Xã có hàng trăm căn nhà tiền tỷ

(PLO) -Tính tới thời điểm hiện tại, toàn xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có hơn 200 chiếc xe ô tô, mỗi chiếc trị giá từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hàng trăm căn nhà tiền tỷ, hiện đại. Bởi vậy, vùng đất này được mệnh danh là “xã tỷ phú”, giàu có bậc nhất trong huyện. 
Những “rừng tiêu” ở Nâm N’Jang giúp nông dân đổi đời.
Những “rừng tiêu” ở Nâm N’Jang giúp nông dân đổi đời.

Nông dân mua “siêu” xe, xây nhà chục tỷ

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư xã Nâm N’Jang, ngày trước, đây là một xã nghèo, nằm nép mình giữa điệp trùng đồi núi với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng đất này đã nhanh chóng “lột xác” nhờ cây hồ tiêu. Trên địa bàn xã đã xuất hiện hàng trăm chiếc xe ô tô hạng sang, hàng loạt căn nhà tiền tỷ.

Theo ông Sang, người dân nơi đây sắm ô tô nhiều nhưng không phải do đua đòi, học chơi sang mà họ có khả năng tài chính rất vững nhờ cây hồ tiêu được mùa, được giá.

“Hiện toàn xã có hơn 200 chiếc xe ô tô, giá trị từ 500 triệu đến trên hai tỷ đồng. Hơn thế, nhờ được mùa tiêu, nhiều hộ đã sắm từ ba đến bốn chiếc xe ô tô. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hàng trăm căn nhà được xây theo kiểu kiến trúc mới, có trị giá lên tới vài tỷ đồng”, ông Sang hồ hởi khoe. 

Một trong rất nhiều những căn nhà tiền tỷ tại Nâm N’Jang.
Một trong rất nhiều những căn nhà tiền tỷ tại Nâm N’Jang.

Khi Xa Lộ Pháp Luật đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Tịnh (66 tuổi, ngụ thôn 3), người nông dân này cho biết, mình đã sắm tới chiếc ô tô thứ ba cho gia đình và xây được căn nhà tiền tỷ.

Ông Tịnh khiêm tốn: “So với nhiều hộ dân khác, gia đình chúng tôi vẫn còn kém xa. Mới đây, tôi mua ba chiếc ô tô Fortuner cho vợ con đi lại. Toàn bộ số tiền đó, gia đình tôi tự làm ra chứ không phải đi vay mượn của ai”.  

Người nông dân thành đạt này cho biết thêm, gia đình ông có sáu người con, tất cả đều ở nhà làm tiêu. Khi mỗi người con lập gia đình riêng, ông đều cho 5ha tiêu để làm vốn. 

Theo người dân Nâm N’Jang, “chơi ngông” nhất ở “xã tỷ phú tiêu” vẫn là ông Võ Khuân. Ông Khuân có hơn 100ha tiêu, sản lượng bình quân hơn 450 tấn/năm. Với giá bán cao như năm 2015, gia đình ông thu về khoảng 90 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Khuân đang xây dựng căn biệt thự có thiết kế ban đầu lên đến 12 tỷ đồng trên địa bàn xã. Ông cũng là người đầu tiên ở xã đặt mua cho vợ chiếc “siêu” xe hơn 4 tỷ đồng.

“Đây là hộ dân tiêu biểu nhất toàn xã. Họ cũng đi lên từ hai bàn tay trắng. Phải vượt qua bao gian lao, vất vả, mới có được ngày thu trái ngọt như hôm nay. Ở xã này, việc mua xe hơi đối với bà con không còn khó khăn gì”, một người dân chia sẻ. 

Người trồng tiêu sắm ô tô, xây nhà lầu.
Người trồng tiêu sắm ô tô, xây nhà lầu.

Dọc hai bên đường dẫn từ thôn 3 đến trung tâm UBND xã xuất hiện nhiều căn nhà được thiết kế hiện đại, bắt mắt. Căn “bèo” nhất cũng có giá trị vài tỷ đồng. Nhà ông Khuân vẫn được người dân đánh giá là “vô địch” với số tiền đầu tư 12 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Văn (62 tuổi, thôn 3) cho biết, gia đình ông cũng vừa xây dựng một căn nhà hai tầng, giá trị gần 3 tỷ đồng.

