Theo đánh giá của Chính phủ, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành còn nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”; nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu phân luồng đa dạng… Vì vậy, trước xu thế chung của chương trình giáo dục hiện đại, Chính phủ đề xuất đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Theo dự tính của Bộ, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo sách giáo khoa theo chương trình mới và thực hiện triển khai thí điểm, đến năm 2023 triển khai đại trà ở tất cả các cấp học.
Nhìn khung thời gian này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Từ nay đến năm 2016 không còn nhiều thời gian, vậy chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của các nhà trường có đảm bảo không, “hay đến đó lại bảo do này do kia, do đội ngũ không đáp ứng, cơ sở vật chất thiếu... nên chất lượng kém”.
Không phủ nhận sự cần thiết của việc đổi mới này nhưng trước sự sơ sài của Dự thảo Đề án, nhất là phần đánh giá tác động, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn về tính khả thi, nhất là khi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa vẫn được thực hiện mà chưa có sự đánh giá toàn diện về hiệu quả.
Ông K’so Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội - còn lo ngại: “14 năm qua đã đầu tư rất nhiều cho chương trình sách giáo khoa mà giờ vẫn cãi nhau về đổi mới thì còn 10 năm nữa (đến năm 2022 như Dự thảo Đề án xác định – PV) mà thay đổi toàn diện, có làm được không, có đáp ứng được yêu cầu tích hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, định hướng cho tương lai…?”.
Đề cập đến “hàng trăm triệu đồng được cấp hàng năm để đầu tư trang thiết bị dạy và học”, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn: Không hiểu việc thực hiện Đề án có tạo được đột phá khi không làm rõ được “đầu ra”.
Theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Dự thảo Đề án phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi, cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân vì “gần 2 tỷ USD không phải là nhỏ, không thể cứ đưa ra lấy ý kiến Quốc hội rồi lại đòi đổi mới, cứ loay hoay đổi mới mà chưa biết đã làm được gì. Phải làm cẩn thận đầy đủ hơn, lấy ý kiến giới khoa học, chuyên gia thậm chí toàn dân”.
Theo Dự thảo Đề án, sau khi đổi mới, thời gian học phổ thông vẫn là 12 năm với nhiều nội dung, môn học được tích hợp để phát huy năng lực, trí tuệ của người học. Do còn nhiều vấn đề chưa thể làm rõ, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Đề án về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ phải hoàn thiện để trình UBTVQH tiếp tục cho ý kiến tại Phiên họp thứ 28 (tháng 5).
Dự thảo Luật Dạy nghề:
Ngăn tình trạng tốt nghiệp đại học quay về học trung cấp
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khi trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề tại UBTVQH chiều qua - 14/4. Các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này được đề cập trong dự thảo luật là các qui định để làm tốt việc phân luồng, có tỷ lệ cụ thể tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông, chuyển từ nhận thức về việc học nghề, có cơ chế ưu tiên cho việc dạy và học nghề, nghiên cứu phân cấp kinh phí giáo dục đào tạo cho hoạt động học nghề…
Theo một số ủy viên thường vụ Quốc hội, vấn đề đáng quan tâm khi sửa đổi Luật này là cần giải quyết tình trạng người học đại học quay về học trung cấp, cao đẳng do không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, chỉ có 10% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề dẫn đến “thừa thầy thiếu thợ”, trong khi đó, cơ chế dạy nghề khiến nhiều người thợ muốn học cao hơn gặp nhiều khó khăn…