'Vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa - Quan Độ và những bí mật trong màn trướng

(PLO) -Trận chiến Quan Độ là chiến dịch quy mô lớn thứ nhất trong Tam quốc diễn nghĩa, kết thúc với phần thất bại về Viên Thiệu nên “quy định” luôn cả cách nhìn của hậu thế về bước đi của hai bên, dẫn đến tâm lý bên thắng làm gì cũng đúng, bên thua làm gì cũng sai…
 

 

Cái chết của Nhan Lương bị quy lỗi cho Viên Thiệu, nhưng thực tế lại khác hẳn.
Cái chết của Nhan Lương bị quy lỗi cho Viên Thiệu, nhưng thực tế lại khác hẳn.

Tâm lý này càng đậm hơn nhờ sự tô vẽ cố tình của người viết sử cũng như nhà tiểu thuyết, biến Viên Thiệu thành một nhà chính trị hết sức quái dị, luôn phản bác những ý kiến sáng suốt mà người ta đưa ra cho ông. Sự thực có phải như thế?

Oan án Nhan Lương

Các sử gia Ngụy-Tấn, tiêu biểu là Trần Thọ, viết sử không chỉ để ghi chép sự thực, mà còn là phục vụ tuyên truyền hình ảnh của triều đại chiến thắng, nên đã ra sức bôi nhọ kẻ địch của các triều đại ấy.

Hình tượng Viên Thiệu dựa trên bản mẫu là hình tượng Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, nhưng là một phiên bản lỗi; do đó, vấn đề được xoáy sâu là vấn đề không nghe lời các mưu sĩ đã đưa ra ý kiến sáng suốt, như cách mà Hạng Vũ đối xử với Phạm Tăng. Ở trường hợp của Viên Thiệu, đó chủ yếu là không nghe lời Điền Phong và Thư Thụ - những người phản đối trận chiến Quan Độ. 

“Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện” kể rằng: Viên Thiệu phái Nhan Lương đi đánh Lưu Diên ở Bạch Mã. Thư Thụ can: “Lương tính khí hẹp hòi, dẫu kiêu dũng nhưng không nên để gánh trách nhiệm một mình”. Thiệu không nghe, Nhan Lương giao chiến bị chém chết. Có điều, Viên Thiệu không nghe chỉ là sự xuyên tạc của Trần Thọ, lời khuyên của Thư Thụ là không nên để Nhan Lương gánh trách nhiệm một mình.

Thực tế thế nào? “Tam quốc chí, Vũ đế kỷ” chép: “Thiệu phái Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh, Nhan Lương vây đánh Thái thú Đông quận là Lưu Diên ở Bạch Mã”. Rõ ràng lời khuyên sáng suốt của Thư Thụ được Viên Thiệu tiếp nhận, giao việc đánh Lưu Diên cho ba tướng, mà Nhan Lương chỉ đứng hàng cuối. Quân Tào tuy chém chết Nhan Lương, nhưng cục diện chiến trường không hề thay đổi, quân Viên vẫn cứ ùa lên.

Mối quan hệ giữa Viên Thiệu và các mưu sĩ trong trận chiến Quan Độ hoàn toàn được mô tả theo mô típ ấy: Các mưu sĩ thì dâng kế hay, Viên Thiệu thì cứ một mực không tiếp nhận. Khi phân tích các mưu kế này, chúng ta luôn nhận được hai kết quả: một là, Viên Thiệu thực ra đã thực thi các kế sách đó; hai là, những kế sách bị loại bỏ quả thực là rất có vấn đề, chẳng hạn như đề xuất chiến lược của Điền Phong.

Lãnh địa của Viên Thiệu (vàng) và Tào Tháo (cam) trong trận Quan Độ.
 Lãnh địa của Viên Thiệu (vàng) và Tào Tháo (cam) trong trận Quan Độ.

Kẻ trí hay kẻ trĩ?

Điền Phong tự Nguyên Hạo, được khen là “quyền biến mưu trí khác thường”. Điền Phong và Thư Thụ phản đối quyết định tấn công Tào Tháo mà đề ra kế hoạch chiến tranh quấy nhiễu: “Tào Công khéo dụng binh, biến hóa vô cùng, quân lính tuy ít, không thể khinh thường vậy, chẳng bằng ta hãy chống giữ lâu ngày.

