Vươn lên từ... bất hảo

(PLVN) - Từng “ra tù vào tội”, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, anh Nguyễn Văn Thành (thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh) đã chọn cho mình con đường hoàn lương để làm lại từ đầu. Con đường làm “người thường” của một gã giang hồ, nghiện ngập không khỏi những chông gai, day dứt. Nhưng sau tất cả là sự trở về để hạnh phúc và sửa chữa lỗi lầm. 
Cơ ngơi bạc tỷ sau vài năm ra tù là nỗ lực của ngời đàn ông kiên cường này

Quá khứ bất hảo 

Đến thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh hỏi anh Thành không ai là không biết. Trong bộ quần áo chỉn chu, phong thái nhã nhặn lịch sự, ít ai biết rằng anh từng là đại ca, một gã giang hồ cộm cán, một người bị lĩnh án tù vì buôn bán và sử dụng ma túy. Nhìn lại quá khứ với nhiều vấp ngã, anh Thành day dứt chia sẻ.

Anh Thành, sinh năm 1969, anh sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên thiếu vắng sự yêu thương của gia đình. Cũng như bao thanh niên khác, anh tham gia phục vụ quân đội, từng tham gia chiến trường khốc liệt  Vị Xuyên- Hà Giang. Ngày xuất ngũ trở về, anh Thành cùng anh em của mình đi khắp mọi nơi để làm ăn, với mong ước đổi đời.

Anh chia sẻ, anh đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, khi thì đi đào vàng ở Quảng Nam, khi buôn bán thuốc phiện trên vùng Lạng Sơn từ biên giới. Đó là thời kỳ huy hoàng của anh Thành, khi xung quanh có đàn em phục sự, “vàng đong bằng ca” và cả những hư ảo từ “làn khói trắng”. 

Dòng đời xô đẩy khiến Thành nhanh chóng sa ngã vào nghiện ngập, tội lỗi. Anh đã nghiện ma túy và trượt dài trên  con đường buôn bán bất hợp pháp. Sự mê hoặc của “cái chết trắng”, những đồng tiền, vinh hoa bất chính kéo anh lún sâu cung đường tội lỗi. Và điều gì đến đã phải đến, bất cứ việc làm bất chính nào đều phải trả giá bằng lương tâm và pháp luật.

Ngày 4/6/2001, trong một lần giao ma túy cho khách, anh Thành bị công an bắt giữ. Sau đó bị Tòa án nhân dânTP Bắc Ninh tuyên án 15 năm tù. Thế là cuộc đời một người đàn ông đang vợ con đề huề, tưởng có tiền là có tất cả, cuối cùng phải trả giá bằng những ngày bị giam giữ sau song sắt. Từ đây, anh Thành bắt đầu cho hành trình trả giá trước lương tri và pháp luật, cùng với đó là  quyết tâm cai nghiện. 

Trưởng thành sau song sắt

15 năm tù là cú sốc lớn cho những lầm lỡ của anh Thành khi bản thân sa vào con đường buôn bán chất ma túy. Những ngày tháng trong tù là bước ngoặt để anh thay đổi, tìm lại chính mình. Anh chia sẻ, ban đầu vào trại giam Phú Sơn 4 -Thái Nguyên là những ngày ám ảnh của bản thân. Trong buồng giam  chật chội, anh đã tìm cách chống đối bằng cách không thực hiện nội quy, đánh nhau.. “Đã có lúc đời tôi như tuyệt vọng, chán nản và tổ chức trốn trại nhưng không thành. Cuộc đời tôi như không còn lối thoát” - anh Thành nhớ lại.

Lúc ấy, gia đình và người thân cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn anh lĩnh án với mong ước anh sẽ cai được ma túy, cải tạo tốt trở về. “Lúc anh bị bắt, tôi cũng suy sụp lắm. Con thì bé, chị đi phụ vữa kiếm sống nuôi con nhỏ. Nhưng, khó khăn quá nên thi thoảng mới lên thăm chồng. Nhiều khi thấy cảnh khổ, người ta xui mình bỏ chồng, nhưng tôi nhất quyết không. Sẽ cố đợi anh về”,  chị Nguyễn Thị Tằm (vợ anh Thành) chia sẻ. 

Những đêm tại trại giam, anh Thành trằn trọc không ngủ được. Anh nghĩ về vợ, về các con, về chính bản thân mình mà ứa nước mắt. Nghĩ về người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó chỉ biết cam chịu để chờ chồng trở về, hàng đêm anh ngậm ngùi vì ân hận những quá khứ lầm lỡ. Anh sợ nhất là nhìn ánh mắt lo âu của vợ dành cho chồng. Dù ít có điều kiện, nhưng cứ mỗi dịp đi thăm, chị Tằm lại nán lại trò chuyện với chồng thật lâu.

Dường như, tất cả những thân thương của gia đình đã níu giữ anh làm người tử tế. Hơn 11 năm trong trại giam, anh Thành đã đối diện với chính mình. Anh nhận ra cái sai của bản thân, nhận ra chính giây phút lầm lỡ ấy đã làm tổn thương gia đình nhỏ của mình. Trái tim người đàn ông giang hồ ấy cũng phải sứt mẻ, day dứt vì tội lỗi. Nhờ tình yêu của vợ, đặc biệt sự tận tình cảm hóa, khuyên dưỡng của các cán bộ tại trại giam Phú Sơn 3, anh Thành đã thực sự thay đổi. 

