Bên cạnh những người khốn khó rưng rưng cảm động nhận phần quà thì vẫn có một số người tham lam, “đục nước béo cò”, xí chỗ, tranh phần, đi vơ vét, lấy hết thực phẩm thiện nguyện mà vốn dĩ không dành cho mình. Hình ảnh xấu xí này khiến nhiều người dân bức xúc.
Những kẻ “ăn cắp lòng tốt”
Bắt đầu từ ngày 1/4, toàn dân thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người lao động nghèo, xe ôm, người bán hàng rong, những người vô gia cư… vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Để chia sẻ những khó khăn ấy, ở khắp nơi trên cả nước, mọi người đã chung tay hỗ trợ người nghèo bằng những hành động thiết thực như tặng khẩu trang, phát quà từ thiện, bữa cơm miễn phí hay lấy gạo từ các cây “ATM gạo” miễn phí…“Nếu khó khăn, xin nhận 1 phần, nếu ổn rồi xin nhường cho người khác” - là những dòng chữ được ghi tại các điểm phát lương thực miễn phí thấm đẫm sự sẻ chia.
Bên cạnh những người khốn khó rưng rưng cảm động nhận phần quà thì vẫn có một số người tham lam, “đục nước béo cò” , xí chỗ, tranh phần, đi vơ vét, lấy hết thực phẩm thiện nguyện mà vốn dĩ không dành cho mình. Hình ảnh xấu xí này khiến nhiều người dân bức xúc.
Trưa 14/4/2020, sau 3 ngày hoạt động, tại điểm phát gạo từ thiện Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã xảy ra tình trạng chen chúc, tranh giành nhau khi hàng trăm người có mặt để được vào lấy gạo. Một số cá nhân cố tình xô đẩy, cãi vã vì cho rằng phải chờ đợi quá lâu. Hình ảnh mất trật tự đường phố và có thể lây lan dịch bệnh, ngày 15/4, ban tổ chức quyết định tạm dừng phát gạo để ổn định lại trật tự cũng như đảm bảo sức khỏe bà con khi đến nhận gạo.
Mới đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền một clip quay tại điểm phát gạo, mì tôm, khẩu trang tại số 2 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân (Hà Nội), một phụ nữ đem cả một túi to vơ vét hết sạch phần quà trên bàn khiến những chị ve chai, ông lão tàn tật tới đó đã trở về tay trắng trong cơn đói bao phủ.
Trên mạng xã hội xôn xao thông tin về một nhóm đối tượng đi từng tốp, đèo nhau và chở hàng chục túi lương thực. Đáng chú ý, nơi tập trung lương thực, thực phẩm ủng hộ nằm ngay gần Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP .Biên Hoà. Thời điểm hành vi này diễn ra cũng ngay trong buổi sáng sớm (khoảng 8h00 sáng ngày 2/4/2020), cho thấy sự lộng hành của nhóm đối tượng này.
Những hình ảnh cả người đi ô tô, xe máy, đeo vàng, đồng hồ đắt tiền trên người dừng lại lấy quà. Có nhiều người đi bộ, đi làm “tiện thể” vào lấy vài túi quà rồi điềm nhiên phóng đi trước sự ngỡ ngàng của ban tổ chức và những người nghèo đang xếp hàng gần đó. Rồi có người phụ nữ đi xe máy SH đi lấy đồ thực phẩm từ thiện vài lần trong một ngày. Dù chị có thay quần áo nhưng camera vẫn kịp ghi lại khuôn mặt và biển số xe của chị.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh”
Những hành động của những kẻ tham như thế này thực sự gây bức xúc vì họ đã cướp miếng ăn của những người nghèo khác và ăn cắp cả lòng tốt của những người làm từ thiện. Không chỉ vậy, “con sâu bỏ rầu nồi canh”, những kẻ ấy đã gieo tiếng xấu cho người khó khăn đích thực khiến họ không có cơ hội nhận phần quà vì sự hiểu lầm của người đời.
|
Người dân bức xúc khi thấy một nhóm người đi vơ vét hết quà từ thiện dành cho người nghèo ở Biên Hòa |
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một cô bé bị từ chối phát gạo tại một điểm phát gạo miễn phí công khai ở TP.HCM. Theo đoạn clip, cô bé này khi tiến gần đến vị trí nhận gạo thì loa thông báo của ban tổ chức vang lên yêu cầu: "Em áo đen di chuyển ra khỏi khu vực phát gạo giùm chị nha".
Bất ngờ nghe thấy tiếng loa, cô bé tỏ ra khá ngỡ ngàng, xấu hổ buồn bã lặng lẽ bỏ lại túi ni lông và rời khỏi khu vực. Sau khi sự việc nói trên được đăng tải trên mạng xã hội, một cư dân mạng đã nhanh chóng tìm tới tận nơi, hỏi về hoàn cảnh của thiếu niên áo đen không được nhận gạo tại TP.HCM. Anh này cho biết người trong đoạn clip là một cô bé tomboy với vẻ ngoài gầy gò, thiếu sức sống.
Cô bé 17 tuổi tên H đã có những chia sẻ về đoạn clip trên mạng xã hội. Cụ thể, khi được hỏi “Em có coi clip đó không? Em có giận người đó không?”, phản ứng của cô bé chính là khóc, rồi lại im lặng thêm 1 lúc lâu. H. chia sẻ mình sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em gái ở An Giang. Trong 4 người, chỉ có em là người ra TP.HCM làm dù mới chỉ 17 tuổi.