Tướng quân cậy vào cái vững của sông núi, nắm giữ quân lính bốn châu, bên ngoài giao kết với kẻ anh hùng, bên trong sửa việc nhà nông, thao luyện binh mã, rồi mới tuyển chọn quân tinh nhuệ, chia đặt kỳ binh, thừa lúc họ sơ hở mà xông ra đánh, quấy rối vùng Hà Nam, họ cứu bên hữu thì ta đánh bên tả, cứu bên tả thì ta đánh bên hữu, khiến cho địch mỏi mệt vì ngược xuôi ứng phó, dân chẳng được an nghiệp; ta chưa nhọc mà bên kia đã khốn, chẳng đến hai năm, có thể ngồi mà thắng giặc vậy. Nay bỏ kế sách quyết thắng ở miếu đường, mà quyết thành bại ở một trận đánh, nếu chẳng được như ý, thì hối không kịp vậy”. 

“Hiến Đế truyện” và “Hậu Hán kỷ” còn cho biết, Thư Thụ và Điền Phong đã cùng đề xuất một sách lược rõ hơn: “Xuất sư nhiều năm, trăm họ mệt mỏi rách rưới, kho tàng không có tích trữ, thuế má lao dịch nặng nề, đó là điều lo lắng nhất của đất nước vậy. Đáng nên sai sứ báo tin chiến thắng cho thiên tử, chăm lo nghề nông, thả lỏng dân chúng.

Nếu như không được qua lại, thì dâng biểu nói Tháo cản trở đường tới vương đình của ta. Sau đó, tiến lên đóng đồn ở Lê Dương, đặt doanh lấn dần tại Hà Nam, đóng thêm thuyền lớn, mài sửa khí giới, phái quân kỵ tinh nhuệ cướp phá vùng biên bìa, khiến cho bên kia không thể được yên, mà xứ sở ta thì được an nhàn. Trong vòng ba năm, việc có thể ngồi yên mà định đoạt vậy”. 

Bởi kế sách của Điền Phong không được Viên Thiệu sử dụng, sau khi quân Viên thua trận, mọi người đều có cảm giác mưu lược của Điền Phong là chính xác. “Tiên hiền hành trạng” nói sau khi bại trận, quân sĩ đều đấm ngực nói rằng nếu có Điền Phong ở đây thì không đến nỗi thế này.

Sự thật như thế nào? Thư Thụ, Điền Phong cho rằng Hà Bắc chinh chiến nhiều năm nên người dân đều đã kiệt quệ, điều đó không đúng. Viên Thiệu khác hẳn Tào Tháo. Quách Gia nói rằng Viên Thiệu dùng chính sách khoan hòa mà Tào Tháo thì nghiêm khắc, nghĩa là Viên Thiệu không hề bắt lính thu lương của dân chúng ngặt nghèo.

Thực tế cho thấy hộ khẩu Ký Châu có ba mươi vạn lính, mà quân Thiệu họp từ bốn châu đi đánh Tào Tháo chỉ hơn mười vạn. Trước trận Quan Độ, Tào Tháo đã nói Thiệu đất rộng, lương thực phong túc. Quả thực trong trận Quan Độ, khi Tào Tháo sắp sửa cạn lương, lương thực của Viên Thiệu hãy còn chất ngất ở Cố Thị, Ô Sào. Điền Phong, Thư Thụ cho rằng Hà Bắc kiệt quệ là chẳng hiểu rõ bản thân. Hai vị trí giả này chẳng những không “biết ta”, lại càng không thể “biết người”.

Thẩm Phối, Quách Đồ phản đối chiến lược dây dưa của hai người đó đã lập luận rằng: “Theo phép trong binh thư, gấp mười thì vây hãm, gấp năm thì công phá, ngang bằng thì giao chiến. Ngày nay lấy cái thần vũ của minh công, kiêm gồm dân chúng Hà Sóc mà chinh phạt họ Tào, cũng như là trở bàn tay.

Hôm nay không chớp thời cơ, ngày sau mưu đồ khó lắm”. Điều mà Thẩm, Quách muốn nhấn mạnh đó là phải lợi dụng ưu thế binh lực hiện tại để tiêu diệt Tào Tháo chứ không thể chần chừ, bỏ lỡ thời cơ. Chúng ta thường chỉ nói Viên Thiệu có bốn châu, mà chẳng thèm đếm xem Tào Tháo đã có mấy châu.