“Tôi đã trở thành con người hoàn toàn khác. Tôi được giao làm Trưởng buồng 8, tôi cùng anh em duy trì buồng giam luôn chấp hành tốt nội quy. Đặc biệt, tôi đã nảy ra ý tưởng lập ý tưởng lập quỹ “Hơi ấm tình thương” giúp đỡ anh chị em phạm nhân khó khăn và các cháu nhỏ cùng sống với mẹ trong trại”, anh Thành chia sẻ.

“ Làm bao nhiêu tiền cũng không quý bằng kho báu vợ”

Và “Quỹ Hơi ấm tình thương” trong trại giam Phú Sơn 3 từ ý tưởng anh Thành đến nay đã lan tỏa đến nhiều trại giam khác và giúp đỡ thiết thực tới  nhiều hoàn cảnh khó khăn. Anh còn vinh dự được gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhận bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh…

Ngày anh trở về trong vòng tay của vợ và các con. Hơn 11 năm xa cách, những ân hận day dứt khôn nguôi trong anh. Anh chia sẻ, điều anh hối hận nhất là đã làm vợ anh vất vả khi anh chưa giúp vợ chăm lo cho gia đình. Anh nợ vợ và các con một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. 

Trở về trong hành lý không tiền bạc, không quan hệ lại bị mác phạm tội khiến anh có nhiều mặc cảm ban đầu. Nhưng nhờ sự thay đổi và những bài học bổ ích từ trại giam, anh đã quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng tổ ấm nhỏ của mình. Năm 2014, anh tham gia lớp học trồng nấm và sau đó vay một số vốn nhỏ để bắt đầu nghề này. Ngoài ra, anh cùng vợ đấu thầu 2 mẫu ruộng để trồng lúa và hoa.

Đến năm 2016, khi nghề nấm của gia đình có những khởi sắc, anh mạnh dạn vay 400 triệu để phát triển quy mô sản xuất. Sau 5 năm khởi nghiệp, anh Thành đã có cơ ngơi khang trang với 2 xưởng sản xuất nấm hơn 50m2, ngoài ra phát triển các hội - nhóm giúp đỡ nhau trồng nấm tại Bắc Ninh. 

Từ một người “ra tù vào tội”, anh Thành đã trở về thay đổi chính cuộc sống của mình và mọi người. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Thành còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người bà con khác trong thị trấn. Theo chia sẻ, mỗi vụ có từ 6 đến 8 nhân công làm việc vẫn không đủ nấm để xuất bán. Mỗi người làm tại xưởng đều được anh Thành tận tình giúp đỡ, thu nhập cũng khá cao từ 4 đến 6 triệu đồng. 

Giờ đây, “gã giang hồ” một thời không còn những ám ảnh, điều tiếng của quá khứ mà là tấm gương biết vươn lên, dám thay đổi và biết giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Ngoài việc giúp bà con trong vùng chuyển giao kĩ thuật trồng nấm, anh Thành còn hỗ trợ cho vay vốn làm ăn, buôn bán. 

Và khi không còn quá khứ bất hảo, không còn những đua tranh, anh Thành tích cực tham gia các hội nghị, sự kiện xóa bỏ sự kì thị với người phạm tội, người cai nghiện ma túy…

“Sau cả hành trình tôi nhận ra rằng, không một thứ bất lương nào tránh được pháp luật, bao nhiêu giang hồ khét tiếng cũng phải sa lưới và trả giá.  Sau này ra tù về tôi mới hiểu được giá trị con người nằm ở đâu. Nó không phải là tiền bạc, danh vị mà sự trân trọng của mọi người và hạnh phúc của bản thân, gia đình” - anh Thành chia sẻ.

Cuộc sống hiện tại là một niềm hạnh phúc với anh Thành, giản dị như niềm vui của vợ, con, sự trân quý của những người xung quanh. Anh vẫn bảo anh thương chị Tằm nhất, làm tất cả mọi thứ bù đắp những thiệt thòi của chị chịu đựng trong thời gian anh đi tù. Hai vợ chồng luôn đầu gối tay ấp, chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống và công việc sản xuất. Anh Thành vẫn hóm hỉnh, dù làm ra bao nhiêu tiền không quý bằng “kho báu” là vợ. 

Hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với những người biết quay đầu là bờ. Khi anh vẫn tâm niệm: “Không có con đường nào tốt hơn là con đường hoàn lương với những người như anh”. Giờ đây, anh Thành đã là một người tử tế, biết lan tỏa hạnh phúc và xây dựng phát triển quê hương. Con đường hoàn lương với mỗi người chưa bao giờ là muộn. Hạnh phúc sẽ chỉ đến với những ai biết quyết tâm và cố gắng đạt được nó như anh Thành. Mỗi người đều có một con đường để chúng ta trở về, đó là “chữ thiện”, “chữ thương”, ẩn  sâu đâu đó trong tim mỗi người.

Đọc thêm