BÀI TOÁN LỢI ÍCH
Trong cơ cấu kinh tế, du lịch chính là thế mạnh nổi trội của Vũng Tàu. Chính vì vậy, ngành “công nghiệp không khói” luôn được xác định là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong định hướng phát triển của thành phố.
Mục tiêu “củng cố thương hiệu Thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và dịch vụ đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật là chuỗi không gian ven biển và không gian sinh thái ngập mặn” đã được ghi rõ trong Quyết định của Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố đến năm 2035.
|
Vũng Tàu hội tụ nhiều thế mạnh cho phát triển Du lịch Biển (Ảnh Đức Hợp, nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Ngày 11/9/2018, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến 2025, đón khoảng 8,6 triệu lượt khách (1,4 triệu khách quốc tế), doanh thu từ khách du lịch ước đạt 31.000 tỷ đồng. Khu vực ven biển Vũng Tàu sẽ là nơi có các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Khai thác, tận dụng triệt để các tiềm năng, thế mạnh rõ ràng là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhiều dự án phá vỡ quy hoạch, cảnh quan thiên nhiên thời gian qua; bãi biển – vốn là “món quà chung” của cộng đồng nay trở thành “sở hữu riêng” của số ít người ở một số tỉnh, thành. Câu chuyện về sự hợp lý, hài hòa, hay cụ thể hơn là làm sao cân bằng giữa lợi ích kinh tế với cảnh quan sinh thái, môi trường xã hội vẫn là một bài toán khó.
ĐẤT "VÀNG" CỦA THÀNH PHỐ BIỂN
Quay trở lại với câu chuyện về Mũi Nghinh Phong. Vũng Tàu từng có thời được gọi là Cap Saint Jacques (nghĩa là: Mũi đất của Thánh Giacôbê). Nếu ví cả Vũng Tàu là một mũi đất lớn, là bán đảo với ba phía giáp biển, tứ bề có nước bao quanh thì Mũi Nghinh Phong chính là mũi đất của bán đảo Vũng Tàu.
Những năm gần đây, Mũi Nghinh Phong – nơi bốn mùa đón gió đã trở thành một địa điểm độc đáo, một “đặc sản” không thể không ghé thăm đối với nhiều du khách khi đến Vũng Tàu. “Cảnh tượng ngọt lịm, một địa điểm không thể bỏ qua”, đó là lời giới thiệu trên một diễn đàn lớn về du lịch.
|
"Trước mặt có biển, sau lưng là dãy núi hùng vĩ, cảnh tượng ngọt lịm mà Mũi Nghinh Phong mang đến sẽ khiến bạn say đắm quên cả lối về", trang halotravel.vn viết. |
Nhìn từ xa Mũi Nghinh Phong giống như một con rùa biển khổng lồ đang bơi về phía đại dương. Từ địa chỉ 01 Hạ Long, dưới chân núi Tao Phùng, rẽ lên núi sẽ lên tượng Chúa Kitô Vua còn rẽ xuống biển là con đường dốc thoai thoải, hoang sơ đi ra mũi Nghinh Phong.
… Gió biển lồng lộng. Trước mặt là đại dương xanh thẳm, mênh mông vô tận. Xa xa, những con tàu lớn lừ lừ ẩn hiện như những lâu đài huyền thoại giữa chốn bồng lai. Bên phải là bãi tắm Hương Phong, còn gọi là Bãi Dâu, nước biển trong xanh, ven bờ nhấp nhô những mỏm đá hình thù kỳ quái. Bên trái là bãi Vọng Nguyệt, êm ả thanh bình, hòa lẫn trong màu nước biếc, đó là những gì được tác giả Trần Quang Vinh ghi lại.
Không chỉ là địa điểm du lịch của cộng đồng, chốn hoang sơ hiếm hoi còn sót lại, Mũi Nghinh Phong còn quan hệ chặt chẽ với các danh thắng tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của Vũng Tàu như tượng Chúa trên núi Tao Phùng, Miếu Hòn Bà… và có vị trí tiền tiêu về quốc phòng – an ninh (có trạm biên phòng 518).
