Hiện, TP Cần Thơ đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm trong toàn dân. Theo đó, chiến dịch diễn ra trong 3 đợt: Đợt 1 từ 9 – 12/9, đợt 2 từ 12 – 14/9, đợt 3 từ 15-17/9. Trong đó, nhóm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Nhóm nguy cơ, khu vực khác (vùng xanh) lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 1 lần.
Xe lấy mẫu xét nghiệm lưu động lưu động “thách thức” mọi đường nhỏ, hẻm sâu ở Cần Thơ. |
Cụ thể, 4 quận, huyện thuộc nhóm nguy cơ rất cao của TP Cần Thơ gồm: Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 3 lần. Đối với 5 quận, huyện còn lại thuộc nhóm nguy cơ gồm Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn, Cờ Đỏ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho toàn bộ người dân, ít nhất 1 lần trong chiến dịch. Tuy nhiên, hiện tại địa phương đang gặp phải khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, phương tiện để lấy mẫu xét nghiệm. “Cái khó, ló cái khôn”, nhiều địa phương đã nhạy bén tự chế “xe lưu động” để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.
Trong những ngày đầu ra quân, quận Bình Thủy đã tự chế 32 xe lưu động để len lỏi khắp các ngõ hẻm, đến tận nhà, đảm bảo không tập trung đông người ận nhà cho người dân để tránh tập trung đông, đảm bảo phòng dịch. Mỗi xe có 3 - 4 nhân viên y tế, tình nguyện viên, công an và dân quân đi theo, len lỏi từng ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Nhân viên y tế lấy mẫu tận nhà cho người dân |
Cách làm này được người dân rất đồng thuận vì tính tiện lợi và an toàn. Trước đây nhiều người dân ngại lấy mẫu xét nghiệm do tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh thì giờ đây nỗi lo đó đã được giải quyết bằng xe lưu động nhỏ, gọn, hiệu quả như thế này. Theo đó, các cán bộ y tế và lực lượng tình nguyện cũng hỗ trợ người khuyết tật, già yếu dễ dàng được lấy mẫu tầm soát.
Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND Quận Bình Thủy cho biết, quận có 35 “vùng xanh” trên tổng số 46 khu vực, đạt tỉ lệ 76%, còn lại 24% là khu vực nguy cơ cao, rất cao. Quận sẽ tập trung lấy mẫu để kịp thời phát hiện F0 đưa đến cơ sở điều trị. Song đó tiến hành truy vết, khoanh vùng lây, dập dịch và tập trung công tác phòng chống dịch trên địa bàn đến ngày 17/9 sẽ hoàn thành chiến dịch.
Bà Trần Thị Toàn, cán bộ y tế phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) cho biết, xe lấy mẫu di động này tiện hơn. Chỉ cần 2 người đẩy xe là có thể đi lấy mẫu cho người dân được ở các hẻm nhỏ. Mỗi buổi với xe đẩy xét nghiệm này, nhân viên y tế có thể lấy mẫu được 100 người.
Tại phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nhiều xe bán cá viên chiên đã được “hô biến” thành xe lưu động xét nghiệm Covid-19. Những cán bộ y tế mặc đồ bảo hộ, đạp xe cá viên chiên đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Hình ảnh vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu, vừa phát huy được hiệu quả công tác xét nghiệm và đảm bảo sự yên tâm cho người dân.
Ông Trần Văn Lực (người dân phường Tân Hưng) cho biết, “nhìn chiếc xe này rất thú vị, lúc đầu cứ nghĩ là bán cá viên chiên thật nhưng sau đó mới biết là xe đi lấy mẫu xét nghiệm. Làm được như vậy, đến tận nhà lấy mẫu là bà con mừng lắm”. Những ngăn tủ chứa cá viên, bò viên đã trở thành nơi chứa dụng cụ y tế và người bán cá viên chiên đã thay vào là nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm tận nhà cho người dân.
Nhiều xe lưu động đã lan tỏa đi các nơi được người dân nhiệt tình ủng hộ |
Ông Phạm Lạc Tiên – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng cho biết, nhận thấy ở phường cũng có nhiều người bán cá viên chiên bằng xe đẩy, lại đang trong lúc nghỉ bán vì giãn cách xã hội, nên phường có ý tưởng tận dụng các phương tiện này để làm xe xét nghiệm lưu động. Khi đến vận động thì được bà con ủng hộ hết mình và cho mượn các xe bán cá viên chiên, sau đó, phường cải tạo lại làm nhiệm vụ. “Do xe náy có bánh xe lướn nên đi vào những tuyến đường nhỏ đất đá lởm chởm cũng không sợ, di chuyển rất thuận tiện. Vừa đẩy được, vừa đạp được rất khoẻ cho các anh em”, ông Tiên chia sẻ
Ông Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong đợt xét nghiệm lần này có 977 đội tham gia lấy mẫu, huy động cả nhân viên y tế và sinh viên y, dược tình nguyện. Trung bình mỗi ngày thành phố phải thực hiện 20.000 mẫu PCR, gồm mẫu gộp theo hộ gia đình (gộp 10) và thực hiện 23.800 test nhanh (gộp 2).