Cũng theo Chủ tịch UBND xã Mường Tùng Lò Văn Hùng, từ giữa tháng 4, khi có tin đồn thất thiệt này, chính quyền xã đã ra thông báo gửi đến các bí thư, trưởng bản, công an và nhân dân các bản trên địa bàn khẳng định nội dung tin đồn là không có thật, người dân không phải lo lắng.
Chính quyền xã Mường Tùng sẽ tiếp tục phối hợp với công an huyện Mường Chà xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn thất thiệt làm mất an ninh trật tự.
Nhiều ngày qua, sau khi có sự vào cuộc tích cực của công an huyện Mường Chà, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan, người dân 3 bản trên đã trở lại cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất bình thường; việc đeo sợi chỉ trắng, đen, đỏ bện lẫn chỉ trừ tà cũng được dứt bỏ.
Trưởng Công an xã Mường Tùng, Lù Văn Thân cho biết, 3 bản Nậm He 1, Nậm He 2 và Huổi Sấy có hơn 200 hộ, gần 600 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái trắng.
Quá trình lực lượng chức năng đi xác minh thông tin, được người dân kể câu chuyện tại địa phương có người đi săn được một con khỉ trắng. Khỉ chắp tay van nài xin tha nhưng vẫn bị giết. Đêm đó, "hồn" con khỉ hiện về báo sẽ bắt những người ăn thịt khỉ và nhiều người nữa. Để trừ tà, không bị "hồn" khỉ bắt đi, ai cũng phải buộc chỉ đen bện lẫn với chỉ trắng, chỉ đỏ vào cổ tay.
Chủ tịch UBND xã Lò Văn Hùng cho biết, trong văn hóa của người Thái trắng, việc buộc chỉ màu đen vào cổ tay là để cầu may, sức khỏe hoặc khi nhà có người ốm đau, bệnh tật, gia đình cũng thực hiện việc cột chỉ đen ở cổ tay để cầu sức khỏe, mau lành bệnh.
Ngoài ra, khi có người thân qua đời, họ hàng sẽ thực hiện buộc chỉ đen cầu cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát, đem lại sự bình an cho con cháu trong nhà.
Việc người dân 3 bản Nậm He 1, Nậm He 2 và Huổi Sấy do nhẹ dạ trước tin đồn thất thiệt nên đã buộc chỉ đen bện lẫn với chỉ trắng, chỉ đỏ để trừ tà là mê tín dị đoan.