Tình yêu mình dành cho nhau đến giờ đã bảy năm rồi, em còn nhớ không? Trong dịp sinh nhật lần thứ hai mươi của em, anh là vị khách không mời (do được bạn em rủ đi cùng), bởi vậy xung quanh những gương mặt vốn đã thân quen với em, anh trở nên xa lạ và lạc lõng. Nhưng rồi, nhờ sự khéo léo và chân tình của cô chủ nhà- là em- anh đã được dự một buổi sinh nhật có ý nghĩa nhất của thời sinh viên.
Đến tận bây giờ, em vẫn thì thầm với anh rằng, anh không để lại ấn tượng gì đặc biệt cho em trong buổi đầu làm quen. Nhưng ngay khi anh lướt những ngón tay dưới dây đàn ghi-ta thì trái tim vốn nhạy cảm của em bỗng trở nên loạn nhịp. Em đã để cho con tim mình tự do bay bổng, phiêu du cùng điệu nhạc của anh đến khi anh đã buông đàn và thôi hát, trái tim em vẫn chưa tìm được lối về.
Anh là một gã trai quê, vốn ngờ nghệch và vụng về với những đổi thay nơi phố thị. Bởi vậy, trước sự “thầm thương trộm nhớ” của người con gái Hà thành, con tim anh không dễ nhận ra. Cho đến khi em vờ như vô tình để quên tấm bưu thiếp có hình bông hồng đỏ thắm trong cuốn truyện của anh (mà em mang trả) thì anh mới giật mình- hình như mình đã quá vô tâm với tình cảm của một người con gái.
Để rồi sau buổi ấy, tình cảm mình dành cho nhau đã chuyển sang một cung bậc khác. Ba năm yêu nhau trong giảng đường đại học, có cả ngọt ngào và cũng không ít hờn ghen. Ngày anh tốt nghiệp ra trường cũng là lúc em sang Pháp du học theo diện học bổng. Hơn hai năm xa em, anh cứ ngỡ như mình đang phải chịu một hình phạt khắc nghiệt nhất.
Nhưng rồi, mọi khó khăn, ngăn trở của khoảng cách địa lý đã làm cho ngọn lửa tình yêu của chúng mình thêm nồng cháy- mặc dù em vẫn chưa dám công khai chuyện tình yêu của chúng mình cho gia đình biết.
Chúng mình yêu nhau đã bảy năm rồi, em còn nhớ không? (ảnh minh họa từ Internet) |
Ngày em về nước, anh cứ ngỡ sẽ là ngày hạnh phúc nhất sau thời gian chúng mình đằng đẵng xa nhau. Nhưng niềm vui chưa kịp bén thì anh như người bị ném xuống vực thẳm khi cha mẹ em không ngại ngần tuyên bố: anh không xứng đáng làm chỗ dựa cho cuộc đời em. Nói đúng hơn, cha mẹ em đã không chấp nhận một thằng con rể như anh. Anh càng không thể quên những dòng nước mắt của em đã ướt đẫm vạt áo khi quỳ xuống để thuyết phục các đấng sinh thành. Giây phút ấy, anh hiểu rằng- em đã hy sinh rất nhiều vì anh.
Anh cũng không biết bằng cách nào mà em đã thuyết phục được cha mẹ chấp thuận cho tình yêu của chúng mình (có thể vì cha mẹ thương con gái chứ không hẳn đã vừa ý với một đứa con rể tương lai xuất thân từ nông thôn, lại không có tài cán gì như anh). Và như tranh thủ cơ hội vàng, em bàn với anh định ngày cưới của chúng mình.
Sắp đến ngày hôn lễ, anh cùng em đi khám sức khỏe để chuẩn bị cho tổ ấm tương lại. Khi nhân viên y tế gọi riêng anh vào phòng và đưa ra tờ xét nghiệm máu với kết quả dương tính với HIV, anh như bị sét đánh ngang tai. Thời khắc ấy, trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ duy nhất: anh lại gây thêm đau khổ cho em nữa rồi! Nhưng anh không tin vào tờ xét nghiệm ấy và yêu cầu họ phải làm lại.
Thật đau đớn khi kết quả xét nghiệm lần hai vẫn giống như lần đầu. Chẳng lẽ chỉ một lần duy nhất theo đám bạn vào nhà nghỉ sau chầu rượu không biết trời đất mà anh đã bị nhiễm HIV? Không thể ích kỷ cho bản thân mình, anh lấy hết can đảm để nói sự thật với em. Em lặng đi trong giây lát rồi lại cười hồn nhiên, bảo rằng chúng mình sắp cưới mà sao anh đùa dại dột thế? Chao ôi! nhìn vào nụ cười và ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của em, trái tim anh như đang bị ai bóp nghẹt. Thúy ơi, anh đã hủy hoại niềm tin của em thật rồi.
Cứ tưởng em sẽ hận anh, nguyền rủa anh là kẻ bội bạc (như thế có lẽ anh sẽ thấy lòng nhẹ nhõm hơn). Nhưng sau tất cả những khổ đau mà anh đã gây ra cho em, em vẫn nghiêng bờ vai mỏng manh cho anh làm điểm tựa. Em càng rộng lượng và vị tha bao nhiêu thì anh càng thấy mình nhỏ bé, yếu hèn bấy nhiêu. Anh không xứng đáng với niềm tin của em, không xứng đáng làm người đàn ông đi suốt cuộc đời em.
Nhưng cũng chính em đã giúp anh tìm thấy niềm vui và lẽ sống sau một thời gian chìm trong đau khổ và bi quan. Em như một thiên thần nhỏ, thay lòng anh giải thích với tất cả mọi người: người nhiễm HIV cũng có một trái tim biết yêu thương và muốn được yêu thương!
Nhờ vào tấm lòng bao dung của em, anh có đủ tự tin và can đảm đối diện với sự thật. Em rủ anh đi đăng ký kết hôn: “Em vẫn mãi yêu anh, vẫn muốn làm vợ của anh!”. Những lời em nói và việc em làm đã làm thay đổi cuộc đời anh, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho anh. Anh đã thề độc với chính mình, sẽ không làm bất cứ điều gì khiến em phải lo lắng và đau khổ thêm nữa. Nhưng pháp luật liệu có cho phép chúng mình kết hôn khi anh đang mang căn bệnh thế kỷ?
Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) đã liệt kê 9 trường hợp cấm kết hôn, trong đó có: kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;….
Ngoài ra, theo quy định của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 cũng quy định rõ, không được phân biệt, kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, tại Điều 4 của Luật này cũng quy định về nghĩa vụ của người nhiễm HIV như: thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác; Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết
Như vậy pháp luật không quy định việc cấm kết hôn đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm HIV có quyền kết hôn nếu đủ tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên) và việc kết hôn của họ dựa trên cơ sở tự nguyện, không bị mất năng lực hành vi dân sự…
Tuy nhiên, vì HIV có thể lây cho bạn đời, lây cho con cái sau này, do vậy các cặp vợ chồng được khuyên nên đến các cơ sở tư vấn để được tư vấn HIV trước khi quyết định việc kết hôn, có con.
(Luật gia Minh Anh- Bộ Tư pháp)