Cũng chính vì có địa thế vàng, ba bề giáp biển, “tựa sơn hướng biển” nên Mũi Nghinh Phong khó có thể nằm ngoài sự “toan tính” của các nhà đầu tư, ông lớn bất động sản.
THAM VỌNG CỦA "ÔNG LỚN" DIC
Người dân Vũng Tàu không lạ lẫm gì với DIC – Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng, “ông lớn” có dự án ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, có địa chỉ tại 265 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu, DIC – có tiền thân là công ty của Bộ Xây dựng, được cổ phần năm 2008 và tới 2017 thì thoái vốn nhà nước trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân.
Tại Vũng Tàu, DIC vẫn còn đang lùm xùm với dự án khu trung tâm Chí Linh “25 năm vẫn trễ hẹn”. Là khu đô thị đầu tiên trong cả nước rộng 99ha, nằm trên địa bàn 3 phường của Vũng Tàu, tuy nhiên đến nay, sau 10 năm thực hiện và thêm 15 năm gia hạn, dự án vẫn đang còn dở dang. Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao liên bộ kiểm tra, rà soát quá trình triển khai, “xác định rõ đúng, sai” để xử lý theo quy định.
|
Phối cảnh dự án Tổ hợp du lịch DIC STAR với không gian thiên nhiên tại khu vực mũi Nghinh Phong. (Nguồn: dic.vn) |
Đối với khu “đất vàng” Nghinh Phong hiện đang là đất do nhà nước quản lý và sẽ phải đấu giá mới xác định được chủ sử dụng chính thức nhưng DIC cũng để ý từ lâu. Trên trang web của mình, DIC cho biết, dự án “Tổ hợp du lịch DIC STAR đẳng cấp 5 sao đầu tiên tại Vũng Tàu” tại Mũi Nghinh Phong đã được khởi động từ năm 2017 với tổng mức đầu tư khoảng 450 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng).
Theo phương án mà DIC đưa ra, dự án sẽ trải dài trên diện tích khoảng 51ha ở khu vực Mũi Nghinh Phong, được chia thành nhiều phân khu chức năng gồm: Khách sạn 5 sao (khoảng 800 phòng); khu Bungalow và căn hộ hạng sang (Condotel); Khu thủy cung; Khu dịch vụ du lịch thương mại như: quảng trường, phố ẩm thực, tuyến đường carnaval…
Trong đó, dự án Công viên Thủy sinh (thủy cung) do DIC Corp hợp tác với Tập đoàn General Aqua (GA) của Hàn Quốc thiết kế với diện tích 29.000m² kì vọng sẽ trở thành khu thủy cung lớn nhất Việt Nam. Công ty đã tiến hành đo đạc; khảo sát địa chất, thủy văn; lập phương án quy hoạch dự án… tiến hành các bước về quy hoạch, xây dựng…
SẼ VỀ TAY TƯ NHÂN?
Về phía chính quyền địa phương, có thể nói quan điểm của Bà Rịa – Vũng Tàu là ủng hộ, “bật đèn xanh” cho khai thác mũi Nghinh Phong. Ngay từ năm 2017, ông Nguyễn Văn Trình – Chủ tịch tỉnh (hiện đã nghỉ hưu) đã đề nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, đầu tư để dự án sớm triển khai.
“Về chủ trương, ủng hộ phương án đầu tư Dự án Tổ hợp du lịch DIC Star Vũng Tàu tại mũi Nghinh Phong, phường 2, TP.Vũng Tàu của DIC Corp”, thông báo ngày 21/11/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu.
Dự án này cũng được đưa vào 1 trong 7 dự án ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch tại Vũng Tàu trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến 2025, định hướng 2030.
Mới đây nhất, ngày 1/9, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt “lộ trình” thực hiện các thủ tục đấu giá tại Mũi Nghinh Phong với diện tích 21,7ha. Theo đó, từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương bàn giao Trạm biên phòng 518. Trong thời gian này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND TP. Vũng Tàu để lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư.
Từ tháng 4/2022 - 5/2022, tỉnh phê duyệt phương án đấu giá và quyết định đấu giá. Từ tháng 5/2022 - 7/2022, tiến hành khảo sát giá đất, xây dựng giá khởi điểm và bước giá của khu đất. Cuối cùng, việc đấu giá sẽ được thực hiện trong khoảng tháng 8/2022 - 9/2022.
