Xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Thay đổi tư duy để làm… cha mẹ

(PLO) - Từ xưa đến nay, văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Nhưng song song với những giá trị này thì tư duy áp đặt lên con cái của nhiều bậc cha mẹ cũng tồn tại. Do đó, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình như thế nào để không xa rời truyền thống nhưng vẫn tránh được những “lối mòn tư duy cũ” là vấn đề rất quan trọng.
Nhiều cha mẹ Việt thích  áp đặt, la mắng, roi vọt con một cách cảm tính.
Nhiều cha mẹ Việt thích áp đặt, la mắng, roi vọt con một cách cảm tính.

Cha mẹ Việt thích áp đặt hơn là lắng nghe

Trong mục tiêu giáo dục con trẻ, phụ huynh Việt đặt yếu tố vâng lời, ngoan hiền lên hàng đầu. Họ  rất coi trọng đến học vấn, bằng cấp của con nhưng lại không ưu tiên đến sự tự chủ của con trẻ. Đó là một trong những kết quả nghiên cứu được tác giả - TS. Nguyễn Khánh Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách “So sánh giáo dục gia đình giữa phụ huynh Pháp và Việt Nam” vừa diễn ra tại TP HCM. Nói về quan niệm con ngoan của bố mẹ Việt, theo TS. Nguyễn Khánh Trung thì “nhiều bố mẹ Việt lấy làm vui khi chỉ cần quát hay quất cái roi là con chạy, con sợ. Cho rằng như vậy là đứa trẻ ngoan”.  

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tác giả Nguyễn Khánh Trung và nhóm cộng sự cũng nhận ra trong phương thức giáo dục con trẻ, người Pháp đặt con ở thế chủ động, tôn trọng con, luôn có thái độ lắng nghe, trao đổi, trò chuyện, giải thích cặn kẽ mọi thứ với con. Một số phụ huynh Việt trong nhóm trí thức có thái độ và cách tương tự như vậy nhưng phần lớn bố mẹ Việt còn ít trò chuyện, đối thoại với con, thay vào đó là sự áp đặt, la mắng, roi vọt một cách cảm tính.

Những vấn đề mà TS. Nguyễn Khánh Trung đề cập chỉ là một phần nhỏ trong những vấn đề về văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay. Từ xưa đến nay, văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Những giá trị đạo đức xã hội của tư tưởng Nho giáo được cha ông răn dạy, chỉ bảo con cái từ thuở mới lọt lòng đến khi trưởng thành được thể hiện rất rõ trong ca dao, tục ngữ. Đó là những bài học ứng xử về hiếu nghĩa, đạo làm con: “Một lòng thờ mẹ, kính cha.

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; tình thương yêu anh em ruột thịt: “Anh em như chân, như tay. Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”... Nhưng song song với với những giá trị này thì tư duy áp đặt lên con cái của nhiều bậc cha mẹ kiểu “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” hay “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” cũng tồn tại. Và đó chính là một trong những khía cạnh “bố mẹ Việt còn ít trò chuyện, đối thoại với con, thay vào đó là sự áp đặt, la mắng, roi vọt một cách cảm tính” mà TS. Nguyễn Khánh Trung đề cập.

Do đó, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình như thế nào để không xa rời truyền thống nhưng vẫn tránh được những “lối mòn tư duy cũ” là vấn đề rất quan trọng. Hay nói như chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: “Cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình.

Chỉ như vậy chúng ta mới có thể không chỉ phát huy được vị trí và vai trò của gia đình đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mà còn chủ động xây dựng những chuẩn mực và giá trị gia đình mới phù hợp với xã hội hiện đại, làm cho văn hóa ứng xử trong gia đình mãi là một nét đẹp của người dân đất Việt, góp phần cho văn hóa dân tộc thăng hoa”. 

Thế nào là tiêu chí ứng xử trong gia đình?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL xây dựng, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong khuôn khổ Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL xây dựng, triển khai trong năm 2017 bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực gia đình; chủ trì tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia công tác trong lĩnh vực gia đình thì khi xây dựng bộ tiêu chí, nhất thiết phải lưu ý đến vấn đề tư duy của cha mẹ, bởi trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, nhiều cha mẹ mải lo kinh tế nên có lúc quên mất tổ ấm gia đình của mình. Con trẻ cảm thấy lạc lõng, thiếu thốn tình cảm ruột thịt, thiếu tình cảm của một gia đình đầm ấm. Điều này có tác động không nhỏ đến lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình. 

Bên cạnh đó cha mẹ không nên giữ mãi quan điểm con cái mà làm trái ý, cãi lời cha mẹ thì là bất hiếu, hư hỏng, mà cần tôn trọng quyết định của con trẻ về những việc riêng, sự lựa chọn việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp hay chuyện hôn nhân của đời người...

Người lớn cần có thái độ thật bình tĩnh để giải quyết mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống sao cho thật nhẹ nhàng, tế nhị và có lý, có tình. Tránh roi vọt, la mắng khi con cái mắc lỗi, mà cần chia sẻ, khuyên nhủ, dạy bảo phải trái để trẻ sửa chữa sai lầm. Như nhận định của PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người: “Giao tiếp trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình vẫn là nhân tố cơ bản, không thay thế được nhằm tạo lập và tăng cường các quan hệ xã hội từ môi trường gia đình, trong đó có các quan hệ văn hóa”. 

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã và đang được Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL tiến hành xây dựng. Theo TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, bên cạnh việc sớm ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng cần ban hành bộ tài liệu giáo dục đời sống gia đình trong thời kỳ hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phát triển các dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình nhằm hỗ trợ gia đình thực hiện chức năng giáo dục các thành viên; thực hiện những nghiên cứu trên quy mô lớn đánh giá sâu rộng những tác động của toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đến gia đình và văn hóa gia đình.

Đọc thêm