Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Từ Đề án này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để khôi phục và phát triển mai vàng Huế, cần phải có một cuộc nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển giống mai.
Sau đó, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, gồm: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế” và “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai (mai vàng Huế) của tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Mục tiêu của 2 đề tài nhằm xác định được các đặc điểm sinh học, hình thái của các loại mai vàng hiện hữu tại Huế; phân biệt được giống mai vàng Huế với giống mai vàng khác; biết được sự phân bố, những yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giống mai vàng Huế, cũng như mối quan hệ di truyền với mai vàng khác. Ngoài ra, đề tài còn xây dựng được bộ chỉ thị phân tử đặc trưng để nhận dạng giống mai vàng Huế cũng như xây dựng các quy trình nhân giống mai vàng Huế…
Để đưa mai vàng Huế trở thành sản phẩm chủ lực phát triển du lịch, tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển mai vàng Huế” diễn ra vào ngày 10/2, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp khả thi để bảo tồn các giống mai vàng Huế, từ đó phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của mai vàng Huế. Theo PGS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, mai vàng Huế có năm cánh, dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời. Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó chính là nét riêng của mai đất Huế mà không phải hoa mai ở nơi nào cũng có được. Cũng theo ông Đông, cây mai Huế có rất nhiều ưu điểm kể trên nhưng từ trước đến nay ít được nghiên cứu một cách bài bản, việc sản xuất mai Huế chủ yếu là mang tính tự phát.
“Chúng tôi sẽ ứng dụng nhiều công nghệ để bảo tồn và lai tạo ra nhiều giống mai vàng mới, tạo ra sản phẩm khắc phục những nhược điểm của giống mai hiện có. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ trong nhân giống, chăm sóc, chẩn đoán và phòng trừ sâu bệnh và thương mại cây mai”, ông Đông cho biết thêm.
Mai vàng được trưng bày tại Triển lãm “Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa Xuân”. |
Để góp phần thực hiện Đề án, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” nhằm khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân, từ đó đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”. Ngoài ra, còn xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc của địa phương. Phấn đấu 100% cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố đảm bảo mỹ quan công sở, trong đó chú trọng đến việc bố trí trồng ít nhất 2 cây mai vàng trong khuôn viên (đối với những đơn vị có điều kiện phù hợp).
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khẳng định, Huế có đủ điều kiện để phát triển cây mai vàng Huế trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Do đó, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể, xây dựng được thương hiệu giống mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các lễ hội Hoàng mai Huế mang tầm quốc gia. Để làm được điều này, điều tất yếu phải có các giống mai Huế, phải đánh giá được giống mai vàng nào là chủ đạo để nghiên cứu và phát triển. Quy hoạch các khu vực trồng mai vàng phù hợp, phát triển hình thành các vườn mai lớn, các rừng mai.
Ngoài ra, phải triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây mai vàng Huế, đi thực tiễn để lấy được các giống cây cổ, lâu năm. Đồng thời phải có sự vào cuộc của các địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong việc vận động, thuyết phục người dân bảo vệ giống mai vàng Huế.