Xin đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có đàn ông Việt nào sẵn sàng cưới một phụ nữ đã từng bị cưỡng bức và đã phải trải qua những ồn ào? Người con nào sẽ chịu đựng nổi nếu thiên hạ xì xào câu chuyện mẹ mình bị người ta cưỡng bức? Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có bao nhiêu cuộc đời “sống để dạ, chết mang theo”?

Có lẽ người khởi đầu cho phong trào #Metoo tại Việt Nam là biên đạo múa Phạm Lịch. Việc quyết định lên tiếng tố nam ca sĩ Phạm Anh Khoa trực tiếp gạ tình hay có những hành động không đứng đắn khi Phạm Lịch tham gia cuộc thi “Trời sinh một cặp” với tư cách thí sinh đã trở thành cú sốc văn hóa vào thời điểm năm 2018.

Với thế giới, chuỗi chiến dịch #Metoo được tích cực vận động và ủng hộ các nạn nhân can đảm lên tiếng về quấy rối và bạo lực tình dục từ năm 2017. Ở Việt Nam, #Metoo được đánh giá là khá lặng lẽ là bởi các nạn nhân luôn lựa chọn cách im lặng chịu đựng vì không muốn gặp những “phản ứng ngược” hay lo sợ thanh danh bị tổn thất.

“Tôi có chia sẻ với mẹ câu chuyện này. Mẹ đã quyết liệt không ủng hộ tôi nói ra và năn nỉ hãy bỏ qua đi”. Cô cũng bày tỏ mình hoàn toàn hiểu tâm lý của mẹ khi bà không muốn thấy con gái bị thương tổn trước những búa rìu dư luận chĩa vào mình, nhất là cô không phải là người nổi tiếng, hay có đôi chân vững chắc trong giới giải trí hỗn độn này. Với Phạm Lịch, cô không hề mong muốn lấy câu chuyện này làm bàn đạp cho sự thăng tiến hay tên tuổi được chú ý hơn, mà là để “đòi lại cho showbiz môi trường trong sạch, đặc biệt là nghệ sĩ nữ cần phải được bảo vệ”. Đồng tình trước hành động của cả Nga My lẫn Phạm Lịch, Lý Phương Châu, một vũ công nổi tiếng và có thời gian hoạt động lâu năm trong nghề bức xúc thừa nhận, còn rất nhiều nạn nhân bị gạ tình trong showbiz…

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nhận định: Có rất nhiều lý do khiến nạn nhân phải im lặng. Và im lặng. Đáng sợ hơn những gì chúng ta biết bởi hầu hết nạn nhân không chắc chắn về cách xử lý. Cứ như vậy, nhiều người tiếp tục chịu đựng những sự dày vò khi vẫn đang mãi loay hoay tìm kiếm cách để nói ra.

Nghiệt ngã hơn, “hung thủ” thật sự đôi khi chính là dư luận, như một lẽ thường tình là họ chỉ nói lên những gì bản thân nghĩ nhưng chưa bao giờ đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này khiến những tuyệt vọng bởi ghê sợ, tủi hổ của các nạn nhân vô tình lọt thỏm trước những lời bàn luận độc hại từ cộng động.

Còn nhớ, năm 2015 cháu gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải uống thuốc sâu tự tử vì bạn trai tung clip nhạy cảm của cháu lên mạng và cả cộng đồng xông vào bêu riếu cháu. Năm 2017 cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau tố cáo gã hàng xóm xâm hại cháu nhưng điều tra lại kết luận hắn vô tội, cháu bị mang tiếng với xóm làng nên uất ức uống thuốc sâu tự vẫn. Cháu bé không chết vì bị tên hàng xóm hãm hại nhưng lại bị giết bởi dư luận xã hội.

Phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… Họ có thể bị trêu ghẹo, tán tỉnh, sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí bị tấn công tình dục. Hầu như nạn nhân không được thông cảm, giúp đỡ bởi bất kỳ ai. Nhiều người đã tự nhủ “sống để bụng, chết mang theo”.

Phong trào #Metoo nhằm kêu gọi các nạn nhân của bạo hành tình dục lên tiếng và đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới… (Ảnh minh họa)

Phong trào #Metoo nhằm kêu gọi các nạn nhân của bạo hành tình dục lên tiếng và đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới… (Ảnh minh họa)

Xin đừng đổ lỗi hay nói lời “cay đắng”

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng bày tỏ, đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng. Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp, nếu không muốn đồng hành với họ thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn.

