Vượt qua bệnh tật, người đàn ông hơn 40 năm mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

(PLVN) - “Dù không được học sư phạm, không như một người thầy đúng nghĩa, nhưng cứ đến ngày 20/11 hay lễ Tết, nhiều em thường đến thăm tôi. Tôi không giúp được gì nhiều, nhưng cũng góp một chút sức cho các em những con chữ đầu đời. Đó là niềm an ủi và khích lệ lớn trong cuộc đời “gõ đầu trẻ” của tôi”, người thầy hơn 40 năm mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo ở một vùng biển tỉnh Phú Yên tâm sự.
Vượt qua bệnh tật, người đàn ông hơn 40 năm mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

Lớp học miễn phí của người thầy khuyết tật

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà thầy Lê Văn Nam (60 tuổi, ngụ xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), nhiều người dân cho biết, xóm Rớ là làng chài nghèo ven biển với nhiều ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo. Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc vào những chuyến đi biển bấp bênh. 

Trước kia, ngư dân ai cũng sinh nhiều con, đặc biệt là con trai để có người đi biển. Gánh nặng đông con, ăn còn không đủ nên chẳng ai dám mơ đến việc cho con đi học. Do đó, những đứa trẻ xóm Rớ đa phần đều chẳng học hành đến nơi đến chốn.

Rồi, khi nhắc đến thầy Nam, họ trầm trồ ngợi khen và cảm phục về hành trình gieo chữ cho trẻ em nghèo của người đàn ông mang bệnh tật này. Họ bảo, dù bệnh tật nhưng hơn 40 năm qua, thầy Nam đã tự mở lớp dạy học miễn phí, vừa dạy chữ, vừa dạy bài học làm người cho các em nhỏ ở phường Phú Đông và những phường lân cận.

Đến cổng nhà thầy Nam, chúng tôi thấy phía bên trong các em nhỏ đang chăm chú nghe người thầy ngồi xe lăn giảng bài. Thấy có khách đến thăm, thầy Nam tạm nghỉ dạy, cho các em giải lao tại chỗ. Rồi, thầy kể chúng tôi nghe về hành trình gieo chữ cho trẻ em nghèo của mình.

Cuộc đời của thầy Nam đầy bất hạnh. Lên 5 tuổi, cậu bé Nam bị sốt dẫn đến bại liệt 2 chân. Thế nhưng, không vì vậy mà cậu bé chùn bước. Ngược lại, dù tật nguyền nhưng Nam vẫn đam mê với con chữ, cắp sách lết tới trường.

Đến năm 14 tuổi, chàng thiếu niên phải bỏ giấc mơ học lên cao vì cha mất. Thế nhưng, Nam vẫn đau đáu chuyện con chữ. Ngày ngày, chàng trai lại tìm đến những cuốn sách, tự học để có kiến thức cho bản thân. 

Hàng ngày, trong ngôi nhà nhỏ ở quê nghèo xóm Rớ, Nam nhìn cảnh trẻ em xóm nghèo lầm lũi vì không được đến lớp mà lòng quặn đau. Nhiều đêm trằn trọc, anh muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em có được con chữ. Nam tự hỏi: “Đời mình đã thế, chẳng lẽ đời lũ trẻ cũng như vậy sao?”.

Hơn 40 năm qua, thầy Nam vẫn lặng lẽ gieo chữ cho trẻ em nghèo
 Hơn 40 năm qua, thầy Nam vẫn lặng lẽ gieo chữ cho trẻ em nghèo

Sau bao lần trăn trở, năm 1979, khi mới 19 tuổi, Nam bàn với gia đình mở lớp học tại nhà để dạy chữ cho trẻ em ở địa phương. “Thời đó, ngư dân những làng chài ven biển miền Trung, trong đó có xóm Rớ này, ít ai quan tâm đến chuyện học hành của con em. Nhìn cảnh các em suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài bãi biển, tôi rất xót xa nên quyết tâm đem vốn chữ ít ỏi của mình để truyền dạy các em”, thầy Nam cho biết.

Nói rồi, thầy Nam bảo, hồi ấy lớp học của thầy tạm bợ trong căn nhà tranh. Chiếc bảng là tấm ván do hàng xóm cho, còn bàn ghế thì xin gỗ vụn từ những chiếc thuyền đã hỏng để làm. 

Giáo án dạy học là do thầy tự tìm tòi và đúc kết. “Học phí” thì tùy tâm phụ huynh, đa phần đều miễn phí, bởi hầu như ai cũng nghèo. Sau mỗi chuyến đi biển, bà con ngư dân lại mang đến cho thầy con cá, bó rau, củ sắn, vậy là đủ. Hoặc cũng có người góp công vào việc tu sửa lớp học sau mỗi trận bão.

“Lúc mới mở, lớp chỉ vài ba em nhỏ trong xóm. Nhưng càng về sau, thấy tôi dạy đơn giản, bọn trẻ lại tiếp thu nhanh, lại chẳng tốn tiền nên các trò đến ngày một đông hơn. Nhiều lúc cũng thấy mệt bởi mình bệnh tật, nhưng nghĩ lại thấy vui vì mình đã giúp được cho trẻ em nghèo có được vốn chữ cơ bản để có thể bước ra đời”, thầy Nam nhớ lại.

