Xây dựng quy hoạch: Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, Ngày Môi trường thế giới (5/6) có chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration)
Xây dựng quy hoạch: Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên

Đây là năm được Liên Hợp quốc phát động cho một thập kỷ phục hồi hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, sông suối, hệ sinh thái biển và ven biển; tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại…

Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh, tạo nên một khung pháp lý khá hoàn chỉnh trong quản lý các loài hoang dã. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã tăng mức hình phạt tối đa lên 15 năm tù đối với tội danh liên quan đến loài hoang dã cho thấy sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm và bảo vệ loài hoang dã của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chỉ thị kịp thời của Thủ tướng Chính phủ như Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật và mới đây là Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã… cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với hoạt động bảo tồn loài hoang dã.

Đọc thêm