[links()]Tại TP HCM, nhóm phóng viên thường trú Xa lộ Pháp luật xâm nhập những trung giới thiệu việc làm “ma”, là khởi nguồn của mọi đau khổ những người bị lừa bán đày đọa phải gánh chịu.
Theo báo cáo của Sở lao động- Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM, hiện thành phố có 55 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động giới thiệu việc làm (GTVL). Thế nhưng thực tế có đến hàng trăm cơ sở treo biển GTVL, chỉ riêng khu vực bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) đã có hơn 25 trung tâm như vậy.
Nhiều như nấm sau mưa
Chỉ cần dạo một vòng trên QL12, QL1A đoạn gần bến xe An Sương, không khó để bắt gặp các trung tâm GTVL nằm liền kề nhau. Các trung tâm này câu khách bằng những dòng chữ nổi bật như “giới thiệu việc làm miễn phí”, “việc làm ổn định, lương cao”. Có điều lạ rằng ngay vừa bước chân vào bất cứ trung tâm nào người xin việc lập tức bị “tịch thu” giấy chứng minh.
Nhân viên tư vấn thì nhìn khách chằm chằm, sau vài câu tư vấn qua loa, chỉ hỏi: “Hành lí đâu, có sẵn sàng đi làm ngay bây giờ không?”. Mức lương cho lao động theo lời tư vấn dao động từ 2-3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Tuy nói là đảm bảo công việc ổn định, có thể đi làm ngay nhưng trung tâm không bao giờ mô tả công việc cụ thể mà chỉ nói: “Đi làm rồi sẽ quen”.
|
Các trung tâm GTVL mọc lên như nấm sau mưa ở khu vực ngã tư An Sương. |
Thủ tục đăng kí ở những trung tâm này cũng khá lạ, tư vấn miễn phí nhưng sau khi đồng ý công việc, chủ thuê sẽ trở mặt đòi tiền, trừ vào lương công nhân. Các trung tâm không quên nói người xin việc có thể phải làm việc quá giờ, làm tăng ca thâu đêm nếu chủ có nhu cầu.
Mặt khác trong hai tháng đầu tiên nếu người lao động bỏ việc sẽ phải bồi thường hợp đồng 600 ngàn đồng: “Nếu chấp nhận công việc anh phải cố gắng làm việc tốt trong hai tháng đầu, sau đó nếu không thích nữa trung tâm sẽ giới thiệu sang công việc khác. Còn trong thời gian hai thang nếu anh vi phạm bị đuổi việc chúng em không chịu trách nhiệm”, cô nhân viên trung tâm Hương Quê đóng trên QL 12 gần đối diện bến xe An Sương căn dặn.
Tiếp tục rảo quanh khu vực bến xe An Sương, dưới gầm cầu vượt An Sương ước tính trên dưới 20 trung tâm GTVL bảng hiệu loè loẹt. Tại các trung tâm đều có treo bảng dán kín giấy A4 phân loại các công việc để người lao động chọn lựa. Nhưng thực chất với nhiều lí do, nhân viên trung tâm cho biết đã “hết vé” và lôi từ học bàn cuốn vở nhàu nát tra tìm công việc giới thiệu cho khách.
Trước khi kết thúc buổi tư vẫn, nhân viên tư vẫn không quên gạ gẫm: “Em có đi ngay thì để giấy chứng minh lại rồi về áo quần quay lại đây”. Khi tôi hỏi chỉ làm việc trong thành phố cần gì phải gấp gáp như thế thì nhận được câu trả lời qua loa: “Chủ đang cần người”. Địa chỉ cụ thể ở đâu, không nói rõ.
Sở LĐ-TB&XH nói gì?
Trở lại vấn đề một số trung tâm GTVL ở TP HCM có hành vi ép buộc, bắt cóc người lao động đòi tiền chuộc mà báo Xa lộ Pháp luật phản ánh trong các số báo trước. Phóng viên đã liên hệ làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP HCM. Sau nhiều ngày liên hệ, ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng Lao động- Tiền lương- Tiền công đưa cho phóng viên hai tờ giấy khổ A4, nói là : “Phó Giám đốc chỉ đồng ý trả lời chừng này thôi”.
Theo văn bản trả lời trên, các trung tâm GTVL nếu được cấp giấy phép hoạt động phải thỏa mãn bốn điều kiện cơ bản sau: Thứ nhất, có trụ sở và ổn định, nếu trụ sở thuê phải ổn định từ 36 tháng trở lên. Thứ hai, có phòng sử dụng cho hoạt động tư vấn, phòng sử dụng cho hoạt động giới thiệu và cung ứng lao động…
Thứ 3, có ít nhất 300 triệu Việt Nam đồng ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết rủi ro. Cuối cùng, có ít nhất 5 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ , lý lịch rõ ràng, không có tiền án.
Nếu đối chiếu với hệ tiêu chuẩn trên hầu hết các trung tâm GTVL tại khu vực ngã tư An Sương không thể đáp ứng. Các trung tâm đều chỉ gồm một phòng làm việc chung, tại đây chỉ có một chiếc bàn vừa là nơi nhân viên văn phòng làm việc vừa là nơi tư vấn. Nhiều trung tâm chúng tôi tiếp cận chỉ có 2 - 3 nhân viên. Đó là chưa nói đến chuyện trình độ các nhân viên này ở mức nào.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB &XH, tính đến ngày 24/5/2013 cơ quan này đã cấp giấy phép hoạt động GTVL cho 55 doanh nghiệp. Văn bản trả lời của Sở thừa nhận trong những năm qua đã chỉ đạo Thanh tra Sở và các Phòng kiểm tra, phát hiện nhiều trung tâm hoạt động chui, tập trung nhiều ở địa bàn quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và huyện Hóc Môn. Riêng ở khu vực bến xe An Sương, qua kiểm tra chỉ có hai doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động GTVL. Còn đã cấp hay chưa, văn bản trả lời của Sở không nói rõ.
Về việc hai trung tâm GTVL Mưa Sao Băng và Phước Tiến có hành vi bắt cóc người xin việc đòi tiền chuộc sau đó chuyển lên tỉnh Lâm Đồng “mua bán trao tay” mà phóng viên báo Xa lộ Pháp luật từng nhập vai ghi nhận. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở trả lời : “Trong tháng 5/2013 đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hóc Môn đã thanh kiểm tra 14 điểm GTVL tại khu vực ngã tư An Sương thuộc xã Bà Điểm”. Kết quả cụ thể ông Khiết không trả lời cụ thể.
Khi được hỏi: “Nếu đơn vị nào hoạt động không giấy phép sẽ bị xử lí ra sao?”, ông Trần Hiếu Liêm, phó trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công cho biết vấn đề này hiện vẫn chưa có chế tài xử lí cụ thể. Cũng theo ông Liêm, nếu trung tâm nào lợi dụng hoạt động GTVL để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị tước giấy phép kinh doanh thời hạn 1 năm, xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.
Theo Xa lộ pháp luật