Thuộc địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh , nhưng để đến xã đảo ấy phải đi mất một ngày đường . Đó là Đảo Thiềng Liềng, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ .Nơi ấy học sinh đến trường với chiếc đèn pin, vượt biển bằng đò từ lúc tờ mờ sáng…
“Sống ở trên đảo thiếu tất cả trừ muối” |
Đoạn đường “trần ai”
Tuy chỉ cách trung tâm thành phố chưa tới 100km (tổng cả đường thủy và đường bộ). Nhưng đoạn đường đến đây rất “trần ai”. 8h sáng bắt đầu đi từ thành phố, băng qua Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè qua phà Bình Khánh rồi đến những con đường rộng chừng 30-40m, hai bên toàn cây dừa nước ,lâu lâu mới thấy một chiếc xe bus số 90 (chuyến xe bus duy nhất ở đây) thủng thẳng qua lại nối phà Bình Khánh với trung tâm của huyện là thị trấn Cần Thạnh. Qua khoảng hơn chục cây cầu lớn nhỏ mới tới được thị trấn Cần Thạnh trung tâm hành chính của huyện Cần Giờ.
Thị trấn biển vào những ngày cuối tháng 11, chuyến đò sang xã Thạch An khá chắc chắn, khoang lái mát mẻ nhất nằm phía trên tầng cao, khoang giữa chất đầy mì gói, nước ngọt, gạo, dầu, vài bó rau muống, cải đắng còn lại ngổn ngang là cà chua khoai tây, bí xanh bí đỏ, vật liệu xây dựng…..Tầng dưới cùng sát với mặt nước là khoang hành khách. Không có ghế, tất cả là một tấm sàn , trời khá nóng nên ai cũng mệt rũ, người ngồi người nằm la liệt cả ra sàn.
Phải mất 45 phút, ồn ào sắp xếp, con đò mới nổ máy dời bến. Ở bến nóng và ngột ngạt như vậy, nhưng khi đò bắt đầu chạy, gió biển cộng với không khí mát lạnh của rừng đước xanh ngút hai bên làm không khí dễ chịu hẳn. Vùng biển này phải lái quen, hiểu rõ con nước và các bãi đất bồi thì mới dám đi, vì xung quanh có rất nhiều cù lao nhỏ nằm chỏng chơ giữa biển. Ra xa bờ một chút, những những con sóng trồi sụt liên tiếp làm chiếc thuyền chao đảo dập dềnh, những người vượt biển lần đầu không tránh khó xây xẩm mặt mày. Sau gần một giờ rẽ sóng, đò cập bến ở xã Thạnh An. Tuy đã thấm mệt nhưng hành trình vẫn phải tiếp tục vì mục tiêu đến của tôi không phải là xã đảo mà là …ấp đảo. Lại thêm hơn một giờ đồng hồ với con đò nhỏ, cũ kỹ lắc lư, cuối cùng đến 4h30 chiều thì tôi cũng tới được nơi cần tới. Vậy là mất tám giờ, di chuyển cả thuyền lẫn xe mới tới được cực đông của Sài Gòn.
Cầm đèn đi học
Đạp chiếc xe đạp cọc cạch trên đường đê đầy sỏi, hai bên đường cỏ cao đến thắt lưng một bên là biển, bên kia là những ruộng muối vuông vắn, mất chừng 40 phút tôi mới tìm được nhà trưởng thôn ở cuối ấp. Chú Nguyễn Hồng Huỳnh tiếp tôi rất nhiệt tình. Ông chia sẻ “Đảo này được thành lập từ năm 1976, khi những người đánh cá khắp nơi: Long An, Tiền Giang, Bến Tre đi thuyền qua đây, họ phát hiện ra hòn đảo rất đẹp nằm giữa vùng biển Vũng Tàu, Đồng Nai và Sài Gòn. Họ đã neo thuyền lại và lên đảo định cư.”
Học sinh học bài trên đò trong đêm. |
Khi tôi hỏi “Sống ở trên đảo thiếu thứ gì nhất” vị trưởng thôn cười lớn “thiếu tất cả trừ muối”. Thấy khách lơ ngơ ông cười giải thích “Toàn ấp có 200 hộ thì có đến 160 hộ sống bằng nghề làm muối, còn lại là sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng nước sông Thị Vải đổ ra đây, biển ô nhiễm hết, giờ cá tôm cũng hiếm hoi”.
Hàng ngày tất cả thực phẩm của ấp chỉ trông vào một chiếc ghe chở rau củ, thịt cá từ đất liền ra. Tuy đắt gấp rưỡi đất liền nhưng thực phẩm vẫn rất khan hiếm. Những khi biển động dài ngày, có cá khô với rau dại ăn là may lắm, nhà mà hết gạo cũng chịu, không biết mua ở đâu.
5h sáng tất cả còn say ngủ, ngoài trời đen như mực, gió lạnh hun hút, tiếng thuyền máy ì ì ở ngoài kè. Tôi bật dậy. Bước ra đường là cảnh tượng làm tôi bất ngờ, cả con đường bờ kè loang loáng ánh đèn pin khắp nơi. Tiếng ai đó nhẹ như gió:“bọn trẻ qua đò đi học đó”.
Dưới khoang thuyền tối đen, cô giáo trẻ xứ Nghệ - người có thâm niên 5 năm bám đảo giải thích “Trên đảo chỉ có một ngôi trường duy nhất là trường tiểu học phân hiệu Thiềng Liềng. Lên cấp II là các em phải đi đò vào Thạnh An học. Còn lên cấp III là các em phải mất hai chặng đi đò vào Cần Thạnh học”.
Đò cập bến ở Thạnh An lúc 6h30. Bình Minh vừa ló rạng, tất cả học sinh vội vã lên bờ đi vào trường . Tôi bước lên bến, chờ chiếc đò thứ hai để về đất liền. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá, mải miết buông lưới trong sương sớm, một ngày mới của những cư dân “Sài Gòn” nơi đây thật lạ, thật bình yên. Đã bao năm rồi , từ tờ mờ sáng con đò lại lặng thầm chở học sinh vượt biển đến trường.
Hoàng Giang