Thời gian về sau, khi đời sống của người dân đỡ bấp bênh hơn, họ cho con em mình đến trường đi học. Dù vậy, hơn 40 năm qua, thầy Nam vẫn duy trì lớp học của mình. Bây giờ, trước khi vào tiểu học, đứa trẻ nào của xóm Rớ cũng cắp sách vở đến nhà thầy học cái chữ.

“Hiện tại, lớp có gần 100 em theo học. Do đó, tôi phải chia ra làm 2 buổi dạy sáng và chiều. Không chỉ các em ở xóm Rớ, ở phường Phú Đông, mà còn có các em ở những phường lân cận cũng được phụ huynh đưa đến học”, thầy Nam chia sẻ.

Quả ngọt

Ở lớp học của mình, thầy Nam không chỉ dạy chữ mà còn tâm sự, chia sẻ với các em về những câu chuyện trong vùng quê nghèo khó của mình, về cuộc sống cơ cực của ngư dân, với mong muốn các em chăm chỉ học hành. Nhờ vậy, các em nhỏ đều thích thú đến lớp và siêng năng học tập. 

“Tôi thường kể các em nghe những câu chuyện tốt đời đẹp đạo để hướng các em đến cái tâm trong sạch. Có như vậy mới nên người được. Ước mơ của tôi là mong muốn tất cả các em ăn học thành tài để trở thành người có ích cho xã hội. Tôi vui mừng vì không những các em mà người dân ở địa phương gọi mình là thầy”, thầy Nam bộc bạch.

Không qua trường lớp sư phạm, nhưng thầy Nam trở thành người thầy trong lòng những cô cậu học trò và cả trong cộng đồng dân cư TP Tuy Hòa từ lúc nào không rõ. Chỉ biết mọi người đã gọi thầy với danh xưng thân thiết và tôn trọng - thầy giáo Nam. 

“Con tôi mới 4 tuổi nhưng đã có thể đọc chữ và biết làm toán cộng trừ. Đứa con lớn của tôi cũng từng học thầy Nam, khi lên lớp 1, cháu học rất tốt, được thầy cô ở trường đánh giá cao. Các bậc phụ huynh ở đây ai cũng quý mến và trân trọng thầy Nam bởi tấm lòng cao cả của thầy. Các cháu ngoài học chữ còn được thầy dạy thêm nhiều điều hay lẽ phải để sau này trở thành người tốt. Cũng nhờ lớp học đặc biệt này, nhiều thế hệ học trò ở đây giờ đã trở thành những người có ích cho xã hội, có nghề nghiệp, công việc làm ổn định”, chị Nguyễn Thị Lan (một phụ huynh ở xóm Rớ) cho biết.

Từ căn nhà nhỏ này, nhiều học trò của thầy Nam bây giờ thành đạt, có người làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... Trong lòng họ, người thầy giáo này như một tấm gương, như sức mạnh để họ vượt lên những khó khăn trong cả cuộc đời. 

“Có được những gì hôm nay, tôi không quên ơn thầy. Không chỉ là người thầy đầu tiên, thầy Nam còn như người cha đỡ đầu giàu tình nghĩa với những đứa trẻ vùng biển chúng tôi”, anh Nguyễn Thành Thuật (một du học sinh Nhật) chia sẻ.

Hơn 40 năm gieo những con chữ đầu đời cho trẻ nghèo làng biển, bản thân thầy Nam cũng không nhớ mình đã dạy cho bao nhiêu học trò. “Dù không được học sư phạm, không như một người thầy đúng nghĩa, nhưng cứ đến ngày 20/11 hay lễ, Tết, nhiều em thường đến thăm tôi. Tôi không giúp được gì nhiều cho xã hội, nhưng cũng góp một chút sức cho các em những con chữ đầu đời. Đó là niềm an ủi và khích lệ lớn trong cuộc đời “gõ đầu trẻ” của tôi”, thầy Nam tâm sự.

Năm gần 30 tuổi, thầy Nam nên duyên vợ chồng với một cô gái cùng xóm và sinh được 3 người con. Hiện tại, cuộc sống gia đình thầy cũng ổn định nhờ nguồn thu nhập từ máy ép nước mía và tiền công đan lưới của người vợ.

Bây giờ, vùng biển xóm Rớ vẫn ầm ào sóng gió, khắc nghiệt nắng mưa, nhưng lớp học của thầy Nam đã khang trang hơn xưa. Và thầy vẫn âm thầm lặng lẽ viết nên câu chuyện gieo chữ cho những đứa trẻ ở nơi đây để chúng tự tin bước vào trường học, trường đời.

Hình ảnh một người thầy bệnh tật, nhưng đầy tâm huyết với trẻ em nghèo cứ đeo đuổi chúng tôi trong suốt quãng đường trở về. Dọc hành trình, chúng tôi luôn vững niềm tin rằng yêu thương vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống quanh ta.

Đọc thêm