Chuyện này chẳng hy hữu gì, nó đã xảy ra từ nhiều năm trước, ở các địa phương khác nhau. Cách giải quyết hậu quả cũng na ná như nhau là dùng các biện pháp “chữa cháy”, “hoãn binh”, “câu giờ”,... mà không tính đến chuyện xử lý rốt ráo những người đã vung bút ký bừa để lại một hậu quả nghiêm trọng không những cho các giáo viên bị áp dụng luật “cái chết bất ngờ” trong bóng đá mà còn là gánh nặng cho xã hội.
Diễn biến của câu chuyện “cắt hợp đồng” cũng na ná như nhau, đều là “di sản” của người tiền nhiệm để lại, cứ lần khân mãi, dây dưa cho đến khi quá tải mới bung ra và cách tốt nhất là cho thôi việc tập thể.
Những gì xảy ra tại ngành Giáo dục huyện Krông Pắk cho thấy diễn tiến của quá trình dẫn đến quá tải. Ba đời chủ tịch huyện liên tiếp đã không ngừng vung bút ký vào các hợp đồng với giáo viên. Mặc dù vào năm 2013, Thanh tra đã phát hiện tình trạng quá tải này và đã kiến nghị dừng ký hợp đồng, xử lý việc giáo viên dôi dư.
Thế nhưng, các ông quan huyện này coi khuyến cáo của các quan thanh tra không ra gì, cứ tiếp tục vung bút ký. Đến nỗi, để đối phó với tình hình dư thừa giáo viên, người ta nghĩ ra cách chia nhỏ các lớp ra , có lớp chỉ có 5 học sinh, thật là một chế độ giáo dục ưu việt với con em vùng Tây Nguyên xa xôi!
Cái ông Chủ tịch huyện vung bút ký nhiều nhất xuất hiện với cái tên quen quen. Hóa ra ông này đã nổi tiếng với chuyện xây nhà lầu trái phép trên đất nông nghiệp, lại càng nổi tiếng với việc tạo dựng nguồn gốc tài sản bằng nghề chạy xe ôm ban đêm sau giờ làm việc. Giữa nhiệm kỳ, ông lên tỉnh, chễm chệ trong chiếc ghế quyền lực chống tham nhũng và chống ký bừa là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy.
Với việc vung bút ký bừa ông đã bị cảnh cáo và vẫn nguyên vị trên chiếc ghế quyền lực đó. Còn ông Chủ tịch đương chức thì ký tiếp nhận là do có bà vợ làm Trưởng phòng Giáo dục tham mưu. Do sự tham mưu này, bà đã được thuyên chuyển sang làm Trưởng phòng Dân tộc huyện. Rất có thể như hai ông Chủ tịch tiền nhiệm, sau vụ vung bút này ông sẽ lên tỉnh với một chức vụ nào đó, để lại hậu họa cho các vị kế nhiệm giải quyết.
Chắc hẳn các ông chỉ ký bừa do tham mưu “đểu” thôi chứ chuyện “chạy” hàng trăm triệu mới được làm giáo viên hợp đồng chỉ là dư luận đồn thổi vô căn cứ (và cả vô chứng cứ). Tuy nhiên, Công an Đắk Lắk cũng đã vào cuộc để xem xét việc “chạy” là có thật không. Đây là cơ hội cho những giáo viên “tiền mất, tật mang” và đã khóc nức nở giữa chốn đông người, kêu gọi cứu giúp, trước hết, hãy tự cứu lấy mình!
Chủ nhật, đối với các giáo viên bây giờ ngày nào cũng là Chủ nhật, góp một tiếng nói, “kêu” cho những con người dôi dư từ lúc còn đang đào tạo, đủ các loại hình dạy nghề sư phạm mở ra và họ đã trở thành nạn nhân của một sự quá tải của cả một quá trình chứ không chỉ là hệ quả của một lần vung bút!