Giá phòng cho mỗi chú chó nghỉ tại đây thấp nhất 500 ngàn đồng/ngày. Nếu yêu cầu dắt vật nuôi đi dạo, ăn chế độ riêng, mức giá có thể lên tới 1 triệu đồng. “Cat Dog Resort” của ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940, ngụ Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) “sống khỏe” gần 20 năm qua nhờ dịch vụ độc đáo này.
Chó mèo ăn nghỉ bạc triệu mỗi ngày
Người dân ở ngõ 167 phố Trương Định đã quá quen thuộc với resort dành cho chó mèo bởi ngày nào cũng có người đến hỏi thăm: Người đưa vật nuôi đến nghỉ dưỡng, người đến tham quan chỉ vì “chuyện lạ tai”.
Trên thửa đất hơn 2000m2, cụm công trình độc đáo của ông Bảo Sinh có khách sạn 6 tầng diện tích sử dụng gần 500m2 chuyên phục vụ chó mèo “nghỉ dưỡng”. Ông Sinh cho biết giá mỗi phòng thấp nhất 500 ngàn đồng/ngày. “Khách” có thể ở ghép nếu muốn tiết kiệm chi phí.
Tất cả các phòng không khác gì “khách sạn hạng sang”, cửa chính bằng gỗ, cửa sổ bằng kính, đầy đủ hệ thống nước nóng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, vô tuyến. Điểm khác biệt là mỗi phòng đều có thêm những chiếc chuồng của thú cưng trang trí bắt mắt.
Mức giá khá đa dạng. Nếu chủ nuôi yêu cầu thêm các dịch vụ như ăn theo thực đơn riêng, có người dẫn thú cưng đi dạo kèm chăm sóc sức khỏe, giá tăng thêm 200 - 500 ngàn đồng mỗi ngày. Dẫn khách vào căn phòng rộng khoảng 30m2 chỉ có chú chó đang nằm “tắm nắng nhân tạo” giữa bàn kính, ông Sinh cho biết “vị khách” này đang được hưởng gói dịch vụ cao nhất giá 1 triệu đồng/ngày.
Căn phòng được ngăn thành hai, phòng ngoài là không gian của chú chó, bên trong để chủ nhân có thể ở lại. Hàng ngày chủ chó có thể tới thăm, tự nấu nướng thức ăn. Bộ phận nhà bếp sẽ cung cấp thực phẩm cơ bản, ngoài ra khách có thể yêu cầu nguyên liệu riêng hoặc, tự đi chợ mua về khách sạn chế biến.
Đối diện tiền sảnh khách sạn là dãy chuồng rộng hơn 100m2. Ông Sinh gọi vui đó là “khu trọ bình dân” giá 100 ngàn đồng/ngày cho mỗi con thú cưng được gửi tới.
Giá cả là thế nhưng mỗi ngày Cat Dog Resort phục vụ trung bình 20 - 30 “khách hàng” lưu trú thường xuyên. Vào các dịp lễ, Tết hoặc nghỉ hè, lượng thú cưng đến khách sạn tăng gấp đôi, gấp ba. Thậm chí có thời điểm ông Sinh phải treo biển “hết phòng”. “Tối đa chúng tôi phục vụ 100 “khách”. Nếu nhận thêm nữa, sợ không thể phục vụ chu đáo”, ông Sinh giải thích.
Chính thức hoạt động từ năm 2000, ông Sinh cho biết qua thời gian, lượng khách tăng dần đều: “Có con chó đáng giá 5 triệu đồng nhưng chủ nuôi sẵn sàng chi vài chục triệu để vật nuôi ở lại khách sạn mấy tháng. Cũng có người đưa thú cưng đến đây “an dưỡng” tới lúc chết, chi phí lên tới cả… trăm triệu”.
Hiện khách sạn có 10 nhân viên gồm bác sĩ thú y, kĩ sư chăn nuôi, nhân viên phòng, bảo vệ, đầu bếp. Thu nhập người lao động mỗi tháng từ 5-20 triệu đồng/người. Lúc cao điểm, cơ sở bổ sung lao động thời vụ. Ông Sinh cho hay “năm nào cũng lãi”, dù không nói số tiền cụ thể.