“Trong cuộc nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) mà tôi thực hiện năm 1999, các nạn nhân của QRTD cũng trải qua những cảm giác như tôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có thể là nạn nhân của QRTD, bất kể hình thức của họ ra sao. Nữ sinh có thể bị quấy rối bởi bạn bè, thầy giáo hoặc những kẻ xa lạ. Phản ứng của cha mẹ khi nghe con gái kể lại thường là mắng mỏ, chất vấn hoặc cấm đoán.

TS Khuất Thu Hồng cho hay: “Tôi kể lại những trải nghiệm tồi tệ và kết quả nghiên cứu của tôi như một câu trả lời cho những bình luận của một số bạn trên mạng xã hội về những nạn nhân của bạo lực tình dục (BLTD) kể cả các cô gái trong giới showbiz. Có bạn khuyên là các bạn gái nên bớt khiêu khích, bớt ăn mặc khêu gợi, đừng tạo cơ hội cho kẻ quấy rối… thì sẽ không bị quấy rối, bị cưỡng ép. Có người còn nghi ngờ rằng các cô gái cố tình tạo scandal để được nổi tiếng. Không ít người cho rằng vụ việc có gì đâu mà làm ầm ĩ lên…

Trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại cực kỳ tồi tệ. Nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Đó là những nhận xét kiểu như “muốn nổi tiếng hay sao mà sau bao nhiêu năm mới mở miệng?”; “không có lửa làm sao có khói?; hay “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”… Nhiều người phụ nữ bị giày vò bởi cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận trong nhiều năm song không dám chia sẻ với ai việc mình bị quấy rối hay xâm hại tình dục vì lẽ đó. Tôi không phải là ngoại lệ. Mãi sau này, khi đã nghiên cứu về chủ đề này, đã dày dạn hơn với cuộc đời tôi mới hiểu là mình không có lỗi và thôi tự trách móc bản thân.

Bà cho biết: “Tất cả nạn nhân của quấy rối hay xâm hại tình dục đều rất khó lên tiếng, không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Gần đây ở nhiều nước phương Tây với phong trào “me too”, đã góp phần khuyến khích phụ nữ công khai sự quấy rối và bạo hành tình dục trên mạng xã hội, qua đó nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của vấn đề. Còn ở Việt Nam, các nghiên cứu của tôi cho thấy tiếng nói của nạn nhân dù đã vang lên nhiều hơn so với trước song vẫn còn ít ỏi so với thực tế. Một thống kê cho thấy 90% phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình ở Việt Nam không tìm đến bất kỳ sự giúp đỡ chính thức nào. Xã hội cần thay đổi góc nhìn về vấn đề này. Trong đó điều tiên quyết là tránh xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Hãy để những người phụ nữ lên tiếng và cơ quan chức năng đưa ra kết luận. Cách tiếp cận đổ lỗi cho nạn nhân vô hình trung bịt miệng và làm nản lòng những người muốn đấu tranh vì một xã hội an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, và thậm chí, có thể cản trở luật pháp và những người thực thi pháp luật”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh...

Thực tế, với phụ nữ, dù thời gian có trôi qua bao lâu, nhưng cảm giác ghê sợ khi bị cưỡng bức bởi người đàn ông xa lạ, hay người đàn ông họ không yêu, sẽ luôn là những ám ảnh ghê sợ, tủi nhục. Cảm giác kinh hoàng và sự hoảng loạn ấy, họ mang theo suốt cuộc đời mình, trong nỗi tuyệt vọng sâu thẳm…

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP HCM: cho biết, quấy rối tình dục là sử dụng các hành vi, lời nói với người khác mà không được sự đồng thuận. Hiến pháp Việt Nam đã minh định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục chưa được quy định trong Pháp luật hình sự Việt Nam, việc xử lý hành vi quấy rối tình dục mới chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; và các hành vi Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình quy định tại Điều 54 Nghị định 144 2021. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng; Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.

Ngoài ra, hành vi quấy rối tình dục đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, cụ thể: Tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”. Tuy nhiên, quấy rối tình dục không nhằm thoả mãn tình dục của người quấy rối, nên không xử lý hình sự được vì Luật chưa có quy định, kể cả nạn nhân là trẻ em. Đây là lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, nếu hành vi quấy rối tình dục trẻ em mà đủ các dấu hiệu của tội dâm ô, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Hành vi dâm ô thể hiện ở việc tiếp xúc cơ thể để tìm kiếm cảm giác khoái lạc. Đây cũng là một dạng của hành vi quấy rối, nhưng mục đích để thỏa mãn nhu cầu hay kích thích tình dục”.

Đọc thêm