Đây cũng chính là vấn đề được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập tới trong buổi tiếp bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành của Grab tại Việt Nam về những vấn đề lao động và công nghệ số.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ tháng 01/01/2021 Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực. Lần đầu tiên Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc tại khu vực không có quan hệ lao động, những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.
“Chính mô hình của Grab được nêu nhiều trong khi bàn về Bộ luật lao động. Trước đây, hợp đồng dài hạn, hợp đồng theo tháng, theo tuần, bây giờ hợp đồng hiện nay có thể theo ngày, theo giờ, vậy trả lương như thế nào và mức lương tối thiểu theo giờ đã được quy định trong Bộ luật. Cách tính lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định mới nhất năm 2020 sẽ tùy theo đặc điểm của từng doanh nghiệp, đơn vị mà sẽ được tính theo thời gian làm thêm giờ hoặc tính theo sản phẩm làm được của người lao động. Lương tối thiểu theo giờ sẽ nhằm mục đích bảo vệ người lao động yếu thế đang làm việc tại khu vực phi chính thức.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Tháng 6 tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ quy định mức lương tối thiểu theo giờ và mức lương tối thiểu sẽ tùy thuộc theo từng vùng. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Grab sẽ là một trong những đơn vị phải tiên phong trong việc thực hiện xây dựng lương tối thiểu theo giờ…
Về vấn đề đào tạo nhân lực thích ứng với công nghệ số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm: “Với hệ thống gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ – TB&XH quản lý, có rất nhiều trường cao đẳng chất lượng cao, vừa đào tạo, vừa thực hành. Bộ LĐ – TB&XH sẽ tạo điều kiện để Grab phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn một số trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực của Grab. Nâng tầm kỹ năng lao động xuất phát từ thích ứng công nghệ số, từ chính công việc của mình”./.