Dãy nhà 6 tầng chuyên phục vụ thú cưng |
Bên trong một phòng nghỉ dành cho chó mèo |
Vượt lên dị nghị
Nói về ý tưởng thành lập khách sạn chó mèo, ông Sinh kể mê chó từ nhỏ. Hồi những năm 1970, ông đã nuôi cả đàn chó béc-giê. Nhiều người đến gửi nhờ vật nuôi những lúc bận, ông lóe lên ý tưởng.
Đến những năm 1990, một số người khó tính yêu cầu thú cưng phải được ăn ở trong phòng có điều hòa, nước nóng. Thời ấy mặt bằng kinh tế còn khó khăn, trong một xã hội nói chung không yêu mến vật nuôi, việc xây khách sạn chỉ phục vụ chó mèo là điều bị dị nghị. Ông Sinh vẫn không từ bỏ niềm đam mê, cũng là nghiệp kinh doanh của mình.
Đó là chưa nói đến khía cạnh kinh tế, phải rất thận trọng: “Ở thời điểm năm 1990 nếu mở khách sạn thú cưng sẽ thất bại chắc chắn vì cầu chưa nhiều, lại sợ dư luận. Tôi sang một số nước tìm hiểu xu hướng rồi xây dựng dần dần, năm 2000 chính thức hoàn thiện, đưa khách sạn vào hoạt động”.
Ông Sinh chia sẻ kinh doanh dịch vụ thú cưng khác với các ngành khác. Không phải cứ có tiền xây cơ sở, thuê nhân lực rồi đứng “chỉ tay năm ngón” là thu lợi. “Nghề này không thể trông chờ vào người khác. Không phải trình độ họ kém, mà vấn đề là người ta có yêu thương vật nuôi thật lòng hay không. Vì vậy rất khó mở rộng mô hình, chỉ nên hoạt động ở mức vừa và nhỏ mới có thể kiểm soát tốt”, ông lí giải.
Trong kinh doanh chó mèo, theo ông Sinh việc tìm được nhân viên yêu động vật hay không sẽ quyết định thành bại. Vật nuôi không thể tự ăn uống, tự “trình bày bệnh tật”, người chăm sóc phải thực sự yêu quý, luôn theo dõi, có kinh nghiệm, phát hiện những bất thường kịp thời. Mỗi chú chó mỗi tính, nhân viên phải biết cách sắp xếp các “vị khách” hợp tính nhau vào một phòng.
Một góc nghĩa trang thú cưng |
Vị giám đốc tuổi xấp xỉ 80 nay vẫn tự mình giám sát mọi công việc, túc trực 24/24h. Ông dẫn chứng kinh nghiệm đơn giản kiểm tra nhân viên cho thú cưng ăn: Nếu cả 10 khay thức ăn đều sạch trơn có nghĩa “khách” đã ở trong tình trạng quá đói. Ngược lại quá nhiều khay dư thức ăn, tức là nhân viên cho ăn quá no.
Ngày nay dịch vụ chăm sóc thú cưng ở Việt Nam không còn lạ như trước. Nhớ lại quãng thời gian “vạn sự khởi đầu nan”, nhất là nỗi lo bị dị nghị, ông bộc bạch: “Tôi mở khách sạn chó mèo, nghĩa trang chó mèo hợp với đạo lý “vạn vật công bằng như nhau”. Về mặt pháp lý không vi phạm gì. Còn những ai dị ứng với tôi, nay tôi coi như không biết”.
Phục vụ từ nghỉ dưỡng tới… chôn cất
Vài năm gần đây, các cơ sở chăm sóc thú cưng mọc lên như nấm, ông Sinh khéo léo chuyển hướng thành cơ sở tiên phong cung cấp dịch vụ mai táng thú cưng. Ông cho hay “nghĩa địa chó mèo” hiện có hơn 1500 sinh linh.
Nghĩa trang gồm mộ địa táng và mộ tầng gắn tường, chia thành từng ô nhỏ như kệ sách. Chi phí mỗi ngôi mộ địa táng 10 triệu đồng, mộ tầng 8 triệu, nếu chỉ lưu ảnh và tro cốt thú cưng giá 4,5 triệu. Thời gian gần đây nhiều khách hàng yêu cầu thêm các nghi lễ cho thú cưng như: Cầu siêu, tẩm liệm, rải hoa thơm trước khi thiêu và… mời cả người đến tụng kinh.