Nỗi ấm ức mang tên “tiền lì xì”
Tham gia chương trình “Điều con muốn nói”, cậu bé Khôi Nguyên chọn vật đặt vào chiếc hộp bí mật của chương trình là một chiếc bao lì xì. “Con có nhiều tiền lì xì từ những năm lớp mầm nhưng mẹ luôn “giữ hộ” con. Vì thế, con cất tiền vào sổ tiết kiệm để ba mẹ khó lấy hơn nhưng tài khoản vẫn do mẹ đứng tên. Tết năm nay, con đã lớn nên muốn giữ tiền lì xì. Mẹ hãy để con tự quản lý tiền và mua món đồ chơi con yêu thích” – lý giải lý do chọn chiếc bao lì xì cậu bé hồn nhiên thổ lộ.
Khôi Nguyên cho biết cậu bé đặc biệt yêu thích truyện tranh nên thường dành dụm tiền ăn vặt hoặc tiền thưởng khi đạt học sinh giỏi để mua truyện. Theo lời cậu bé, tiền ăn sáng cha mẹ cho thừa 5.000 – 10.000 đồng, cậu thường để bỏ ống heo. Khôi Nguyên dành dụm tiền để thực hiện ước mơ du học vào năm lớp 10, “con muốn học ngành y mà may mắn có gia đình bên nước ngoài. Nếu con không tiết kiệm đủ, ba mẹ sẽ hỗ trợ cho con. Những năm gần đây, con vẫn bỏ tiền vào sổ tiết kiệm ở ngân hàng”.
Ở góc độ cha mẹ, chị Dạ Thảo mẹ của Khôi Nguyên cho biết sở dĩ chị “giữ hộ” tiền cho con vì cậu bé vẫn chưa biết cách sử dụng tiền. “Tôi mua 2 con heo đất để cùng con dành dụm, xem heo của ai mập hơn. Khôi Nguyên hay vứt tiền thừa khắp nhà, tôi hay nhắc con bỏ vào heo. Mỗi ngày tôi vẫn cho con tiền quà vặt nhưng con vẫn chưa được sở hữu, hay cất giữ một số tiền lớn cho đến khi đủ tuổi quản lý tài sản cá nhân. Tôi lên kế hoạch cụ thể cho các khoản tiền mừng của con và mở sổ tiết kiệm đứng tên thay con. Đó là cách hướng dẫn con dành dụm, tiết kiệm”, chị Thảo cho biết.
“Mẹ biết con lo lắng vì chỉ thấy ba mẹ cất tiền mà không đưa cho con xài. Con còn nhỏ, mẹ quản lý số tiền đó là tất nhiên bởi con đâu sử dụng được số tiền lớn. Năm nay, mẹ sẽ đưa tiền lì xì cho con giữ và bỏ vào heo dưới sự kiểm soát của mẹ” - chị trò chuyện với con.
Nên bồi dưỡng trẻ kĩ năng sử dụng đồng tiền
Mừng tuổi hay lì xì cho trẻ là nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp Tết. Thông thường, ở nhiều nhà, số tiền lì xì của con luôn được cha mẹ “giữ hộ” hay nói cách khác là “cưỡng bức tịch thu”.
Con có nguyện vọng của con, cha mẹ có lý của cha mẹ, thế nên cứ mỗi dịp sau Tết, chuyện ứng xử với tiền mừng tuổi của con lại được bàn tán xôn xao tại các trụ sở cơ quan vào giờ nghỉ trưa, trên nhiều trang cá nhân, diễn đàn với đa chiều ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng việc “cưỡng bức tịch thu” tiền lì xì của con là cần thiết vì trẻ nhỏ chưa biết giữ tiền, nhưng cũng có quan điểm khẳng định hành động này là không nên với con. Về phần mình, đa số trẻ nhỏ khi đã có nhận thức về giá trị đồng tiền, biết tiêu tiền đều ngay ngáy lo bị mất số tiền được mừng tuổi với cha mẹ.
Có thể thấy, người lớn hay bị dính vào cái lý “con nít không biết giữ tiền” hoặc “con cầm tiền nhiều không an toàn” và cương quyết phải giữ tiền lì xì của con. Trong khi đó, trách nhiệm của người lớn là dạy con có trách nhiệm với số tiền của mình từ sớm sẽ giúp con phát triển được nhiều kỹ năng, cảm xúc hơn.
Nhiều chuyên gia tư vấn gia đình cho rằng tiền lì xì dù ít hay nhiều, với trẻ đều là số tiền lớn, nếu cha mẹ không hướng dẫn trẻ cách quản lý, sử dụng tiền lì xì đúng cách có thể ảnh hưởng tới nhận thức về tài chính của trẻ sau này.
Tham gia chương trình “Điều muốn nói”, Tiến sĩ Tô Nhi A giảng viên tâm lý có lời khuyên, sau Tết này cha mẹ nên cho phép Khôi Nguyên được giữ tiền lì xì, nhưng để ba mẹ yên tâm, cậu bé nên có kế hoạch, tính toán cụ thể trên số tiền được sở hữu.
“Chúng ta không nói nhiều với con về đồng tiền nhưng không để con hoàn toàn mù mờ trong việc tiêu xài, dẫn đến lo lắng, phải suy nghĩ quá nhiều về nó. Hai mẹ con bé Khôi Nguyên có thể trao đổi thoải mái về tài chính, tiền bạc. Các em bé lớn quá nhanh, ba mẹ nên dần trao quyền cho con, bồi dưỡng kĩ năng về sử dụng đồng tiền là một điều quan trọng với con trẻ ngày nay” – MC của chương trình Ốc Thanh Vân nêu ý kiến.
Có thể thấy, để giải quyết ổn thỏa nỗi ấm ức tiền lì xì thì sau Tết, cha mẹ cần lập kế hoạch để hướng dẫn con quản lý tiền lì xì. Thay vì “tịch thu” cha mẹ có thể dùng nhiều cách để giúp con giữ được tiền lại còn có thể sinh lãi như: lập sổ tiết kiệm cho con; hướng dẫn trẻ tiêu tiền hợp lý bằng cách phân chia thành từng phần nhỏ cho những mối quan tâm khác nhau như phần cho đồ chơi, quần áo, phần cho học tập, phần để dành…
Những cách này sẽ giúp con hiểu được ý nghĩa trong việc tiêu tiền lì xì sao cho có ích và quan trọng là con nhận thức được thông điệp nếu tiền lì xì sử dụng không đúng mục đích (ví dụ như dùng hết số tiền chơi game) thì sang năm tới, con sẽ không được nhận tiền lì xì nữa.
Theo luật, trẻ bao nhiêu tuổi được quản lý tiền lì xì?
Trả lời câu hỏi này, Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn luật sư TP HCM cho biết, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con có quyền có tài sản riêng; tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Việc quản lý tài sản riêng của con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý; tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con…
Căn cứ các quy định nêu trên, tiền người khác lì xì cho trẻ là tài sản riêng của trẻ và được pháp luật bảo vệ. Trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng bao gồm tiền lì xì. Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác, không vì lợi ích của con.
Cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con mà không được con đồng ý phục vụ cho mục đích khác, không vì lợi ích của con có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng về lỗi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình, theo Điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.