Từ dạo trước Tết, công ty nơi cô bé làm việc đã cho công nhân nghỉ hết, bởi vậy mà em phải đi xin phụ hồ nhưng vì sức khỏe yếu, không thể kéo sắt lên sàn nên lại đành nghỉ ở nhà. H. ở trong phòng trọ cùng 4 người khác nhưng chẳng ai có việc làm ở thời điểm này. Cả 5 đều không còn tiền để mua lương thực. Bởi vậy mà những người hàng xóm xung quanh đã ngỏ lời đèo cô bé tới máy ATM gạo miễn phí.
Chẳng ai ngờ cô bé lại bị từ chối khi tới lượt. Không xin được gạo cho cả phòng, tối về cô bé còn bị mẹ gọi điện mắng xối xả bởi đoạn clip quay em ở cây ATM gạo đã được đăng tải trên mạng xã hội: “Tối má em ở dưới quê gọi điện lên la em, là làm bậy hay sao mà trên máy điện thoại nó quay mày kìa... Em chỉ biết khóc, em sợ đoạn phim đó đăng, sau này hết dịch em xin đi làm chắc không ai dám nhận em phải không?.” Sự lo lắng đầy ám ảnh của H đã khiến nhiều người thấy thương cảm.
Một thực tế cho thấy, giãn cách xã hội khiến cho nhiều thanh niên là công nhân, nhân viên nhà hàng, cà phê… bị mất việc làm. Do kiếm sống với thu nhập thấp lại lo trả tiền thuê phòng trọ, họ không có tiền tích trữ. Mất việc đồng nghĩa với việc không có tiền ăn qua ngày. Có thể họ có xe máy là phương tiện, có thể họ vẫn có quần áo tươm tất (vì đi làm không thể mặc rách rưới, bẩn thỉu) nhưng họ không thể bán ngay phương tiện của mình.
Bán xe thời gian này khó khăn và sẽ bị lỗ nhiều tiền. Mà số tiền đó họ không hề dễ kiếm. Với chiếc ví rỗng, lo cho bữa tối và ngày mai không có gạo ăn, họ đành đi xe máy với quần áo tươm tất đến điểm phát lương thực miễn phí nhưng bị từ chối. Lý do duy nhất của ban tổ chức đưa ra đó là: “Họ có xe máy và ăn mặc tươm tất thế kia thì không thể là… người nghèo?”
Sự đánh giá bề ngoài nhìn mắt thường chỉ vài chục giây thì làm sao hiểu được hoàn cảnh thực sự của họ. Vậy mà, có không ít ban tổ chức kiên quyết từ chối phát quà cho họ.
Mong lắm lòng tự trọng!
CLB Văn hào Nhân sỹ được thành lập dựa trên đồng thuận quan điểm chung "CLB nhận của nhà tài trợ hảo tâm - Tặng cho người khó khăn thực sự" của thành viên sáng lập đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như: nhà báo, văn nghệ sỹ, luật gia và sư thầy. CLB Văn hào Nhân sỹ đã tổ chức chương trình từ ngày 11/4/2020 đến nay trên những tuyến phố như: Cổng trường thể dục thể thao quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai; đình Phương Liệt, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân và tòa nhà Hateco, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Tổng số gạo đã phát tặng cho các điểm khoảng 5 tấn gạo, mì tôm khoảng hơn 10.000 gói, khẩu trang 6.000 chiếc khẩu trang và nhiều vật phẩm khác. Chủ nhiệm CLB Văn hào - Nhân sĩ - ThS, Nhà báo Trần Quốc Hoàn tâm sự: “Được trao tặng món quà nhỏ bé cho những người nghèo, chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Có rất nhiều mạnh thường quân thấy chúng tôi phát quà đã tới mang theo nhiều bao gạo, thùng mì, dầu ăn, thịt, cá, hoa quả… góp bữa ăn của người nghèo thêm phong phú.
Qua gần 20 ngày phát quà, chúng tôi chứng kiến có không ít trường hợp một ngày lấy vài lần, hoặc mỗi lần lấy nhiều phần quà. Hỏi họ thì họ nói là lấy giùm hàng xóm. Chúng tôi vẫn phát vì mong đó là những lời chân thành, từ tâm của họ”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books- người mở ATM gạo Nghĩa Tân chia sẻ: “Khi chứng kiến những cảnh không đẹp mắt tại điểm tặng gạo, chúng tôi cũng cảm thấy nhói. Những hừng hực khi triển khai dự án bỗng dưng trầm xuống một nhịp. Tôi hiểu, cái gì cũng có điểm hạn chế của nó và việc làm thiện nguyện cũng không ngoại lệ.
Tôi chỉ ước giá mà ai cũng có ý thức, ai cũng có tinh thần “tương thân tương ái” thì có lẽ chúng tôi sẽ “nhàn” hơn một chút và ngoài kia, hẳn là người nghèo sẽ ít đi, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ bớt khó khăn hơn”.
Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có thiện lương, có tư tưởng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu với cộng đồng. Hãy biết xấu hổ, hãy để những món hàng tiếp tế thuộc về những người thực sự nghèo khó. Xin đừng… nghèo nhân cách.