Xóa kênh độc hại trên mạng xã hội: Đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một kênh Youtube có nội dung độc hại dành cho trẻ vừa bị cơ quan chức năng đề xuất gỡ, xóa sau “tố cáo” mạnh mẽ của phụ huynh. