Vui buồn nghề đóng giả thú bông

(PLVN) - Những chú thú bông ngộ nghĩnh đi khắp nơi bán hàng, biểu diễn… đã không còn lạ lẫm với những người dân đô thị. Đằng sau những chú thú bông ấy là nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề buồn vui.
Những chú mascot có mặt hàng đêm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Những chú mascot có mặt hàng đêm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nhộn nhịp “phố thú bông”

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) là nơi tập trung số lượng “thú nhồi bông” khổng lồ. Cứ mỗi tối, khi lên đèn, phố đi bộ đông đúc cũng là lúc các chú nhồi bông này bắt đầu có mặt khắp con phố với đủ hình thù như chuột Micky, Mèo Kitty, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… Riêng hình ảnh Tôn Ngộ Không có vẻ được du khách nước ngoài và nhiều trẻ ưa chuộng nên có đến mấy đoàn “thỉnh kinh” như thế. 

Những tối cuối tuần, lượng thú bông tại phố đi bộ tăng lên gấp đôi ngày thường, vì lượng người đổ về đây đông đúc. Các chú thú nhồi bông này rảo quanh con phố, làm những động tác ngộ nghĩnh đáng yêu hoặc gây cười để thu hút sự chú ý của du khách.

Đoàn Tôn Ngộ Không cũng thường là đoàn hút khách nhất bởi đông người, hóa trang nhân vật phim truyền hình yêu thích của nhiều thế hệ, đồng thời thường múa may vui nhộn mô phỏng động tác của các nhân vật trong phim.

Doanh thu của những người đóng vai “thú nhồi bông” này thường từ bán hàng hoặc tiền phí chụp hình. Đa phần đây là các bạn trẻ bán những sản phẩm trẻ trung như các loại kẹo mút, kẹo bông gòn, hoa hoặc gấu bông. Nhiều chú thú bông không bán hàng thì “bán” hình ảnh với chi phí trên dưới 20 ngàn cho một đợt chụp hình.

Những chú thú nhồi bông vui mắt đã làm sinh động hẳn một con đường vui chơi dành cho giới trẻ. Đồng thời, đây cũng là một nghề mưu sinh khá hữu dụng đối với nhiều bạn trẻ, đặc biệt sinh viên trọ học xa nhà. Nguyễn Văn Nguyên, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM theo nghề này đã hơn năm.

Có đêm bạn đội thú nhồi bông hình chuột, có đêm lại biến hóa thành gấu, thỏ, mèo… tùy vào hôm nào thuê loại thú nhồi bông nào. Nguyên cho biết, riêng chi phí thuê vỏ thú nhồi bông với giá 100 - 200 ngàn/ đêm, tùy vào tình trạng mới cũ. Nguyên mặc chú thú nhồi bông này đi bán các loại kẹo. Khách mua nhiều thường là trẻ em và các đôi tình nhân trẻ.

“Đêm nào vắng em bán khoảng hơn 200 ngàn. Có ngày đông khách mà thi thoảng có khách cho thêm tiền thì khoảng 400 ngàn. Trung bình em lời chừng 150 ngàn - 200 ngàn/ đêm, đủ được chi phí nhà trọ và tiền ăn uống hàng tháng, đỡ đần gia đình”.

Nhiều bạn trẻ khác cũng là sinh viên như Nguyên, hoặc mưu sinh để nuôi ước mơ. Mua vui chốc lát cho du khách và nhận lại miếng cơm, manh áo cho một ngày, âu cũng là lựa chọn vất vả nhưng đáng quý của các bạn trẻ.

Nhiều niềm vui, lắm vất vả

Nghề mặc thú nhồi bông để biểu diễn hoặc đi bán hàng còn được gọi là mascot. Mấy năm gần đây, mascot xuất hiện khá nhiều tại các sự kiện như khai trương, khuyến mãi, hội chợ… Khác với các chú mascot ở phố đi bộ hoặc vài khu vực đông người khác, mascot biểu diễn sự kiện thường “xịn” hơn với vỏ mới tinh, các con thú cũng có màu sắc và hình dáng phù hợp với hình tượng, ngành nghề của thương hiệu thuê.

Ví dụ, một cửa hàng trái cây mới khai trương thường thuê các mascot có hình trái cây ngộ nghĩnh. Những trái dâu, táo, thơm… nhồi bông nhún nhảy trước cửa hàng theo điệu nhạc sẽ tạo sự chú ý với người đi đường và khách hàng. 

Thông thường, những thương hiệu có sự kiện thường thuê mascot của các công ty sự kiện và các công ty này thuê lại các bạn trẻ để biểu diễn với mascot, giá trung bình trên dưới 100 ngàn/ giờ. Đây cũng là nghề được các bạn sinh viên lựa chọn nhiều để làm thêm, trang trải cuộc sống.

Cái thú vị của nghề mascot là không khí trẻ trung, vui nhộn. Đóng vai nhồi bông, các bạn trẻ được tương tác nhiều, có niềm vui được mọi người chú ý, yêu thích, đề nghị chụp hình. Nhưng tất nhiên, nỗi vất vả cũng không ít.

Đó là sự nóng nực khi phải ở trong một lớp vải dày cộm, thiếu dưỡng khí mấy tiếng đồng hồ, đặc biệt khi trời nóng bức. Đồng thời, những chú mascot phải di chuyển rất nhiều trong quá trình hoạt động của mình. Không ít sự kiện xảy ra việc mascot ngất xỉu vì mất sức. 

Mascot là một nghề chân chính để mưu sinh, nhưng đôi khi cũng là công cụ để một số bạn trẻ kiếm tiền kiểu chụp giật. Nhiều nơi, có trường hợp mascot “lừa” người đi đường chụp hình chung, sau đó đòi tiền với giả cắt cổ. Có cả trường hợp mascot ẩu đả với khách hàng…

Sài Gòn muôn màu muôn vẻ, dường như ai cũng có thể xoay xở tìm ra cách để mưu sinh hợp với bản thân mình. Những chú gấu bông xinh xắn, vui nhộn, giấu đằng sau sự mệt nhọc, vất vả và niềm hy vọng vào tương lai của những người trẻ cũng góp phần tạo nên một Sài Gòn nhiều màu sắc, đáng để yêu. 

Đọc thêm