Xây dựng Khu đô thị Bắc Hà Nội xứng tầm Thủ đô

(PLO) -Hà Nội tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền và đặc biệt phải quản lý tốt để sau 15 hoặc 20 năm nữa, khu đô thị Bắc Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu như vậy tại buổi làm việc với TP.Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài sáng qua (5/3). 
Cần cơ chế đặc thù để đầu tư đồng bộ
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị có liên quan làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết theo quy định. 
Phương án quy hoạch hai bên tuyến đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định; báo cáo xin ý kiến và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hồ sơ quy hoạch chi tiết cơ bản được hoàn thành, đã lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt.
Để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả đầu tư, TP.Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư các dự án trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài với trên 10 đề xuất, kiến nghị trong 5 nhóm vấn đề về: Tài chính ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư phát triển; quy hoạch, đô thị và về tổ chức bộ máy.
Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt và quy hoạch chi tiết đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện. 
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc 
Cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư. Đề nghị Chính phủ cho phép huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, vốn nhàn rỗi tại kho bạc cho đầu tư hạ tầng (trường hợp thiếu sau khi cân đối nguồn vốn); xem xét, quyết định cho phép áp dụng xác định giá sàn quyền sử dụng đất sát giá thị trường trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt trước khi TP tiến hành lựa chọn nhà đầu tư…
Phải chủ động thu hồi đất và tái định cư tại chỗ
Thủ tướng cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, Chính phủ trong xây dựng Thủ đô và phân cấp ủy quyền những lĩnh vực pháp luật cho phép để Hà Nội năng động, sáng tạo, xây dựng phát triển, chịu trách nhiệm và triển khai thực hiện. 
“Hà Nội không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là Thủ đô của cả nước, do đó cần tập trung nguồn lực quốc gia, tháo gỡ khó khăn, đầu tư cho phát triển Hà Nội, đây cũng là nhiệm vụ phát triển bộ mặt trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước” – Thủ tướng nói. 
Thủ tướng nêu rõ quy hoạch trục Nhật Tân-Nội Bài là một đồ án quy hoạch chứ không phải là một dự án đầu tư. Chính phủ đồng ý về chủ trương, về nguyên tắc phát triển Khu đô thị này, đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền và đặc biệt phải quản lý cho tốt để sau 15 hoặc 20 năm nữa, Khu đô thị Bắc Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô.
Cho ý kiến về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân, Thủ tướng nhấn mạnh phải chủ động thu hồi đất. Nhà nước đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, tinh thần là tái định cư tại chỗ. 
Trách nhiệm của Chính phủ cùng các Bộ, ngành chức năng và TP.Hà Nội phải tính toán được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11.000  tỷ đồng; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn (nguồn ODA, vốn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ, nguồn của địa phương, nguồn BOT).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, khi có mặt bằng, có hạ tầng, việc thu hút đầu tư phải đa dạng (đấu thầu, chào thầu, lựa chọn nhà thầu…), đồng thời phải xác định rõ và phải tùy theo dự án. Việc Hà Nội đề xuất xác định giá đất theo nguyên tắc giá thị trường, Thủ tướng yêu cầu phải định giá theo mục đích sử dụng đất và đảm bảo sự linh hoạt, tùy dự án./.
Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân – Nội Bài chia thành 4 đoạn: đoạn 1 từ sân bay Nội Bài đến đường vành đai 3, đoạn 2 từ đường vành đai 3 đến đầm Vân Trì, đoạn 3 từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng và đoạn 4 là khu vực ngoài đê sông Hồng. Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân- Nội Bài được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long- Hà Nội, với ý tưởng chính là “Rồng bay đón ngọc”. Xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm TP, đầu Rồng quay về sông Hồng – hồ Tây. 
Đây là cửa ngõ Việt Nam với thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên.

Đọc thêm