Wonderfarm nỗ lực “cày cuốc” trả nợ để lấy lại tên tuổi

(PLVN) - Từng là thương hiệu trà bí đao “đình đám” một thời rồi phải rời sàn chứng khoán vì làm ăn bết bát, đến nay Wonderfarm đang nỗ lực “cày cuốc”, đề ra những hướng đi phù hợp với cuộc chơi mới kinh tế thị trường, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng để dần thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên lấy lại những gì đã mất.
Wonderfarm nỗ lực “cày cuốc” trả nợ để lấy lại tên tuổi

7 năm lỗ hơn 850 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế Interfood (mã chứng khoán: IFS) được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD. Tiền thân của IFS là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI),doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với 4 cổ đông sáng lập đến từ Malaysia.

Hoạt động chính ban đầu của Công ty là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, sau đó chuyển hướng sang sản xuất đồ uống, gây dựng danh tiếng với dòng sản phẩm Wonderfarm, đặc biệt là trà bí đao. Từ năm 2001 đến 2006 là giai đoạn thịnh vượng nhất của Interfood khi đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt hơn 24%, với doanh thu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ…

Năm 2005, Công ty đã chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Đây cũng là năm Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu "Đại nông trại" hay "Wonderfarm" cho các sản phẩm của Công ty.

Cùng với hai thương hiệu khác là "OKAYO" và "TOP", Interfood trở thành một trong số những công ty giữ thị phần cao đối với sản phẩm nước trái cây không gas và đồ uống độ cồn nhẹ tại khu vực phía Nam. Theo ước tính của Công ty, thương hiệu đồ uống của đơn vị này chiếm khoảng 50-60% thị phần nước trái cây không gas, trở thành đối trọng lớn với Nước giải khát Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát.

Năm 2007, Công ty đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại HoSE, với vốn góp chủ sở hữu đạt 242 tỷ đồng.Đang trên đà bứt phá, biến cố lớn đã đến với Interfood chỉ sau một năm tham gia sàn chứng khoán khi một số sản phẩm bánh của Công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức độ cho phép. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra càng khiến Interfood gặp muôn vàn khó khăn và đây cũng là năm đầu tiên Công ty báo lỗ lên tới 267 tỷ đồng.

 

Liên tiếp trong 5 năm, dù thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ nhưng tình hình kinh doanh của ông chủ thương hiệu Wonderfarm vẫn rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với khoản lỗ "ổn định" ngày càng lớn. 

Đáng chú ý, khi Kirin Holdings – một trong những tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất Nhật Bản tham gia tái cấu trúc thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 95,66% và đồng ý thực hiện các khoản vay nội bộ để giải quyết nợ ngân hàng, Công ty đặt kế hoạch lãi vài chục tỷ mỗi năm. Nhưng ngoài khoản lãi 7 tỷ đồng vào năm 2010, Interfood tiếp tục quay trở lại vòng xoáy thua lỗ những năm sau đó.

Đỉnh điểm là giai đoạn 2011 - 2014, khoản lỗ của Công ty ngày càng gia tăng và đạt đỉnh hơn 176 tỷ đồng. Đến năm 2013, toàn bộ số cổ phiếu của doanh nghiệp trên HoSE đã bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Tại thời điểm kết thúc năm 2015, thương hiệu đình đám đã "ôm" khoản lỗ 852 tỷ đồng.

Thực tế, doanh thu của Interfood trong giai đoạn này liên tục tăng, biên lãi gộp vẫn duy trì ở mức trên 20%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng cao đột biến đã "ngốn" hết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Năng lực quản lý và điều hành của một tập đoàn thực phẩm lớn như Kirin, cùng nền tảng của Interfood với thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước lại liên tục thua lỗ trong nhiều năm liền là điều khiến nhiều chuyên gia không lý giải được.

Tìm đường thoát khỏi “vũng lầy”

Trong bối cảnh muôn trùng khó khăn, cổ đông Malaysia quyết định rút lui và nhượng lại toàn bộ 57,25% cổ phần Interfood cho Kirin vào năm 2011. Ngay tại cuộc họp đầu tiên kể từ khi tiếp quản, Kirin đã tuyên bố sẽ cần đến 5 năm để "hồi sinh" Interfood.

