, sò huyết Tiền Giang, vẹm xanh và đều cho thu nhập cao. Năm 2015, sản phẩm ngao của ông Việt được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu ngao Việt Hồng. Một năm sau, ông Việt thành lập Hợp tác xã ngao với 7 xã viên.
Năm 2019 hợp tác xã ngao Việt Hồng thả hơn 3 tỷ đồng tiền giống. Sau 18 tháng, kỳ thu hoạch ngao trúng vào mùa du lịch sức tiêu thụ mạnh, hợp tác xã đã thu hoạch được hơn 300 tấn, trừ tất cả chi phí, lãi hơn 1 tỷ đồng.
Ông Việt cho biết: Thị trường tiêu thụ cung không đủ cầu, đặc biệt là thị trường nước ngoài làm được vụ nào các bạn hàng đánh xe về thu gom hết. Nhân công của gia đình anh có 8 người chính thức, tháng trả 3 triệu đồng mỗi người. Ngoài ra trong thời gian thu hoạch hợp tác xã của ông cần thêm lao động địa phương.
Ông Việt còn bật mí thêm: Hiện nay Hà Tĩnh có trên 700 ha bãi triều nuôi ngao tốt, để đưa lại thành công người nuôi ngao hàng ngày cần theo dõi con nước (thuỷ triều), xem tình hình dịch bệnh của từ ô, thường xuyên kiểm tra đăng lưới, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật mới đưa lại hiệu quả cao.