Xây dựng Luật Công tác xã hội: Tiếp thêm sức mạnh cho người yếu thế

(PLO) - Trong xã hội hiện nay vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn bởi những hoàn cảnh khác nhau đang cần sự trợ giúp. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam số người cần sự trợ giúp xã hội chiếm khoảng 20% dân số cả nước... 
Bệnh viện là nơi rất cần nhân viên công tác xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Bệnh viện là nơi rất cần nhân viên công tác xã hội. (Ảnh minh hoạ)

“Người vận chuyển” niềm tin, sự sống

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Thanh Tài - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ với gần 400 điều dưỡng ở cả 3 tuyến bệnh viện cho thấy, tuyến trung ương có tỉ lệ bị stress cao nhất. Kết quả nghiên cứu mức độ stress của 287 điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho thấy 42% điều dưỡng tại bệnh viện bị stress, cao hơn mức trung bình cả nước và cao hơn một số bệnh viện tại Hà Nội. Trong đó điều dưỡng khu khám bệnh chịu nhiều áp lực hơn. Tại Việt Nam, hiện 70% công việc chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ của điều dưỡng, do đó khi bị stress sẽ làm suy giảm sức khoẻ của điều dưỡng, có thể gây ra một số hành vi không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, già hóa dân số đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu và Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Sự già hóa dân số kéo theo mô hình bệnh tật thay đổi, người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, khiến cho việc điều trị, quản lý, chăm sóc nặng nề hơn. Tuy nhiên, hiện nay tại các bệnh viện tuyến trung ương có 42 bệnh viện, 16 viện nghiên cứu nhưng chỉ có 1 Bệnh viện Lão khoa trung ương. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, có 492 bệnh viện, các trung tâm kiểm soát bệnh tật… nhưng chỉ có 46/63 tỉnh có thành lập khoa lão khoa trong các bệnh viện. Tại các bệnh viện đang thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Bởi vậy điều dưỡng phải kiêm cả công việc của người chăm sóc. Và người nhà phải thuê người chăm sóc ngoài, vừa không yên tâm lại tốn kém...

Những thông tin trên đây do ngành Y tế đưa ra đã phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh về sự thiếu hụt nhân viên công tác xã hội (CTXH) tại bệnh viện. Trong khi đó với vai trò của mình (tạo sự kết nối người bệnh, người nhà bệnh nhân và thầy thuốc; tìm kiếm những dịch vụ hỗ trợ cho quá trình điều trị của người bệnh về vật chất, tinh thần và pháp lý, cũng như kết nối các dịch vụ chuyển gửi người bệnh đến các địa chỉ thích hợp sau khi xuất viện...), họ chính là cầu nối, hỗ trợ cho bệnh nhân, là “người vận chuyển” niềm tin, sự sống đến với người bệnh.

Khó cả người lẫn nghề

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32). Sau 8 năm triển khai, có thể nói Đề án 32 đã như một cú hích quan trọng cho phát triển nghề CTXH. Tuy nhiên, khó cả về người lẫn nghề là thực tế vẫn đang hiện hữu. 

Ông Nguyễn Kim Cam – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hà cho biết, dù 70-80% nhân viên đã học qua lớp CTXH nhưng Trung tâm chưa có phòng chuyên môn về CTXH nên các nhân viên vẫn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Vì vậy, họ chưa thể phát huy được vai trò và chưa kết nối được các hoạt động với nhau. “Đặc biệt, chưa có sự gắn kết giữa các chương trình chăm sóc – giáo dục – y tế phụ hồi chức năng. Việc cung cấp các dịch vụ tham vấn, tư vấn, trợ giúp pháp lý hay các hoạt động CTXH cũng chưa rõ ràng, thường xuyên và chưa thể hiện tính chuyên nghiệp”, theo ông Cam. Tương tự, “Thiếu kinh phí truyền thông về lĩnh vực CTXH và thiếu nhân lực CTXH chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng” là những khó khăn liên tục được nêu trong những báo cáo công tác của ông Đỗ Anh Chiến – Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình.

