Nỗi đau chồng nỗi đau
Phạm Vũ Hiệp (37 tuổi, Giám đốc Dự án Tavimart, Công ty IDT) kể lại thời điểm anh đối mặt bệnh tật với một giọng nói nhẹ nhàng. Thời điểm đó, mọi tương lai tốt đẹp đang rộng mở trước mắt Hiệp với một công việc đáng mơ ước và đứa con gái xinh đẹp mới chào đời… thì sức khỏe của anh xuất hiện nhiều vấn đề. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ, rồi đau nhiều và nặng dần. Đi hai, ba bệnh viện khám thì chỉ nhận được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày... Nhưng cứ hết thuốc thì cơn đau lại hành hạ, ngày một dữ dội và đau đớn hơn, thể trạng anh sụt giảm rất nhanh.
Lại đi bệnh viện, lần này bác sĩ kết luận anh bị ung thư hạch, phải phẫu thuật cắt hơn 1m ruột. Thấy điều gì đó lạ lùng từ biểu hiện của người thân, Hiệp đã tự chụp bệnh án của mình và lên mạng tìm kiếm thông tin. Cánh cửa như đóng sập trước mắt khi anh biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn sang tủy, xương với tiên lượng thời gian sống chỉ còn khoảng 3-6 tháng.
Hiệp nhớ lại, 10 ngày sau mổ là 10 ngày khốn khổ vô cùng, cũng là khoảng thởi gian khiến Hiệp nhận ra mình phải sống bởi cô con gái bé bỏng còn chưa đầy 1 tuổi. Hiệp kể: “Bình thường, vợ tôi trông cũng rạng rỡ (tuy vẫn là trạng thái gắng gượng để động viên chồng) nhưng khi ngủ, trông cô ấy buồn khổ vô cùng. Có lẽ cả ngày gồng mình lên làm việc, chăm con rồi lại cùng chồng chống chọi với bệnh tật nên cô ấy gắng gượng quên hết đi. Đến khi ngủ, khi con người trở về với trạng thái vô thức, mới thấy những nét đau khổ trên gương mặt cô ấy. Nhìn sang con gái lại thấy khác biệt vô cùng. Gương mặt nó nhẹ nhõm, thanh thoát, vui tươi. Hai hình ảnh đối lập ấy khiến trong tôi bùng lên cảm giác phải chiến đấu, phải sống để còn có cơ hội chăm sóc những người thân của mình”.
Tuy thế, giữa quyết tâm và thực tế lại là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Hiệp quyết tâm bao nhiêu thì căn bệnh lại tác động đến Hiệp mạnh mẽ bấy nhiêu. Có nhiều lúc ý chí buộc Hiệp phải làm quen, đi lại sau ca phẫu thuật, nhưng để đi được 2 tầng cầu thang, Hiệp mất hơn một giờ đồng hồ. Sau đó là thở dốc… Nhiều lần Hiệp muốn buông xuôi, nhưng hình ảnh hai gương mặt thân thương hàng đêm lại hiện về trong tâm trí khiến anh lại nỗ lực hơn.
Đôi lúc, khi chỉ có một mình trong phòng, Hiệp cũng cho phép mình yếu đuối, những giọt nước mắt trào ra tự thương mình. Nhưng thấy mẹ, thấy vợ bước vào là anh lại quay đi, quệt vội hai hàng nước mắt đang tuôn trào. Cũng nhiều lúc Hiệp như giả vờ ngủ để được nghe những câu chuyện trong ngôi nhà của mình. Khi thì hàng xóm sang thăm, lúc thì bạn bè mẹ, khi thì bạn bè của vợ… Những câu động viên, những cái vỗ về an ủi… anh biết hết, thấy hết. Anh bảo, cảm giác lúc ấy thương mình một thì thương những người thân của mình gấp 10 lần, bởi anh chỉ đau đớn thể xác, còn người nhà thì lại phải chịu nỗi đau tinh thần quá lớn không gì có thể xoa dịu được.