CẦN MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
Quy hoạch vốn là tiền đề, cơ sở cho việc lập dự án. Thế nhưng trong thực tiễn, nhiều quy hoạch lại “chạy theo”, điều chỉnh theo sau dự án. Điều này không chỉ cho thấy sự yếu kém trong công tác lập quy hoạch mà còn tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “tham nhũng”. Đây là bài học cần tránh.
Đối với khu vực Mũi Nghinh Phong, năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu Núi Lớn – Núi Nhỏ, tỷ lệ 1/2000. Thế nhưng ngày 16/12/2019, tỉnh đã tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với khu vực Mũi Nghinh Phong (diện tích khoảng 26,3ha).
Lý do điều chỉnh là do khu vực này “được xác định là dự án trọng điểm phải điều chỉnh quy hoạch để phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất với mục tiêu kêu gọi đầu tư dự án phát triển dịch vụ du lịch hiện đại”.
|
Những thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất để "thích hợp" với dự án?! |
Nội dung điều chỉnh cục bộ đã gần như "đảo lộn" khu vực này. Trước đó, theo quy hoạch phân khu được duyệt thì khu vực Nghinh Phong được xác định chủ yếu là đất vùng mặt nước với 17,4ha; với 3,2ha đất bãi biển tự nhiên và chỉ có khoảng 5,6ha được quy hoạch để xây dựng công trình bao gồm dịch vụ du lịch, quân sự, giao thông nên không phù hợp với dự án phát triển du lịch.
Thế nhưng sau điều chính, diện tích đất dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đã tăng từ 4,0 lên hơn 24,4ha (gấp khoảng 6 lần), số tầng cao cũng tăng từ 2-3 tầng lên tối đa 28 tầng. Riêng đất bãi biển từ 3,2ha chỉ còn… 0m2.
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến một lý do khác được Bà Rịa Vũng Tàu đưa ra để lý giải cho việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là để phù hợp với Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, trong khi văn bản của tỉnh cho rằng khu vực Nghinh Phong được “định hướng lấn biển để phát triển các dự án du lịch (là đất du lịch, vùng mặt nước, cây xanh”, “cho phép khai thác không gian biển” thì tại Quyết định số 586 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực không gian biển từ Bãi Trước đến Bãi Dâu, Nghinh Phong, Cửa Lấp chỉ mới được xác định nằm trong khu vực nghiên cứu khai thác không gian biển, “lập các nghiên cứu chuyên ngành đánh giá cụ thể”.
Đáng lưu ý, Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ: “Không lấn biển để mở rộng phát triển các khu đô thị”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn yêu cầu khu vực xem xét nghiên cứu khai thác không gian biển cần đảm bảo: Khai thác tại các bãi đá ngầm có địa chất tốt, cảnh quan xấu và các khu đầm lầy; đảm bảo các tầm nhìn hướng ra biển và từ biển hướng vào đô thị; không gây ảnh hưởng tới các hoạt động trên biển và hành lang hàng hải quốc tế; không gây tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế xã hội đối với khu vực hiện hữu trên bờ; tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, quy hoạch không gian biển và quy hoạch sử dụng vùng bờ.
Khi xem xét đề xuất đưa khu đất, mặt nước thực hiện dự án Tổ hợp du lịch DIC Star Vũng Tàu tại mũi Nghinh Phong vào kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng yêu cầu: “Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, đảm bảo không chồng lấn, hài hòa tương thích với không gian kiến trúc của các dự án du lịch khác đang triển khai lân cận, các công trình di tích, tôn giáo trong khu vực và đặc biệt là cảnh quan môi trường tự nhiên của Mũi Nghinh Phong, để tham mưu UBND tỉnh giải quyết đúng quy định của pháp luật”.
Người dân kỳ vọng, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có những quyết sách đúng pháp luật mà còn “hợp lòng dân”, có tầm nhìn lâu dài, phát triển kinh tế hài hòa với các lợi ích khác của cộng đồng.
(* Bài viết có sử dụng một số hình ảnh từ trang web du lịch, blog)