Vượt qua sang chấn tâm lý hậu đại dịch thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau đại dịch, cuộc sống sẽ ổn định lại, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trở lại “bình thường” như trước với nhiều gia đình: Con cái mất cha mẹ, vợ mất chồng, anh chị em chia ly mãi mãi…
Khởi đầu bằng những suy nghĩ tích cực giúp vượt qua sang chấn tâm lý hậu đại dịch. (Ảnh minh họa)
Khởi đầu bằng những suy nghĩ tích cực giúp vượt qua sang chấn tâm lý hậu đại dịch. (Ảnh minh họa)

Những cuộc chia ly đột ngột

Cho đến giờ này, chị Nguyễn Thị Th (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vẫn không sao quen được ý nghĩ rằng chồng mình đã ra đi vì COVID-19. Hai vợ chồng gặp nhau từ hồi đi học, cho đến nay đã gắn bó với nhau được gần 25 năm. Họ có một gia đình hạnh phúc, có chung nhiều sở thích, có với nhau hai mặt con. Anh là người khoẻ mạnh, thích thể thao, yêu thích chụp ảnh mọi thứ chung quanh. Chị chẳng thể ngờ, khi dịch vừa bùng phát ít lâu, chưa kịp được tiêm vaccine thì anh đã trở thành F0. Vào khu điều trị không được bao lâu thì anh qua đời.

Là một người mạnh mẽ, chị vẫn tỏ ra rất kiên cường, luôn cố gắng động viên mình và gia đình, nói những lời lạc quan. Nhưng những người thân với chị đều hiểu rõ sự mất mát tổn thương lớn trong tâm hồn chị. Làm sao không đau được khi mất đi không chỉ một người chồng mà còn là một người bạn đường, một người tri kỉ gắn bó gần nửa đời, người cha của các con mình.

Chị Th. chia sẻ, hai tháng trời chị hầu như mất ngủ triền miên, cứ nhắm mắt lại là nỗi buồn, nhớ, tiếc ập đến. Nhưng ban ngày, chị vẫn phải cố gắng bình thường nhất có thể, vẫn phải vun vén gia đình, nấu những món ăn ngon cho các con. Đó cũng là cách để tự vực mình dậy và khiến các con không mất tinh thần.

“Đứa con trai nhỏ 4 tuổi vẫn còn hồn nhiên, nó chỉ hay hỏi ba, cứ tưởng ba mất như là ba đi công tác như mọi lần. Còn đứa con trai lớn năm nay 12 tuổi, nhận thức được rồi nên nó buồn lắm. Là con trai nên nó không kêu gào khóc lóc, chỉ thấy nó hay ngồi thừ ra, có lúc chảy nước mắt, không còn hoạt bát vui vẻ như trước. Anh vẫn là người gần gũi, quan tâm và hay chơi với các con. Giờ tôi buồn là một nỗi, nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự thiếu hụt tình cảm người cha ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển cho các con sau này”, chị Th. bày tỏ.

Còn anh Lê Công H. (35 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) - nhân vật từng xuất hiện trong bức ảnh con trai đi nhận tro cốt của mẹ gây xúc động cho cộng đồng - sau ngày mẹ mất hơn 1 tháng, vợ chồng anh vẫn quay cuồng với bao nỗi hối tiếc “giá như”.

Mẹ anh mới hơn 60, còn trẻ, khoẻ, yêu đời. Mất chồng từ trẻ, ở vậy nuôi con trai khôn lớn, bà đã hy sinh, vất vả nhiều. Vì thế, tâm nguyện của anh H. là đợi đứa con thứ hai lớn hơn chút, sẽ đưa mẹ đi du lịch khắp cả nước để mẹ thăm thú, khám phá.

Nhưng chưa kịp thì đại dịch ập đến, cả gia đình anh trở thành F0, mà vợ anh là người đầu tiên nhiễm do lây từ một người hàng xóm. Cả nhà anh may mắn hồi phục, nhưng mẹ anh thì không qua khỏi. Vợ chồng anh giờ đây vẫn dằn vặt, day dứt vì đã thiếu cẩn trọng, đề phòng, để nhiễm bệnh rồi lây cho mẹ. Hối hận vì đến cuối đời mẹ vẫn vất vả chăm cháu, chưa có ngày hưởng thụ cho riêng mình. Hối tiếc vì không có nổi một đám tang để tiễn mẹ lên đường. Anh bảo, nỗi hối tiếc ấy có lẽ còn theo vợ chồng anh suốt đời.

