Nộp bản chính chứng nhận kết quả thi
Năm 2016 có điểm mới là mỗi địa phương tổ chức một cụm thi đại học, thay cho việc phải sang tỉnh khác để thi thì thí sinh hoàn toàn có thể thi tại tỉnh nhà. Đối với việc xét tuyển vào đại học, thí sinh cần lưu ý là ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các em sẽ nhận được 1 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không dùng giấy chứng nhận kết quả này để đăng ký xét tuyển mà dùng để nộp vào trường nhập học.
Để đăng ký xét tuyển, thí sinh không cần phải nộp hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ đăng ký xét tuyển như năm 2015 mà chỉ cần điền thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển và nộp phiếu này về các trường mà mình muốn học bằng hình thức đăng ký trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hay bằng một phương thức khác do trường đại học quy định.
Trong đợt I, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường đại học. Mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2. Trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa là 3 trường. Mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2.
PGS TS Trần Văn Nghĩa lưu ý ở mỗi đợt xét tuyển, sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng của mình nữa. Vì vậy, các em phải lưu ý thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Do ngay từ đợt I, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường đại học nên sẽ có nhiều thí sinh có thể trúng tuyển cả 2 trường. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng “thí sinh ảo” và gây khó khăn cho các trường. Chính vì vậy, Bộ đưa ra quy định: Sau khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải xác nhận là sẽ học ở trường nào bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đó. Những thí sinh không nộp sẽ được coi như không có nguyện vọng học và trường sẽ không gọi thí sinh đó vào nhập học.
Điểm đặc biệt lưu ý là, không chỉ thí sinh trúng tuyển cả 2 trường mà cả thí sinh trúng tuyển vào 1 trường vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đại học. Điều này cũng là để giúp các trường đại học biết được chính xác số lượng thí sinh sẽ học tại trường mình cũng như biết được còn bao nhiêu chỉ tiêu để công bố cho đợt xét tuyển bổ sung.
Để giảm thí sinh “ảo” và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp: Công tác xét tuyển vào các trường đại học đã được rút kinh nghiệm từ những bất cập trong năm 2015. Nguyên nhân chính gây ra những bức xúc trong xét tuyển đợt 1 năm 2015 là thí sinh có thể rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng. Vì vậy, công tác xét tuyển đại học năm 2016, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Chống “ảo”?
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT thay vì cho phép thí sinh được đăng ký vào 1 trường đại học như năm 2015. Năm 2016 thí sinh được đăng ký vào 2 trường đại học (ở đợt 1) và 3 trường ở các đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, khi thí sinh được đăng ký vào 2 hay 3 trường thì các trường đại học phải đối mặt với tình trạng thí sinh “ảo”. Nhằm hỗ trợ các trường giải quyết vấn đề “thí sinh ảo”, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, trong phiếu đăng ký xét tuyển, Bộ yêu cầu thí sinh phải điền tên trường đại học thứ 2 mà các em đăng ký xét tuyển. Dựa trên việc đăng ký này, các trường đại học có thể dự đoán được thí sinh sẽ học ở trường mình hay trường thứ 2. Đây là cơ sở quan trọng để các trường lọc thí sinh “ảo”.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường thành lập các nhóm xét tuyển. Về nguyên tắc, nhóm xét tuyển có lượng trường đại học tham gia đăng ký xét tuyển càng lớn thì việc lọc thí sinh “ảo” sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều người lo ngại hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT không thông suốt sẽ xảy ra tình trạng nghẽn mạng Internet, sự cố “vỡ trận” như năm 2015, làm ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển đại học. Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thuận lợi hơn cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là phương án đăng ký xét tuyển trực tuyến. Với phương án này, thí sinh chỉ cần ngồi ở nhà hoặc trường học có kết nối mạng Internet là có thể đăng ký xét tuyển.
Để đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các công ty, tập đoàn viễn thông đảm bảo đường truyền Internet thông suốt, giảm thiểu tối đa việc tắc nghẽn mạng. Tuy nhiên, ngoài đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến, thí sinh vẫn được đăng ký xét tuyển qua bưu điện hay các hình thức khác do trường đại học quy định.
Nhằm giảm rủi ro cho thí sinh khi không đăng ký xét tuyển trực tuyến được, dự kiến việc đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc trước 1 ngày so với thời hạn đăng xét tuyển. Như vậy, nếu thí sinh không kịp đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến thì vẫn có thể đăng ký theo hình thức khác, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Không có chuyện chấm thi “nhẹ tay” với cụm thi địa phương
Để đảm bảo được sự minh bạch, công bằng của kỳ thi, Bộ đã chỉ đạo thống nhất không có sự phân biệt giữa cụm do Sở GD-ĐT tổ chức và những cụm do các trường ĐH tổ chức. Trong đó, tăng cuờng hỗ trợ cho những cụm thi do tỉnh tổ chức lần đầu. Sẽ không có chuyện những cụm do Sở tổ chức thì “nhẹ tay”, còn những cụm do trường ĐH tổ chức thì “chặt”. Tất cả đều phải bình đẳng và nghiêm túc.Trong khâu chấm thi năm nay, Bộ GD-ĐT đã làm rõ trách nhiệm về kinh phí của Hội đồng coi thi và địa phương để hỗ trợ giám thị, tránh tình trạng trách nhiệm không rõ ràng khiến giám thị không hài lòng khi được điều động chấm thi. Còn trong quá trình chấm thi cũng phải kiểm tra chéo, tránh tình trạng trong nội bộ “nhẹ tay” với nhau. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo barem chấm tới mức điểm 0,25. Đồng thời, đưa phần mềm chấm thi làm tròn đến hai chữ số. Chúng tôi không có chủ trương phân biệt các thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ hay thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.