Xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Quyết không để lọt hành vi bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), có 16 hành vi được coi là bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mới đây tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật trên, hành vi sử dụng các biện pháp thái quá trong dạy con cái và ép lựa chọn giới tính thai nhi cũng được đề xuất bổ sung vào nhóm hành vi bạo lực gia đình.

Ra đời năm 2007, có thể nói, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong phòng chống BLGĐ. Tuy nhiên, theo Bộ VH,TT&DL, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Không chỉ BLGĐ với phụ nữ mà BLGĐ với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua. Theo kết quả điều tra về BLGĐ năm 2019 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, có 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức bạo lực và cũng có 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức trên. Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Theo đó, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Các hành vi BLGĐ với người cao tuổi cũng được ghi nhận khá phổ biến ở những hành vi như: “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%; “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5%; các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị đập phá tài sản, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt… còn khá phổ biến và vẫn đang tiếp diễn.

Ép chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán. Trong đó, có tục “trọng nam, khinh nữ” gắn liền với thực hành thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Trên phạm vi cả nước, thành thị/nông thôn và các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con biết giới tính thai nhi thông qua siêu âm đạt gần 99%.

Và “con đường” từ chỗ biết giới tính thai nhi đến việc ép lựa chọn giới tính thai nhi là rất ngắn, dù rằng lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Dân số và Luật Bình đẳng giới và phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Mất cân bằng giới tính khi sinh và lựa chọn giới tính khi sinh đã và đang gây ra những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng.

Ngày 16/4 vừa qua tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ, về16 hành vi được coi là BLGĐ trong khoản 1 Điều 4 của dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi vào điều khoản nói trên. Theo lãnh đạo Quốc hội, đây là một loại bạo lực về giới. Nhiều phụ nữ có thai nhưng giới tính thai nhi không theo ý muốn phải chịu những định kiến “rất khủng khiếp”, nhất là từ phía người chồng, người thân trong gia đình. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo xem xét vấn đề trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

“Ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định là hành vi BLGĐ”, theo Chủ tịch Quốc hội.

Bạo lực gia đình liên quan đến việc học của trẻ em

Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ trẻ em tử vong liên quan đến áp lực học hành và bạo lực từ áp lực học hành. Có một thực tế diễn ra trong nhiều gia đình Việt Nam là hiện tượng cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái dẫn đến yêu cầu con phải học đến 2-3 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ, trở thành hãnh diện của cha mẹ đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Điều này không những làm biến dạng cuộc sống bình thường của trẻ em mà trong một số trường hợp còn dẫn các em đến hành vi phản kháng bằng cách tự hủy hoại thân thể, mạng sống.

Do đó, nêu ý kiến tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị những hành vi BLGĐ có liên quan đến việc dạy và học tập của trẻ em cần được làm rõ trong dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong quá trình sửa Luật Phòng chống BLGĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ VH,TT&DL góp ý và được tiếp thu, tuy nhiên ông vẫn mong muốn cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này. “Trong dự thảo, ban soạn thảo cũng quy định “không được tạo áp lực quá lớn trong vấn đề lao động và học tập”, tuy nhiên chúng tôi đề nghị làm rõ hơn một chút”, theo ông Sơn.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, tại Điều 4 dự thảo Luật quy định những hành vi BLGĐ nên cân nhắc bổ sung thêm nội dung được xem BLGĐ, đó là cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, trách nhiệm phối hợp với nhà trường thì cũng nên xem nó là một hành vi BLGĐ.

Như vậy, theo người đứng đầu ngành Giáo dục, cần cân nhắc đưa nội dung cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, hoặc sử dụng các biện pháp thái quá trong dạy con cái là hành vi BLGĐ. Cạnh đó, việc ép con lựa chọn nghề nghiệp trái với mong muốn, nguyện vọng cần đưa vào nhóm hành vi có dấu hiệu BLGĐ.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu để quy định rõ hơn các loại hình bạo lực tinh thần, bên cạnh thể chất trong nhóm hành vi BLGĐ được quy định trong luật.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình

Trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những bất cập hiện nay với việc tập trung vào cụ thể hóa 3 chính sách, gồm: các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác BLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác BLGĐ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật phải bao quát được vấn đề phòng chống BLGĐ trong tình hình mới; bảo đảm việc sửa đổi Luật lần này góp phần gìn giữ tốt hơn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia phòng chống BLGĐ; thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống BLGĐ…

Làm rõ cơ chế phối hợp và trách nhiệm trong phòng chống BLGĐ

Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Vấn đề cốt lõi trong công tác phòng chống BLGĐ không chỉ ở những quy phạm, mà còn ở trách nhiệm phối hợp liên ngành. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức quần chúng, trong đó có vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”. Dự thảo Luật sửa đổi quy định nhiều trách nhiệm đối với lực lượng công an xã như báo tin về BLGĐ, yêu cầu người gây BLGĐ đến trụ sở công an cấp xã, giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, các trách nhiệm quy định đối với công an xã rất nặng nề, nhưng lại chưa quy định về thẩm quyền sẽ khó trong thực thi, nhất là trong trường hợp người có hành vi BLGĐ không hợp tác. “Nếu họ không chấp hành thì công an xã làm sao trong việc giám sát thực hiện cấm tiếp xúc. Hiện mới có pháp lệnh công an xã, chưa có luật công an xã nên rất khó thực hiện. Nên Luật này nên giao cho công an xã áp dụng biện pháp ngăn chặn nào để bảo vệ người tố giác hoặc nạn nhân”, theo ông Lê Tấn Tới.

Đọc thêm