Xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng: Hàng nghìn gia đình đã tìm được người thân

(PLO) - Chiến tranh càng lùi xa, việc tìm kiếm tên tuổi hài cốt liệt sĩ (HCLS) càng khó khăn do xương cốt bị mủn, không thể giám định ADN. Những năm qua, hàng nghìn gia đình đã tìm được liệt sĩ từ phương pháp thực chứng. Mỗi kỷ vật mang một câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn ghi dấu trong lòng người, góp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân liệt sĩ. 
Người thân tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng sau 50 năm
Người thân tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng sau 50 năm

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, cả nước hiện có trên 9 triệu người có công, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 1,2 triệu liệt sĩ. Đến nay đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 951.163 HCLS, nhiều HCLS đã xác minh tên tuổi, quê quán và được bàn giao về địa phương, gia đình theo đúng quy định.

Còn gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia, khoảng 300 nghìn HCLS đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. 

Thời gian qua, công tác xác định HCLS còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với 5 đơn vị thực hiện việc giám định ADN HCLS, gồm: Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an), Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ); Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền; Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt.

Bộ LĐTB&XH cũng phối hợp với 2 đơn vị thực hiện xác định HCLS còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Đó là chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ MARIN.

Trung tướng Lê Văn Hân - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, thông qua Hội, 8 năm qua, đã có hơn 500 gia đình tìm được HCLS bằng phương pháp thực chứng… 

Bà Ngô Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm MARIN kể: Cách đây vài năm, Trung tâm MARIN đã hỗ trợ gia đình liệt sĩ Ngô Trí Khoa tìm kiếm phần mộ sau nhiều năm dài vô vọng. Sau một thời gian trích lục, khớp nối hồ sơ, thông tin từ nhiều nguồn tin cậy, ngày tiếp cận vị trí chôn cất, thân nhân liệt sĩ không khỏi nghẹn ngào khi nhìn thấy vật chứng không thể xác thực hơn về người nằm dưới mộ: Chiếc túi vải mẹ liệt sĩ may tặng con từ ống tay áo cũ là vật liệt sĩ gối đầu trước lúc hy sinh. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Út (ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã tìm được liệt sĩ Nguyễn Quang Khẳng - chồng bà Út nhờ bức ảnh cháy sém còn sót lại trong ví và bài thơ về đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình. Liệt sĩ Nguyễn Quang Khẳng là chiến sĩ quân y Tiểu đoàn 16 (sau này là Tiểu đoàn 12) Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 1969, trong một lần đi công tác hậu cứ ông đã anh dũng hy sinh ở xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam.

Tuy nhiên, do chiến tranh, thông tin không trùng khớp nên trong giấy tờ ghi là hy sinh ở chân đèo Đá Trắng thuộc xã Quế Hiệp, Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Vì vậy, con trai liệt sĩ là Nguyễn Quang Thành ba lần lặn lội về Quế Sơn tìm hài cốt bố nhưng đều không thấy. Một ngày tháng 6/2007, người em con ông chú đi bộ đội ở Quảng Bình mang về cho gia đình một niềm vui lớn.

Trên Báo QĐND ngày 4/6/2007, mục tìm thân nhân liệt sĩ đăng thông tin Hội Cựu chiến binh xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn phát hiện ngôi mộ vô danh trong khu vực giải tỏa thôn 2A. Di vật gồm có chiếc ví màu đen đã bị cháy sém, với vệt máu ố loang lổ, trong đó có tấm ảnh khá rõ nét hai anh bộ đội chụp chung và một bài thơ viết về Quảng Bình có thể đọc được những câu: “Súng ta giăng lửa trên cao. Không cho quân Mỹ cướp vào chốn đây… Vĩnh Linh quê mẹ thân yêu. Câu ca chiến thắng sớm chiều rộn vang…”.

Liệt sĩ Nguyễn Quang Khẳng (bên phải) trong di ảnh.
Liệt sĩ Nguyễn Quang Khẳng (bên phải) trong di ảnh. 

Người cháu thấy tấm ảnh giống bố mình nên đưa về cho bố và bác gái xem. Bà Nguyễn Thị Út, vợ liệt sĩ Khẳng khi xem tấm ảnh đã bật khóc và nói: “Ông nhà tôi đây rồi”. Gia đình sau đó lấy tóc từ hài cốt và mẫu gen của em gái liệt sĩ là Nguyễn Thị Khỉu đi giám định ADN, kết quả trùng khớp. 

Mới nhất, sáng 4/10/2018, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã long trọng diễn ra Lễ truy điệu và an táng 36 HCLS. Những HCLS được cử hành Lễ truy điệu và an táng lần này do Đội tìm kiếm, quy tập HCLS 584 (Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị), cất bốc tại thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, thuộc hàng rào điện tử MắcNamara trước kia.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, Đội tìm kiếm và quy tập HCLS 584 đã phát hiện và cất bốc 1 hài cốt cùng di vật là cây bút máy Hồng Hà màu xanh, khắc tên “Nguyễn Văn Hưng”, “Lê Thị Thể” và dòng chữ “Mỹ Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh”. Từ cây bút này, Đội đã liên hệ với xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để xác minh thông tin về liệt sĩ Hưng.

Qua đó, được biết liệt sĩ Hưng sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 8/1968, thuộc đơn vị C2 D2 E27, hy sinh ngày 13/9/1968 tại làng Xuân Hải, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (nay là Xuân Mai, Gio Bình). Liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng được biên chế vào Trung đoàn 27, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

Người thân liệt sĩ Hưng cho biết, liệt sĩ là con trai đầu trong gia đình có 4 anh chị em. Năm 1965, anh Hưng lên đường nhập ngũ. Khi anh đi, chị Lê Thị Thể - người yêu anh đã tặng anh chiếc bút Hồng Hà làm kỷ vật. Ở chiến trường, liệt sĩ Hưng đã khắc hai dòng tên này, kèm quê nhà. Tiếc rằng, không có nhiều trường hợp may mắn như vậy. 

Đọc thêm