|
Hiệp đi trao quà cho trẻ em miền núi. |
Công cuộc chiến đấu với “án tử” của anh được tiếp thêm sức mạnh nhờ những câu nói bi bô, chưa ra từ, ra chữ của con gái. Anh thèm được nghe con gái gọi từ “ba” thật “tròn vành rõ chữ”… Bên con hàng ngày, anh dần dần ổn định và khỏe hơn cùng với mỗi tiếng nói rõ nghĩa hơn của con. Những tưởng cuộc sống đã bình yên trở lại… Chẳng ai ngờ, khi anh đang có niềm tin mình sẽ sống được và sống khỏe hơn thì đứa con gái nhỏ bé là niềm tin và nghị lực sống của anh lại ra đi sau một tai nạn thương tâm. Nỗi đau chồng nỗi đau, anh gần như gục ngã…
Mỗi chuyến đi là một bài học cuộc sống
“Cả nhà cùng chìm trong một không khí im lặng đến đáng sợ. Cảm giác như sự sống đã thực sự kết thúc vậy” - Hiệp kể về thời khắc còn đáng sợ hơn những ngày anh phải chiến đấu với thần chết. Rồi anh dần tĩnh tâm khi có duyên lành gặp được Phật pháp. Anh vực dậy tinh thần của mình, rồi động viên cả nhà để không gian ấy có sức sống trở lại, tiếp tục cuộc sống cùng với những mong ước chưa kịp thực hiện cùng con gái.
Anh lao vào những chuyến đi cốt để quên nỗi buồn và tìm sự chia sẻ. Đi rồi mới thấy cuộc đời này còn nhiều người, nhiều nơi khốn khổ hơn mình… và anh muốn làm cho họ, cho những cuộc đời mà anh gặp gỡ trong suốt hành trình một vài điều bé nhỏ nào đấy. Ban đầu là ít kẹo bánh, vài chiếc quần áo rét… Sau rồi anh cùng bạn bè trong công ty thực hiện những chuyến đi mang áo ấm cho vùng cao, đến từng gia đình, nói những câu chuyện cuộc sống để anh và bạn bè cùng cảm nhận được sự hạnh phúc của mình.
Rồi anh nghĩ đến những người bệnh như mình. Anh chợt nghĩ, nếu ngày trước anh buông tay, đầu hàng, giờ không biết anh đang như thế nào. Và anh đến với những bệnh nhân để sẻ chia, để kể cho họ nghe câu chuyện cuộc đời mình, để động viên họ vượt lên bệnh tật, bởi anh hiểu với căn bệnh ung thư, “tinh thần” là “liều thuốc” quan trọng nhất. Không đủ sức đi từng giường bệnh tâm sự, anh quyết định đưa số điện thoại của mình lên trang facebook cá nhân để bất kỳ ai có nhu cầu anh đều tư vấn, chuyện trò, từ những việc nhỏ nhất như tập tay chân ra sao, ăn uống như thế nào, nên gặp gỡ ai để chuyện trò hàng ngày. Hiệp kể, nhiều bệnh nhân cứ thấy anh bắt máy là khóc, nhiều khi anh phải quát để át đi tiếng khóc của họ, để họ ngừng cơn “tự kỷ ám thị” rồi anh mới bắt đầu câu chuyện được.
Hiện nay, anh vẫn hàng ngày làm việc ở Công ty IDT, vẫn cùng anh em, bạn bè thực hiện những công việc thiện nguyện như nhiều năm anh vẫn làm; cùng Câu lạc bộ Lá me xanh nấu cháo cho bệnh nhân ở Bệnh viện K Tam Hiệp, cùng Câu lạc bộ Kết nối tình người tổ chức những chuyến đi đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn của đất nước để vun đắp cho trẻ em những ước mơ, những hoài bảo. Phạm Vũ Hiệp tâm sự: “Tôi vẫn luôn nhắc nhở các bạn tình nguyện trong đội của mình mỗi chuyến đi không phải là làm từ thiện. Mỗi chuyến đi của chúng tôi sẽ là những bài học cuộc sống, để mọi người cùng thấu hiểu hơn, cùng biết chia sẻ hơn và trưởng thành hơn”…/.