Xâm hại tình dục: Nỗi đau 'biến dạng' nhân cách trẻ

(PLO) -Nhiều nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục đã chia sẻ rằng, việc bị xâm hại từ lúc còn thơ ấu đã tác động cực kì tiêu cực lên cuộc đời họ, làm “biến dạng” nhân cách và dẫn đến nhiều bi kịch trong cuộc sống về sau này…  
Hình minh họa

Chị N.T.H. là một người mẹ đơn thân, sinh sống nhờ một quán cà phê nhỏ bên vỉa hè quận 3. H. kể, từ nhỏ, chị đã là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục, mà thủ phạm chính là người anh con bác sống cùng nhà. Cả gia đình chị cùng gia đình người bác sống chung với ông bà nội chị trong một căn nhà “tam đại đồng đường”.

Đáng ra, chị sẽ có một ấu thơ vui vẻ lắm, nếu nó không bị hoen ố bởi người anh họ. Năm chị 13 tuổi, chị bị anh họ, lúc ấy đã trên 20 tuổi, đang đi làm thợ xây lạm dụng tình dục. Sự việc diễn ra nhiều lần, trong nhiều năm nhưng chị phải cắn răng chịu đựng, vì anh họ dọa nếu chị tiết lộ, cả nhà chị sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, vì gia đình người bác chiếm ưu thế trong căn nhà này.

Để thoát khỏi cảnh địa ngục ấy, năm 17 tuổi, chị vội vã lấy chồng. Để rồi lại sa vào một bi kịch khác khi bản thân thì sợ hãi đàn ông, còn người chồng lại rất coi trọng chuyện tình dục. Nhiều năm nhận những trận bạo hành kinh khủng từ chồng, đến 30 tuổi, chồng chết do say rượu bị ngã xe, đời chị mới thực sự được giải thoát.

Chị ngậm ngùi nói, nếu không có những biến cố kinh hoàng ấu thơ ấy, có lẽ cuộc đời chị đã đi theo con đường thẳng thớm, tươi sáng hơn. Cho đến giờ, chị vẫn còn gặp những cơn ác mộng mang theo nỗi hãi hùng lúc nhỏ…

Có không ít người phụ nữ như thế, nỗi đau xâm hại thuở nhỏ đã thành một vết sẹo lớn ám ảnh cuộc đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, khiến họ không bao giờ còn được như trước. Nỗi khiếp sợ, cú sốc tinh thần khiến có người từ cô bé hoạt bát, vui vẻ thành đứa trẻ trầm lặng, co rút, sợ hãi trước mọi thứ chung quanh.

Có người nhìn cuộc sống một cách thù hận, tiêu cực. Có đứa trẻ bị di chứng tự ghê sợ bản thân, để rồi khi lớn lên tìm nhiều cách tiêu cực khác để khỏa lấp vết thương tinh thần, bi kịch nối bi kịch. Trong những đợt truy quét tệ nạn, có dịp ngồi với các cô gái bán hoa, nghe các cô gái ấy kể chuyện thì hóa ra, có đến trên 50% trong số đó từng bị xâm hại tình dục lúc ấu thơ. Có người thì bị xâm hại từ lúc 6, 7 tuổi, có người hơn 10 tuổi, cũng có người trở thành nạn nhân khi vừa chớm dậy thì…

Đối tượng xâm hại họ có thể là bất kì ai, từ hàng xóm, họ hàng, cho đến cha dượng, thậm chí cha ruột, ông nội, ngoại… Hoàn cảnh thì đa dạng, nhưng điểm chung lớn của những cô gái thôn quê từng bị xâm hại, cưỡng hiếp từ thuở nhỏ ấy là không có ai giúp họ xoa dịu vết thương đó.

Có người giữ im lặng, không dám nói với ai, có người thì sự việc được phát hiện, nhưng chính họ lại bị la mắng vì hư hỏng… Rút cục, hoang mang tự gỡ nỗi sợ hãi, ám ảnh của mình, họ chọn con đường tiêu cực, sa chân vào chốn phong trần lúc nào không hay.

Một ngày tháng 12/2006, tại Văn phòng Báo Pháp luật Việt Nam, có một người mẹ dẫn đứa con gái đến kêu cứu. Đứa trẻ mới 9 tuổi, đang nghịch cát trước nhà thì bị gã hàng xóm đi ngang cưỡng hiếp. Do nhà chỉ có hai mẹ con, người mẹ đi làm cả ngày, không phát hiện sớm, sự việc diễn ra nhiều lần, đến khi thấy con có các dấu hiệu kì lạ, người mẹ tìm hiểu mới phát hiện ra sự việc kinh hoàng.

Lúc ấy, đứa trẻ đã bị sang chấn tâm lý, không kiểm soát được hành vi của mình. Cạnh đó, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đường tiết niệu, khiến cô bé tiểu tiện bất cứ nơi nào mà không ý thức được. Người mẹ nghèo ấy phải đem con tá túc ở căng tin Bệnh viện Từ Dũ, đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho con…

Mới đây, chị Lê Hoài Anh, một doanh nhân nổi tiếng cũng đã dũng cảm kể lại câu chuyện bị xâm hại từ lúc ấu thơ. Biến cố ấy đã khiến cô bé Hoài Anh vui tươi, yêu đời trở nên khép kín, ít nói, sợ hãi và đầy bất an. Nỗi đau đó thành một vết thương trong chị đến suốt mấy chục năm sau chị mới dám nói ra, như một cách để buông bỏ quá khứ khủng khiếp của mình.

Còn rất nhiều, rất nhiều đứa trẻ như thế. Cũng còn có rất nhiều người lớn, trưởng thành, xế chiều, vẫn nuôi trong lòng một đứa trẻ bị ám ảnh và tổn thương vì bị xâm hại từ lúc nhỏ. Điều đáng buồn là con số bị xâm hại thực tế rất nhiều, một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy có đến 8/10 trẻ từng bị dâm ô, xâm hại tình dục, nhưng con số được phát hiện ra thì rất ít.

Và một khi phát hiện, người ta nghĩ nhiều đến sự trừng trị kẻ thủ ác và nhiều khía cạnh khác, nhưng điều quan trọng là điều trị chấn thương tâm lý trẻ lại không được quan tâm đến nhiều. Có may mắn lắm, thì đứa trẻ ấy được gia đình quan tâm, yêu thương, tìm mọi cách xoa dịu. Nhưng trên thực tế, một cuộc điều trị mang tính chuyên nghiệp, bởi những bác sĩ tâm lý có chuyên môn thì hầu như chưa có. 

Và quan trọng hơn cả, đó là làm sao để ngăn chặn được những hành vi ấy từ trong trứng nước, để những đứa trẻ ngây thơ vô tội không bao giờ phải chịu nỗi đau cả thể xác và tinh thần, khiến nhân cách bị biến dạng, méo mó, phải mang ám ảnh cả đời?

Đến thời điểm này, những sự việc lạm dụng tình dục trẻ em kinh hoàng liên tiếp xảy ra, nhiều bậc phụ huynh mới bắt đầu đặt mình vào tình trạng “báo động đỏ”. Trong khi lạm dụng tình dục trẻ em là một câu chuyện đã diễn ra từ lâu, đã âm ỉ trong lòng xã hội như một vết thương mưng mủ không biết tự bao giờ.

Đọc thêm