Theo một số chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với thị trường, nếu thực hiện tốt việc xác định giá đất sát với thực tế, sẽ làm cho khoảng cách giữa giá đất nhà nước ban hành với giá thị trường có thể từng bước được thu hẹp.
Để xác định giá thị trường, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và trình HĐND tỉnh xem xét bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá trước khi ban hành. Bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết tác động của việc bỏ khung giá đất đối với các doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện thị trường địa ốc bởi thị trường bất động sản hiện rất nhạy cảm với việc thay đổi chính sách.
Một số nhà đầu tư nêu quan điểm, bỏ khung giá đất, Nhà nước sẽ thu được thuế cao hơn, người dân được Nhà nước đền bù giá cao hơn nhưng doanh nghiệp khả năng sẽ chịu chi phí nhiều hơn nên có thể tác động đến nguồn cung và hình thành mặt bằng giá mới còn cao hơn hiện tại.
Một số ý kiến khác cho rằng, quy định của dự thảo về việc bỏ khung giá đất cần phải có lộ trình để giảm thiểu các xung đột như tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tăng tiền thuê đất, thay đổi quá lớn trong giá bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến phải có thời gian quá độ vì bảng giá đất không thể tức thì sát giá thị trường.
Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, mặc dù bỏ khung giá đất nhưng vẫn duy trì bảng giá đất để áp dụng cho nhiều trường hợp giống như Luật Đất đai năm 2013, nguyên tắc Nhà nước quản lý giá đất không thay đổi. Tại Điều 19 Dự thảo quy định Nhà nước quyết định giá đất thông qua việc quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.