Cần liều thuốc tinh thần để vượt qua

Có biết bao niềm đau, nỗi hối tiếc ngập tràn trong những ngày này. Ở TPHCM, 1.500 đứa trẻ mồ côi, khăn tang trắng mái đầu xanh. Những bậc sinh thành lớn tuổi mất đi những đứa con trong tuổi thanh xuân phơi phới, những người anh chị em mãi mãi không còn nhìn thấy mặt nhau. Những cuộc chia ly diễn ra quá đột ngột khiến người ta không kịp chuẩn bị tinh thần, và nỗi đau, nỗi tiếc như càng nhân lên.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, nếu như với người lớn, bị dày vò vì nỗi đau đớn, thiếu vắng, hối tiếc thì trẻ nhỏ, hồn nhiên, dễ thích nghi hơn, sẽ không bị nỗi đau gặm nhấm thường trực. Nhưng người lớn thường có đủ mạnh mẽ và tinh thần để vượt qua nỗi đau theo thời gian. Còn với trẻ nhỏ, những chấn thương tâm lý thường khó nhận ra, nhưng để lại hậu quả dai dẳng. Đó là khi trẻ bị khuyết đi một phần, hoặc toàn bộ thương yêu từ cha mẹ. Ngoài thiếu thốn về vật chất, ảnh hưởng đến cuộc sống, trẻ còn dễ dàng mất cân bằng tâm lý, thu mình lại, dễ dẫn đến những di chứng ảnh hưởng đến hạnh phúc về sau.

Hiện, đã có nhiều dự án hỗ trợ tâm lý cho người dân trong đại dịch, trong đó không ít nhóm chuyên nghiệp, được thành lập từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giảng viên khoa tâm lý các trường Đại học… Thân nhân người mất có thể tìm đến thông qua các kênh liên lạc để có thể giãi bày, chia sẻ, tìm được lời khuyên cho chính mình và gia đình.

Tất nhiên, đó chỉ là giải pháp tức thời. Về lâu về dài, có lẽ nên có những dự án lớn hơn về chữa trị sang chấn tâm lý cho những người mất đi thân nhân trong đại dịch. Nhất là với những trẻ em mồ côi, các Mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, ngoài lo cho cuộc sống vật chất, có lẽ nên xem xét đến khía cạnh tinh thần, làm thế nào để các em có thể được quan tâm, điều trị tâm lý, không khoét thêm hố sâu khác biệt giữa các em và những đứa trẻ đủ đầy khác, cho các em nhận được sự yêu thương chân thành để phần nào bù đắp mất mát lớn lao của các em…

Từ thực tế F0 sau khi khỏi bệnh COVID-19 ngoài việc hồi phục thể chất còn rất cần tư vấn tâm lý để vượt qua trầm cảm, lo âu, mất mát…, ổn định tinh thần và trở lại cuộc sống bình thường, TP HCM vừa ra mắt trung tâm phục hồi thể chất, tinh thần bệnh nhân khỏi COVID-19. Trụ sở trung tâm đặt tại số 145 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông (đối diện cổng trước Bệnh viện Lê Văn Thịnh), cơ sở vật chất khang trang với 3 khu riêng biệt: chạy thận nhân tạo, điều trị tâm lý, điều trị vật lý trị liệu và ứng dụng công nghệ cao y tế giúp người bệnh nhanh phục hồi. Bệnh nhân đến đây đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi về BHYT, có xe đưa rước dành cho người đi lại khó khăn. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết, Trung tâm mới mở ra tạo cơ hội giúp người bệnh sau khi điều trịCOVID-19 mau phục hồi thể chất, tinh thần, hòa nhập cộng đồng là việc có ý nghĩa thiết thực trong thời điểm này.

Đọc thêm