Vui đám cưới nhưng phải tuân thủ luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đám cưới vốn là một dịp vui với nhiều người nhưng trong một số trường hợp lại là “cơn ác mộng” đối với những người khác.

Những tình trạng như gây ồn ào, bát nháo, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh hay dựng rạp cưới lấn chiếm hè phố, lòng đường gây ách tắc giao thông, đều khiến dư luận bức xúc. Đến nay, những vấn nạn này vẫn còn phổ biến bởi ý thức pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.

Đám cưới nếu quá gây ồn ào có thể sẽ bị xử phạt. (Ảnh minh họa)

Đám cưới nếu quá gây ồn ào có thể sẽ bị xử phạt. (Ảnh minh họa)

Vui vẻ, náo nhiệt nhưng đừng quá giới hạn

Khi kết hôn, cô dâu, chú rể nào cũng muốn đám cưới của mình linh đình, vui vẻ, náo nhiệt hơn, với đủ các loại hoạt động thường thấy như ca hát biểu diễn, MC giao lưu với gia đình nhà trai, nhà gái và khách mời, chúc bia rượu và tiệc tùng,… Tuy nhiên, điều “thách thức” sức chịu đựng của người dân xung quanh là nhiều đám cưới tổ chức vui chơi giải trí quá đà, loa đài mở to hết công suất, thâu đêm suốt sáng, gây ồn ào, náo động, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác.

Điều gây khó chịu hơn nữa là càng về cuối các bữa tiệc, tiếng ồn ngày càng trở nên tạp nham với những tiếng “1... 2... 3... dô…” và các tiết mục hát karaoke “cây nhà lá vườn” do chính những thực khách đến dự muốn góp vui. Cuộc vui phải náo nhiệt là điều dễ hiểu, tuy nhiên khi vượt quá giới hạn và làm phiền đến cộng đồng thì câu chuyện cần phải nhìn nhận ở một góc độ khác.

Đáng nói, pháp luật hiện hành có những quy định cụ việc về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL có hướng dẫn về âm nhạc trong lễ cưới như sau: “Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam” và “không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm”.

Việc cố tình vi phạm quy định này có thể khiến người hoặc đơn vị tổ chức lễ cưới phải đối mặt với mức phạt hành chính, căn cứ tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Biển cấm tự phát của một đám cưới lấn chiếm lòng đường khiến dư luận bức xúc.

Biển cấm tự phát của một đám cưới lấn chiếm lòng đường khiến dư luận bức xúc.

Lấn chiếm hè phố, lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Một vấn nạn phổ biến khác khiến dư luận bức xúc là tình trạng các đám cưới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để dựng rạp cưới, vừa làm mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất an toàn trật tự giao thông.

Ví dụ, vào khoảng tháng 7/2022, mạng xã hội lan truyền một tấm biển cấm tự phát có nội dung “Nhà có việc, cấm ô tô đi qua lại” do người tổ chức đám cưới gần đó đã lấn gần hết phần lòng đường đi lại của xe cộ. Khi hình ảnh này được chia sẻ, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc bởi tình trạng các đám cưới lấn đường làm “của riêng” như vậy tương đối phổ biến. Nhiều ý kiến bất bình như “nhiều nhà dựng rạp lấn hết cả con đường khiến xe cộ không thể đi lại, buộc phải quay xe ra hướng khác”, “nhiều trường hợp đám cưới đã tổ chức xong nhưng nhà đó vẫn để đồ bừa bãi, lúc dọn cũng chỉ dọn bạt và bàn ghế, để lại đống rác thải nhếch nhác”, “có nhà còn lấn chiếm lòng đường trên các tuyến quốc lộ, nơi các xe di chuyển với tốc độ cao, rất mất an toàn”…

Theo Nghị định số 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc sử dụng phần hè phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Trong đó có bao gồm việc tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ. Tuy nhiên, vị trí hè phố cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét và hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

Còn hành vi lấn chiếm lòng đường để dựng rạp có thể khiến người tổ chức phải nhận mức phạt tiền tới 6 triệu đồng, căn cứ tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, các hành vi vi phạm bao gồm: việc dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05m2 làm nơi trông, giữ xe; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn phải dùng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Việc lấn chiếm lòng đường, hè phố để dựng rạp cưới không phải chuyện hiếm gặp tại Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật không cấm việc sử dụng hè phố để phục vụ mục đích đám cưới nhưng phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng và tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh,… Còn việc lấn chiếm lòng đường để dựng rạp là hành vi không được pháp luật cho phép bởi nguy cơ gây mất an toàn cho những người tham gia đám cưới, người tham gia giao thông và gây ùn tắc giao thông. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra khi các phương tiện giao thông va vào các đám cưới, đám ma được tổ chức bên đường do các hộ dân dựng rạp tràn ra mặt đường.

Việc dựng rạp lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa)

Việc dựng rạp lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa)

Vui cưới nhưng phải tuân thủ luật lệ, quy tắc

Tựu trung lại, đám cưới vốn là một sự kiện vui nhưng việc tổ chức đám cưới vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng các quy tắc cộng đồng. Đơn cử: Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan; Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng; Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức…

Đáng nói, một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được những hành vi làm ồn hay lấn chiếm khi tổ chức đám cưới không chỉ có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn có thể khiến họ nhận về những chế tài xử phạt từ cơ quan chức năng. Những câu hỏi mà dư luận đặt ra là cần xử lí những hành vi vi phạm như thế nào để mang tính răn đe hơn, cảnh tỉnh những hộ gia đình, đơn vị tổ chức cưới sau này tuân thủ pháp luật khi tổ chức đám cưới. Theo đó, dư luận cho rằng chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm nhắc nhở, xử phạt những hộ gia đình vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, công tác vận động, giáo dục để người dân tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo buông lỏng trách nhiệm của mình.

Một cuộc vui nếu đi quá giới hạn để xảy ra những tai nạn là điều không ai mong muốn. Cũng không vì một sự kiện vui mà gây mất hiềm khích, xích mích với hàng xóm, láng giềng. Việc tuân thủ không những giảm thiểu những rủi ro về mất an ninh, an toàn, không vi phạm pháp luật mà còn tăng thêm hình ảnh với những người tổ chức đám cưới đối với cộng đồng xung quanh. Điều này cũng phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi gia đình khi tổ chức tiệc cưới.

Đọc thêm