Cơ duyên với vườn Kiều
Cụ Phạm Văn Khoát, quê ở Ninh Bình. Năm 1954, ông theo gia đình vào Sài Gòn rồi năm 1959 chuyển về Biên Hòa sinh sống từ đó đến nay. Nói về cơ duyên với mảnh vườn, cụ tâm sự, năm cụ 25 tuổi. Ra biển ông thấy buồn nên thường đi dạo để giải khuây và cũng để cải thiện sức khỏe.
Một hôm đang đi dạo thì cụ nghe ai đó đọc lên mấy câu thơ. Cụ ghé đến hỏi thăm thì mới biết đó là mấy câu trích từ Truyện Kiều. Thấy hay, cụ bắt đầu tìm hiểu và đọc Truyện Kiều. Sau những lần đi tắm biển như thế và nhờ đọc Truyện Kiều mà lòng thanh thản, tâm hồn thoải mái... sức khỏe cụ dần hồi phục. Mỗi lần đi tắm biển, cụ Khoát lại đọc một chương Truyện Kiều. Cứ như thế cụ thuộc hết Truyện Kiều lúc nào không hay.
Cụ Khoát kể, năm 1995, cụ đi chúc Tết một người bạn vong niên ở gần nhà. Năm đó, nhà người bạn này được người cháu ở quê gửi vào biếu một cành đào Nhật Tân rất đẹp. Nhìn thấy cành đào, cụ lẩy mấy câu Kiều: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Nghe vậy, ông bạn rất thích liền giữ cụ ở lại để nói chuyện mãi đến chiều mới cho về. Sau đó về nhà, nghĩ ai cũng mê Truyện Kiều như thế sao mình không tìm cách đưa Truyện Kiều đến với nhiều người. Thế rồi cụ tìm trong vườn nhà thấy cây gì liên quan đến Truyện Kiều, được Truyện Kiều nói đến thì viết lên những câu thơ phù hợp với cây đó. Chẳng hạn như cây dao trong vườn, cụ viết mấy câu: “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Dần dần cụ Khoát phát triển rộng khu vườn, dựng thêm tượng các nhân vật trong Truyện Kiều.
Trong suốt hơn 10 năm (1996-2007) cụ bắt tay xây dựng và hoàn thiện khu vườn sống động về con người, cảnh vật trong Truyện Kiều. Với mong muốn có sự cảm nhận thấu đáo để thiết kế vườn Kiều, cụ Khoát đã thực hiện hẳn một chuyến du ngoạn sang Trung Quốc - quê hương của nàng Kiều, nơi tiểu thuyết “Đoạn trường tân thanh” khai sinh. Trong gần nửa tháng trên xứ người, “vua heo” đã tìm đến những địa điểm đánh dấu từng bước trên con đường lưu lạc đầy giông tố của nàng Kiều như Triết Giang, Lâm Truy, sông Tiền Đường...
Vào năm 2005, Vườn Kiều của cụ được UBND tỉnh Đồng Nai trao giải Nhất cuộc thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập”. Từ đó đến nay, rất nhiều khách đến tham quan Vườn Kiều của cụ Khoát.
Cụ Khoát nay đã tuổi cao với niềm trăn trở |
Nỗi trăn trở
Giờ đây, cụ Khoát tuổi đã cao, bệnh tim lại tái phát, không thể dẫn ra vườn được vì trời nắng. Từ ngày cụ Khoát bị bệnh, khu vườn như thiếu sức sống hơn vì không có ai thường xuyên chăm sóc. Thế nhưng, những cảnh vật trong khu vườn như khiến chúng tôi sống lại từng khoảng khắc trong quyển truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Trong Vườn Kiều, cụ Khoát lập bàn thờ Nguyễn Du để cho các đoàn đến tham quan, dâng hương. Tiếp đó, cụ cho đắp bức tượng thân mẫu của thi hào là bà Nguyễn Thị Tần (quê ở Bắc Ninh) và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng một thời là người tình của Nguyễn Du. Một người mẹ từ cái nôi của văn hóa quan họ đã sinh ra Nguyễn Du và một người tình, người bạn thơ thân thiết.
Dạo một vòng thăm quan, chúng tôi ấn tượng nhất với Lầu Ngưng Bích nằm giữa ao sen, có hình lục giác, mái lợp ngói, có hai cây cầu dẫn lên lầu, trong lầu có treo họa đồ do cụ Khoát vẽ lại hành trình của những nơi nàng Kiều từng đến trong 15 năm lưu lạc. Từ Bắc Kinh (nơi gia đình Kiều ở) đến Lâm Truy, sông Tiền Đường... rồi đến Nam Kinh.
Lầu Ngưng Bích trong truyện Kiều là chỗ Tú Bà đưa Kiều ra đó sau khi bị Tú Bà bắt tiếp khách và nàng tự tử không thành. Cây cầu phía trước lầu Ngưng Bích có hai con chó bằng sứ treo hai câu thơ trong truyện Kiều: “Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà/ Bên thì Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh”, “Khuyển, Ưng đã dắt mưu gian/ Đưa nàng xuống trước để an dưới thuyền”.
Ấn tượng nữa là bức tường bao quanh dài 30m với những nét chạm trổ tinh tế trên nền tường xi măng. Nó như bức họa đồ sộ lột tả nét đặc trưng nhất trong 20 chương của Truyện Kiều. Từ cảnh Kiều gặp Kim Trọng lần đầu tiên đến sau này, nàng được báo ân báo oán và trở về với tình xưa. Tất cả như hòa quyện trong những vần thơ, khúc Kiều gắn trên từng nhành cây, lối rẽ vào khu vườn. Thêm đó, gần 20 bức phù điêu trắng nghiêng mình dưới bóng cây, nào Thúy Kiều e lệ dưới hoa, nào Kim Trọng đĩnh đạc trên yên ngựa, rồi Vương Quan, Thúc Sinh hay Quan âm các... làm khách vãn cảnh có cảm tưởng như đang lạc vào thế giới của Truyện Kiều cách đây hơn 200 năm.
Trong căn phòng đầy những cuốn sách truyện Kiều, có quyển đã ố vàng theo thời gian, cụ Khoắt trăn trở: “Bây giờ lớn tuổi rồi, không chăm sóc được mảnh vườn, tất cả nhờ vào những người ở hội Kiều ở Đồng Nai thường xuyên tới lui trông nom. Công sức chục năm tỉa từng cành cây của tôi, chỉ hi vọng rằng mai sau con cháu gìn giữ để du khách đến thăm quan mỗi ngày”. Tiễn chúng tôi về, cụ Khoát ngâm lên vài câu Kiều vang lên cả một khu vườn. Với cụ, Truyện Kiều như đã thành tri kỷ, thấm vào tim gan và qua thời gian đã trở thành món ăn tinh thần giúp cụ tìm được sự an lạc tuổi già.