Xoa dịu nỗi đau những 'gia đình da cam'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày đầu tháng 8, nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021), điện ảnh quân đội nhân dân hoàn thành bộ phim tài liệu “Nỗi đau da cam” để thế hệ ngày nay cùng nhìn lại quá khứ. Những lời tâm sự của chính các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC) trong bộ phim đã khiến người xem rơi nước mắt.
Hình ảnh vợ chồng cựu chiến binh chăm 2 con nhiễm chất độc da cam trong phim.
Hình ảnh vợ chồng cựu chiến binh chăm 2 con nhiễm chất độc da cam trong phim.

“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố bị thương tật do nhiễm chất độc hóa học. Từ nhỏ, do bị nhiễm chất độc hóa học nhưng hồi đó thì chưa biết, cứ nghĩ là mình bị dị tật bẩm sinh. Khi sinh ra đã bị liệt nửa người, vẹo cột sống, chân thì đi khập khiễng. Mỗi lần trẻ con chơi đùa mà mình thèm khát lắm, thấy các em chạy nhảy thì mình cũng bò theo. Đêm nào tôi nằm cũng mơ chân mình sẽ được lành lặn trở lại để được nhảy múa, hát ca như mọi người. Nhưng cuối cùng đó chỉ là giấc mơ không thể thành hiện thực”- tâm sự của chị Phạm Thị Nhí, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh.

Qua điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4; 22% số gia đình nạn nhân CĐDC có từ 3 nạn nhân trở lên, trong đó hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao; khoảng 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp.

Điều đáng buồn là hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Các nạn nhân CĐDC thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Đặc biệt, hậu quả CĐDC làm cho nhiều người bị đa dị tật, dị tật nặng, như: chậm phát triển trí tuệ, câm, điếc, hội chứng down, lác mắt, động kinh, sứt môi, hở vòm ếch, teo cơ, liệt, dị dạng các chi...

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát... Đa số hộ nạn nhân CĐDC thuộc hộ nghèo, tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu, vùng xa khoảng 70%. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC và con đẻ của họ bị di chứng da cam đã từng bước được hoàn thiện cả về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9,2 triệu người, trong đó có gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được công nhận; đồng thời đã tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nhiều nạn nhân CĐDC.

Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, con đẻ của họ và người khuyết tật là nạn nhân CĐDC được quy định ngày càng đầy đủ, như trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông…

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin còn nhiều bất cập khi chính sách còn chưa bao quát hết được những đối tượng khác thuộc diện nạn nhân CĐDC như: cán bộ, quân nhân hoạt động sau ngày 30/4/1975, được giao thực hiện nhiệm vụ ở các vùng “nóng” về CĐDC, vùng tồn lưu dioxin cao, nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh ra những đứa con dị tật; người dân sinh sống trong khu vực bị rải CĐDC và có công đùm bọc, che chở cán bộ, bộ đội trong kháng chiến; thế hệ thứ 3, thứ 4 của các nạn nhân hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin.

Mặt khác, đối tượng người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin chưa được công nhận để được hưởng chính sách người có công với cách mạng còn khá lớn. Lý do chủ yếu là do họ không lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ và bệnh tật khi giám định không nằm trong danh mục bệnh được quy định của Bộ Y tế…

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Từ quan điểm này, Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã nêu kiến nghị đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan người bị nhiễm CĐDC, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước, chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho nạn nhân CĐDC/dioxin.

Bên cạnh đó, theo Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền, cũng cần tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật nói chung và người bị nhiễm CĐDC, tạo sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi trong xã hội…

Đọc thêm