Xã An toàn khu mỏi mòn chờ nguồn vốn

Là một trong 19 xã An toàn khu (ATK) của Trung ương ở Thái Nguyên trong thời kì kháng chiến chống Pháp, được chính phủ công nhận và hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từ 8/2011. Nhưng đến nay người dân Na Mao vẫn chờ đợi trong mỏi mòn.

Là một trong 19 xã An toàn khu (ATK) của Trung ương ở Thái Nguyên trong thời kì kháng chiến chống Pháp, được chính phủ công nhận và hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từ 8/2011. Nhưng đến nay người dân Na Mao vẫn chờ đợi trong mỏi mòn.

Na Mao vẫn đang còn gặp quá nhiều khó khăn
Na Mao còn gặp quá nhiều khó khăn

Đã quá nửa giai đoạn

Na Mao là một bản nhỏ ở phía Tây Bắc chân núi Hồng sát với căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), là cửa ngõ quan trọng để tuyên truyền, mở rộng lực lượng Việt Minh về các xã, huyện lỵ của khu vực Việt Bắc.

Cũng vì thế mà hơn 70 năm trước cùng với La Bằng, Na Mao chính là cơ sở chủ chốt của quân ta. Nhiều chiến sỹ cách mạng của ta sau khi vượt ngục đã về đây tiếp tục hoạt động để gây dựng lực lượng và được nhân dân che chở. Từ 4 người tham gia cắt máu ăn thề(1941) dưới sự chỉ đạo của ông Đường Nhất Quý (Bí thư chi bộ đầu tiên của Thái Nguyên) lực lượng ngày càng lớn mạnh sang các xã khác như Phú Cường, Yên Lãng…

Tại lễ tế cờ (28/03/1945) đã thu hút hơn 600 người tham gia từ già trẻ, gái trai. Ngày 29/03/1945 Phủ Đại Từ bị đánh sập. Ban châu được thành lập tại xóm Cầu Hoàn (Na Mao). Chính quyền từ đây dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.

Những nhân chứng lịch sử còn lại ở Na Mao hiện nay còn ông Phan Văn Thi (con cụ Phan Văn Bác -một trong những người tham gia cắt máu ăn thề ngày ấy), cụ Lưu Tiên Long và cụ Nông Vàng Đại (cán bộ tiền khởi nghĩa).

Từ những thành tích cách mạng đó ngày 12/08/2011 Thủ Tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận Na Mao là xã (ATK) cùng với 18 xã khác của tỉnh Thái Nguyên.

Trong  Quyết định của Thủ Tướng có nêu rõ: Điều 1: “Công nhận 19 xã An toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp bao gồm: Các xã: Phú Thịnh, Quân Chu, Phục Linh, Tân Linh, Hà Thượng, Tiên Hội, Phú Lạc, Hùng Sơn, Na Mao, Cát Nê, Ký Phú, Lục Ba và các thị trấn: Đại Từ, Quân Chu thuộc huyện Đại Từ; Các xã: Phủ Lý, Ôn Lương, Yên Trạch thuộc huyện Phú Lương; Xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; Thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai”.

Điều 2: Phê duyệt Đề án định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015. Trong đó quy định  phạm vi gồm 19 xã ATK nêu tại Điều 1. Đồng thời để ra mục tiêu. Nhiệm vụ phát triển trên các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải; nông - lâm nghiệp, phân bố lại dân cư; du lịch; phát triển giáo dục; y tế; văn hóa; An sinh, xã hội; giảm nghèo….

Trong quyết định của Thủ tướng có nói tới nguồn vốn hỗ trợ cho các xã ATK của Thái Nguyên: “Tổng nguồn vốn đầu tư: 858.440 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách địa phương cân đối: 86.200 triệu đồng; Ngân sách trung ương hỗ trợ: 284.700 triệu đồng; Vốn lồng ghép các chương trình MTQG và trái phiếu Chính phủ: 304.500 triệu đồng; Vốn đầu tư qua Bộ, ngành trung ương (lồng ghép): 56.040 triệu đồng; Vốn vay: 59.600 triệu đồng; Vốn huy động khác: 67.400 triệu đồng.” Và ‘Thời gian thực hiện: 5 năm (2011-2015)”.

Thế nhưng, đến nay, đã quá nửa giai đoạn nhưng Na Mao vẫn chưa hề nhận được bất cứ động tĩnh gì từ các cơ qian chức năng của Thái Nguyên.

Vẫn mỏi mòn chờ đợi

Trước sự lặng im của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo cũng như người dân Na Mao đã nhiều lần thắc mắc. Bà Đỗ Thùy Dung (Chủ tịch Hội Đồng nhân dân xã Na Mao) cho biết: “Khi đi tiếp xúc với đại biểu quốc hội, thay mặt nhân dân, chúng tôi cũng nói lên nguyện vọng người dân mong, bao giờ có nguồn hỗ trợ cho người dân xã thì chủ tịch huyện Đại Từ có trình bày là do có nhiều chương trình hoạt động quá nên không nhớ nổi và cho rằng tuyến đường đang làm đi vào trung tâm xã Na Mao chính là con đường làm bằng nguồn vốn hỗ trợ cho xã ATK.

Nhưng chúng tôi đã phản bác vì tuyến đường đi thẳng vào trung tâm xã được làm bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước vay từ nguồn vốn ngân hàng WP. Dự án thi công tuyến đường được Bộ GTVT triển khai và người dân Na Mao phải hiến toàn bộ diện tích đất xong thì Nhà nước cấp vốn cho triển khai xây dựng. Đây là tuyến đường cuối cùng được làm trong xã Na Mao còn các xã khác thì đã được làm xong tù nhiều năm trước đó”.

Ông Phan Văn Thi (Nguyên Bí thư Đảng ủy) cho biết: “Đúng ra 2013 đã có nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất rồi nhưng Na Mao hiện vẫn chưa nhận được. Không có nguồn vốn ATK đời sống kinh tế kém phát triển. Xã chưa có chợ, xuất phát điểm thấp, so với trước đây có phát triển hơn tuy nhiên tình hình hiện tại so với các xã bạn vẫn kém phát triển. Do chưa được hưởng chính sách của xã ATK mà đáng nhẽ chúng tôi phải có”.

Hiện tại về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống dân sinh của người dân trong xã vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Bế Văn San (Chủ tịch xã Na Mao) cho biết: “Xã có dân số 3.300 với 827 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 51,4 % (2011), hiện nay là 46,9%. Có 66,7% dân tộc đồng bào thiểu số.Tình hình kinh tế - xã hội mặt bằng chung còn thấp …”

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký đã khô mực hơn hai năm, việc thực hiện Quyết định thuộc về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhưng đến nay người dân Na Mao vẫn từng ngày, từng giờ ngóng trông chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thế nhưng càng đợi lại càng vô vọng.

“Chúng tôi thấy rằng đề án này đưa ra chưa rõ ràng, các cấp lãnh đạo tuyến trên cần có văn bản giải thích rõ ràng và cụ thể. Xã có được nhận không?. Nếu có thì được hỗ trợ cụ thể như thế nào?. Bao giờ được nhận để xã có kế hoạch chủ động lên đề án xây dựng và phát triển kinh tế xã hội chung cho toàn xã", bà Đỗ Thùy Dung, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết thêm.

Ngọc Toán

Đọc thêm