Ở góc độ ngành Y – một trong những ngành rất cần và đang rất thiếu nhân viên CTXH -  phát biểu của TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tại hội thảo về nghề CTXH tại bệnh viện diễn ra mới đây cho thấy, hiện nay để phát triển ngành CTXH còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển và trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa phát triển đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, hệ thống cơ sở dịch vụ về CTXH chưa phát triển. “Trong khi đó, nhận thức, sự quan tâm của một số giám đốc bệnh viện về nghề CTXH còn chưa tương xứng. Đặc biệt, tại các bệnh viện còn thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về CTXH; thiếu tài liệu hướng dẫn chuyên môn về dịch vụ này”, theo TS.BS Nguyễn Hồng Sơn.

Ở góc độ đào tạo và cung cấp nhân viên CTXH, theo thống kê, cả nước hiện mới có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành CTXH. Mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên. Đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ rất ít, chỉ khoảng 30 - 40 người. Thậm chí có trường chưa có giảng viên nào. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề CTXH còn một số bất cập như: chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp… 

Nhờ sự chăm sóc của nhân viên CTXH, cuộc đời những đứa trẻ này sẽ tươi sáng hơn. (ảnh chụp tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn)
Nhờ sự chăm sóc của nhân viên CTXH, cuộc đời những đứa trẻ này sẽ tươi sáng hơn. (ảnh chụp tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn)

Luật hóa nghề công tác xã hội – tại sao không?

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ở Việt Nam số người cần sự trợ giúp xã hội chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Trong đó có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 204.000 người nghiện ma túy, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, ngoài ra còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố, gầm cầu...

Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, nội dung hoạt động nhằm phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH. Tuy nhiên, để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam và được hoạt động trong hành lang pháp lý đặc thù, thì rất cần việc luật hóa về CTXH. 

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH” do Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tạp chí Lao động xã hội tổ chức, từ góc nhìn của người cung cấp dịch vụ CTXH, ông Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội cho biết, dù rằng con số các trường hợp đối tượng cần được trợ giúp, tiếp nhận dể nuôi dưỡng, quản lý trên địa bàn thành phố ngày càng tăng (đơn cử như tính đến hết tháng 8/2018, Trung tâm CTXH thành phố đã tiếp nhận thông tin và hỗ trợ 232 trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp), thế nhưng CTXH tại thành phố vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu khuôn khổ pháp luật. 

“Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm CTXH, có nghĩa là hành lang pháp lý để nhân viên CTXH thực thi nhiệm vụ trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “khoảng trống”. Do đó, trong quá trình trợ giúp xã hội, đặc biệt là các trường hợp can thiệp hỗ trợ khẩn cấp như trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân bị bạo lực... có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, đồng bộ” – ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, ở nhiều quốc gia CTXH được đưa vào luật cụ thể theo 3 thể thức: Để xác định nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên CTXH trong lĩnh vực cụ thể; để xác định vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH cùng với các nghề khác; để xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ CTXH. “Ở Việt Nam, Đề án 32 và một loạt các nghị định về CTXH là nền tảng vững chắc để xây dựng và ban hành Luật CTXH. Luật  cần được xây dựng theo hướng quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng CTXH; người hành nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; điều kiện đối với người hành nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quy trình, tiêu chuẩn lĩnh vực và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ CTXH; quản lý nhà nước về CTXH” – Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp luật, TS. Trần Mạnh Đạt – Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đưa ra 4 phương án chính sách để đánh giá tác động trong đề nghị xây dựng Luật CTXH. Theo TS. Trần Mạnh Đạt, từ 4 phương án chính sách, có thể thấy để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân cũng như để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì việc ban hành Luật CTXH là cần thiết. Như vậy, có thể nói luật hóa về CTXH chính là để tiếp thêm sức mạnh cho những cánh tay chìa ra với nhóm người yếu thế. Và đó là việc làm không thể và không nên trì hoãn!

Công tác xã hội là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội nhân viên CTXH quốc tế và Hiệp hội Các trường CTXH quốc tế, CTXH là thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, CTXH can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của CTXH. 

Đọc thêm