Khi Kirin mua lại toàn bộ công ty mẹ và gián tiếp sở hữu cổ phần tại IFS, hoạt động tái cơ cấu bắt đầu diễn ra. Năm 2013, Kirin “bơm” 210 tỷ đồng vào Interfood thông qua đợt phát hành riêng lẻ 21 triệu cổ phiếu, qua đó vốn điều lệ Interfood được nâng lên 501 tỷ đồng. Chưa dừng lại, trong giai đoạn 2014 – 2015, Kirin tiếp tục nâng sở hữu tại Interfood thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ và vốn điều lệ Công ty được nâng lên 871 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kirin cũng hỗ trợ tài chính cho Interfood bằng các khoản vay nội bộ không tài sản thế chấp với lãi suất thấp.

Với hàng loạt biện pháp cơ cấu kể trên, các khoản nợ vay của Interfood đã được làm sạch hoàn toàn và doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính để hoạt động. Kirin cũng rất kiên trì thâu tóm dần cổ phần tại IFS, song song với việc bơm vốn để doanh nghiệp này duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến năm 2015, Kirin nâng tỷ lệ sở hữu tại Interfood lên trên 95%.

Hồi sinh chưa thấy đâu, IFS liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thậm chí bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2013 như đã nêu trên. Tưởng chừng, thời điểm 2015 đã là lúc kết thúc cho thương hiệu trà bí đao đình đám một thời. Ấy vậy mà hai năm sau đó, Wonderfarm đã trở lại đầy bất ngờ. Hai năm 2016 – 2017, Công ty đều duy trì đà tăng về lợi nhuận, đánh dấu sự hồi sinh của doanh nghiệp sau quãng thời gian dài chìm trong thua lỗ. Năm 2016 cũng là năm cổ phiếu IFS trở lại thị trường chứng khoán bằng việc đăng ký giao dịch trên UPCoM. 

Ngoài ra, Công ty cũng đề xuất cổ đông thông qua phương án mua lại thương hiệu “Wonderfarm” và các thương hiệu khác với giá trị chuyển nhượng tối đa 200.000 USD. Đây là những thương hiệu mà Công ty thuê của Biscuits & Confectionery Sdn. Bhd, Malaysia để sử dụng cho toàn bộ sản phẩm từ năm 2005.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy, Interfood mới chỉ nắm giữ khoảng 3,5% thị phần nước giải khát tại Việt Nam, bị bỏ lại khá xa so với các doanh nghiệp đầu ngành như PepsiCo, Coca Cola hay Tân Hiệp Phát. Mặc dù vậy, sau cú trượt dốc kéo dài hơn 10 năm, IFS không tỏ ra vội vàng khi đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát lên 8% trong vòng 5 năm.

Còn theo đánh giá của ban lãnh đạo Công ty, thị trường nước giải khát đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển về thức uống dinh dưỡng như nước đóng chai, nước ép hoa quả.

Do đó, Công ty sẽ tiếp tục thanh lý dây chuyền sản xuất bánh quy và cắt toàn bộ hoạt động liên quan đến mảng này (chiếm chưa đến 0,1% doanh thu năm qua) để tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là trà bí đao Wonderfarm. Hiện tại, các sản phẩm đồ uống mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin đang đóng góp 86% tổng doanh thu của IFS.

Chuyển dịch kinh doanh từ mở rộng hoạt động (bán thêm bánh quy) quay về với sản phẩm cốt lõi (trà bí đao), IFS cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt. Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của IFS giảm xuống còn gần 700 tỷ đồng và theo số liệu gần nhất, lỗ lũy kế giảm tiếp còn 393 tỷ đồng, với tổng tài sản gần 800 tỷ. 

Rõ ràng, thương hiệu gần 30 năm tuổi này vẫn cần phải “cày cuốc” rất nhiều để xử lý hết số lỗ “khủng” còn lại nhưng khi đã ổn định trở lại và được hậu thuẫn bởi Kirin, Wonderfarm có thể một lần nữa sẽ là cái tên đáng chú ý trên thị trường đồ uống trong thời gian tới!

Đọc thêm