Vướng mắc khi triển khai dự án sân bay Long Thành

(PLVN) - Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thi công dự án sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai), mặc dù chỉ  mới kiểm đếm đất đai của 276 hộ, song có tới 179 hộ không thể kiểm kê được vì đất vắng chủ…
Rừng cao su đang khẩn trương đốn hạ để phục vụ dự án sân bay Long Thành.
Rừng cao su đang khẩn trương đốn hạ để phục vụ dự án sân bay Long Thành.

Nhiều đất vắng chủ

Quá trình giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 (khu vực ưu tiên) đang thực hiện giải phóng 1.165 ha, gồm 1.000 ha đất trồng cao su của Tổng công ty cao su Đồng Nai, số còn lại là đất các hộ gia đình, cá nhân với 455 hộ. Tuy nhiên, theo thống kê của UBND huyện Long Thành, trong số 455 hộ dân nằm trong diện giải tỏa giai đoạn 1, có đến 179 hộ chưa kiểm đếm được. 

Chẳng hạn tại xã Long An, cơ quan chức năng đã kiểm kê 77 hộ nhưng có đến 35 trường hợp không xác định được chủ đất hoặc chủ hộ không đến, mua bán cho tặng bằng giấy tờ tay.

Hay tại xã Bình Sơn cũng có hàng chục hộ chưa thể kiểm đếm do chủ hộ không đến, đi vắng; không tìm được chủ đất; sai thông báo thu hồi đất, do thông tin Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - chi nhánh Long Thành cung cấp phục vụ ban hành thông báo không đúng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CMND, hộ khẩu do hộ dân cung cấp; chủ sử dụng không xác minh được ranh giới thửa đất. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đất đã bán cho người khác bằng giấy tay và cơ quan chức năng không biết chủ mới ở đâu để thông báo.

Do đất vắng chủ nên việc đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn. Đây cũng là lý do khiến Dự án Sân bay Long Thành đối diện với nguy cơ chậm tiến độ. Nhiều người không thể chờ đợi ngày nhận tiền đền bù đã bỏ đi nơi ở mới, bán đất bằng giấy tay hoặc bán dưới hình thức ủy quyền.

Về vấn đề này, ông Hoàng Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết: “Có những trường hợp người ta mua bán bằng giấy tay, theo quy định thì không được chuyển nhượng. Tuy nhiên khi đi khảo sát, đo đạc thì phải tìm được chủ cũ nên khó khăn. Chưa có văn bản nào hướng dẫn những trường hợp này”.

Sẽ giao mặt bằng đúng kế hoạch 

Trên trục đường ĐT769 dẫn vào vùng lõi dự án sân bay, ven đường là khu vực rừng cao su đang được cơ quan chức năng đốn hạ. Đây là 2 khu tái định cư, mỗi khu có diện tích khoảng 282 hécta sẽ là nơi ở mới của những gia đình nhường đất làm sân bay.

Đất sạch đã có, giới chức đang khẩn trương để có thể khởi công 2 khu tái định cư này ngay trong năm 2019. Nhưng với người dân phải di dời, họ vẫn chưa thể biết được cuộc sống ở khu tái định cư sẽ như thế nào.

Như vợ chồng ông Võ Minh Tâm (65 tuổi, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn) có 3 người con trai đều đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Hơn 3 hécta đất canh tác vợ chồng ông khai phá trước đây, đáng ra đã được chia đều cho 3 người con để xây dựng cuộc sống riêng. Nhưng vướng dự án sân bay, hơn chục năm nay ông Tâm chỉ có thể tách hộ khẩu cho các con, còn chia đất cho từng người thì không được phép.

“Qua tìm hiểu, tôi rất lo lắng khi biết được mỗi hộ chỉ được cấp 1 suất tái định cư. Tôi đề nghị được xem xét cho mỗi đứa một suất tái định cư. Còn nếu Nhà nước bán thì với giá vừa phải, chứ bán giá thị trường thì các con tôi không mua nổi”, ông Tâm bày tỏ. 

Những trường hợp như gia đình ông Tâm không hiếm. Và cũng có thể sẽ xuất hiện thêm vướng mắc bởi quỹ đất trong 2 khu tái định cư dự án sân bay là có hạn, trong khi hơn chục năm qua, những gia đình mới như các con ông Tâm rất nhiều.

Chưa hết, do chưa có bảng giá đền bù, hỗ trợ nên người dân vẫn rất băn khoăn, chưa biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền để lo cho cuộc sống mới dù ngày di dời đã cận kề. 

Trong khi đó, theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành, trong tổng số gần 5.300 trường hợp mà đơn vị này gửi thông báo thu hồi đất cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành, số có địa chỉ khoảng 2.800 trường hợp, số không có địa chỉ chiếm trên 1.000 trường hợp, đặc biệt số vắng chủ lên đến trên 1.500 trường hợp.

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Đầu tháng 8 này các tổ công tác của huyện tiếp tục xuống xác minh, kiểm kê một lần nữa đối với các hộ dân giải tỏa thuộc giai đoạn 1, nếu chưa gặp được chủ đất thì đăng thông báo. Sau khi đăng thông báo vẫn không tìm ra chủ đất thì tiến hành kiểm kê theo hình thức vắng chủ”.

Ông Đức khẳng định: “Chúng tôi đang tăng tốc giải phóng mặt bằng, để cuối tháng 8 có mặt bằng khu vực ưu tiên giai đoạn 1, bàn giao cho tỉnh hoàn tất các thủ tục, xây dựng 2 khu tái định cư và hạ tầng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho rằng, với những trường hợp không có chủ đất để ký xác nhận ranh giới đất và kiểm kê cây trồng, vật kiến trúc trên đất thì sau này rất dễ xảy ra khiếu kiện. Số lượng đất vắng chủ ở đây không phải là một vài hộ mà lên đến hơn cả ngàn hộ nên phải hết sức thận trọng khi thực hiện.

“Xử lý các trường hợp đất vắng chủ sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy địa phương, sở ngành cần cố gắng đề xuất các phương án như đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất biết được tổ công tác đền bù đang thực hiện đo đạc, kiểm kê đất ở các khu vực”, ông Chánh nói thêm.

Đọc thêm