“Phần khung đã mất gần 2 tỷ. Phần nội thất, trang, làm cầu thang, bàn ghế… cũng mất ngót gần 1 tỷ. Mấy năm trở lại đây, bà con có thu nhập cao nên luôn xây những căn nhà sang trọng”, ông Văn cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Lê, Phó trưởng công an xã Nâm N’Jang, số lượng xe ô tô, nhà lầu trên địa bàn xã sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Do thu nhập cao, nhu cầu cuộc sống của bà con cũng nhanh chóng thay đổi và phát triển mạnh mẽ.

Nâm N’Jang vẫn là xã vùng sâu, nhưng ông Lê khoe: “Trên thực tế, trung tâm của huyện Đắk Song là thị trấn Đức An. Thế nhưng, ở  Đức An có gì thì xã Nâm N’Jang có thứ đó, thậm chí ở đây có khi còn phát triển hơn”. 

Nhận xét về tình hình kinh tế địa phương, ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết, những năm vừa qua, Nâm N’Jang đã thực sự lột xác. Nhờ thu nhập ổn định, bà con lại chịu thương chịu khó nên cuộc sống ngày càng phát triển. Bên cạnh mua xe hơi, xây nhà lầu, những “đại gia chân đất” trên địa bàn còn tự động quyên góp, giúp địa phương có điều kiện xây dựng nhiều tuyến đường nhựa hóa. 

Hướng đi bền vững

Ở Đắk Nông, người dân các huyện Đắk Mil, Cư Jút, thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’Lấp… đổ xô trồng tiêu khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có nơi đâu đạt năng suất và có quy mô như ở xã Nâm N’Jang. “Xã tỷ phú” này lột xác một phần nhờ vào “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.

Điển hình vụ mùa năm 2015-2016, các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, nhưng xã này vẫn đủ nguồn nước tưới cho cây trồng. Bởi vậy, năng suất cây trồng không bị ảnh hưởng. 

Nông dân tại Nâm N’Jang cũng là những người đi tiên phong về việc trồng tiêu phát triển bền vững bằng trụ tiêu sống. Giới thiệu khu rẫy tại thôn Đắk Quanh, ông Nguyễn Thành Trung (53 tuổi) cho biết:

“Đầu tư một trụ tiêu sống chỉ mất 3 ngàn đồng, cây trụ này được sử dụng trong suốt tuổi đời của tiêu. Bởi vậy, chi phí đầu tư rất thấp. Tôi có hơn 15ha, toàn bộ đều sử dụng trụ cây sống (cây bông gòn). Mỗi năm, vườn tiêu của tôi cho sản lượng từ 18 - 20 tấn/năm và thu nhập khoảng 3 tỷ”. 

Ông Trung được xem là người tiên phong sử dụng hình thức trồng trụ sống để cho dây tiêu leo. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Đắk Song và xã Nâm N’Jang, đây là mô hình vừa giúp cây tiêu phát triển bền vững, lại hạn chế việc sử dụng trụ tiêu bằng xi măng và gỗ.

Hiện nay, do chi phí thấp nên nhiều hộ dân đổ xô học hỏi mô hình trồng tiêu bền vững của ông Trung. 

Trên thực tế, những năm gần đây giá hồ tiêu luôn ở mức cao (khoảng 170-200 ngàn/kg). Tuy nhiên, đây cũng là loại cây dễ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm, thối rễ… nên khả năng rủi ro rất cao.

Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, có không ít hộ dân đã phải trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhưng cũng có không ít người đã đổi đời nhờ loại cây này và Nâm N’Jang là một ví dụ điển hình. 

Trao đổi với Xa Lộ Pháp Luật, ông Phan Văn Hợp, Bí thư huyện ủy Đắk Song cho biết, người dân xã Nâm N’Jang nhiều năm chịu thương chịu khó, chủ động về phát triển cây trồng, được xem là xã mô hình điểm của toàn huyện. 

“Xã Nâm N’Jang là xã điểm về xây dựng nông thôn mới, dẫn đầu thu nhập trong toàn huyện. Trong những năm gần đây, nhiều hộ đã sử dụng cây trụ tiêu sống. Đây là mô hình mới, giúp cây tiêu phát triển bền vững.

Những năm vừa qua, Nâm N’Jang ít bị ảnh hưởng của hạn hán. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, bền vững cho cây trồng, cần phải đầu tư nạo vét và xây dựng lại các công trình thủy lợi, đảm bảo hơn nữa nguồn nước tưới cho cây trồng”, ông Hợp chia sẻ.

Đọc thêm