Trước trận Quan Độ, Tháo đã có Duyện Châu, Dự Châu, rồi chiếm Hoài Nam của Viên Thuật, thu phục Từ Châu, phái Chung Do vào Quan Trung để vỗ về khu Tư lệ, thu hàng Trương Tú ở Nam Dương. Vốn liếng của Tháo là bốn châu Duyện, Dự, Từ, Tư, một mảnh Dương Châu (Hoài Nam) và một mảnh Kinh Châu (Nam Dương).

Địa bàn của Tào Tháo là ngang ngửa với Viên Thiệu. Tháo chỉ thua Thiệu ở một điểm: đó là thời gian. Tào Tháo cần thời gian để phát triển các vùng đất mới chiếm. Thẩm Phối, Quách Đồ nhận ra điều đó nên mới xác định tốc chiến bằng ưu thế binh lực áp đảo. Điền Phong, Thư Thụ thì chủ trương dùng những đội quân nhỏ đánh dây dưa ở vùng biên giới. Thẩm, Quách muốn cho Tào Tháo một cuộc chiến mà Tháo chẳng thể chi trả nổi, ngược lại Điền, Thư thì cho Tào Tháo một cuộc chiến vừa sức hơn, thậm chí là sở trường hơn.

Hoạt động quấy rối Hà Bắc của phe Tào trước chiến dịch Quan Độ.
Hoạt động quấy rối Hà Bắc của phe Tào trước chiến dịch Quan Độ.

Chiến lược của Điền, Thư là dùng kỵ binh khuấy rối, nhưng Tào Tháo lại chính là một thiên tài kỵ binh mà đó lại là sở đoản của quân Viên. Viên Thiệu đã diệt đội Bạch Mã nghĩa tòng của Công Tôn Toản bằng bộ binh chứ không phải kỵ binh. Trên thực tế, ba trận thắng lớn chém Nhan Lương, giết Văn Xú, bắt Thuần Vu Quỳnh đều là chiến công của kỵ binh phe Tào. Điền, Thư lập luận rằng chỉ cần ngồi không là trong hai, ba năm có thể khiến Tào Tháo suy sụp, là phóng đại vai trò của việc quấy phá vùng biên giới. Ngay trong cuộc tranh luận chiến lược đó, Thư Thụ đã tự vả vào mặt mình khi phản đối phái Thẩm, Quách bằng lập luận: “Họ Tào pháp lệnh đã định, sĩ tốt tinh nhuệ, không phải như Công Tôn Toản ngồi yên chờ bị vây đâu”.

Tháo không ngồi yên chờ bị vây, tức là chẳng thể ngồi yên chờ người ta quấy phá. Thực tế chứng minh, quân Tào đã vượt sông tiến hành phản du kích trên vùng đất của Viên Thiệu. Vu Cấm, Nhạc Tiến dẫn năm ngàn quân bộ kỵ đánh phá vùng ven sông từ bờ bắc Diên Tân về phía tây nam, đốt hơn ba chục đồn của Viên Thiệu, bắt chém mấy ngàn người, sau đó lại đánh phá doanh trại ở Đỗ Thị. Rõ ràng nếu chiến lược của Điền, Thư được thực hiện thì làm gì có chuyện Viên Thiệu có thể “ngồi yên mà định được”!

Chiến lược quấy rối, lấn dần của Điền Phong, Thư Thụ không được đặt trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng về sức mạnh địch, ta. Ngược lại, Quách Đồ, Thẩm Phối tỏ ra sáng suốt hơn khi chủ trương dùng sức mạnh áp đảo để áp chế Tào Tháo. Viên Thiệu đã chọn sách lược thứ hai, tỏ ra hết sức hiệu quả cho đến khi Hứa Du làm phản. Điền Phong, Thư Thụ phản đối tốc chiến e rằng nằm ở vấn đề chính trị.

Thư Thụ phản đối cuộc chiến vì cho rằng đem quân đánh thiên tử là đội quân phi nghĩa; Điền Phong không nói rõ ra, nhưng cũng được mô tả là “vì vương thất lắm nạn, có chí khuông phò”. Điền, Thư chỉ mong Viên Thiệu có thể làm bá chủ phụng thờ nhà Hán, nhưng mong muốn của Viên Thiệu là trở thành thiên tử. Cuộc chiến Quan Độ ngay từ khi mưu hoạch trong màn trướng đã bị sử gia xuyên tạc, bôi nhọ thì diễn biến có được mô tả trung thực hơn không? Rốt cuộc còn một trận Quan Độ nào khác mà ta không được thấy?

Đọc thêm