Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật

(PLO) -Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2015/NĐ-CP quy định về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được xây dựng thống nhất, dùng chung trên toàn quốc nhằm cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nghị định nêu rõ, văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật gồm: Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành hoặc phối hợp ban hành và văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (văn bản hợp nhất).

Nghị định quy định trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật; kể từ ngày ký xác thực đối với văn bản hợp nhất, đơn vị giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi bản giấy và bản điện tử văn bản đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản phải đăng tải văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Đối với, văn bản quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ngày ký ban hành phải được gửi ngay đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản trong ngày công bố hoặc ký ban hành. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trên, đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản phải đăng tải văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Về trách nhiệm cập nhật văn bản, Nghị định quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; văn bản hợp nhất thuộc thẩm quyền hợp nhất theo quy định của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và cập nhật văn bản hợp nhất của Quốc hội do mình chủ trì soạn thảo.

Đối với các văn bản do Quốc hội ban hành hoặc phối hợp ban hành mà không do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện việc cập nhật;

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành.

Đọc thêm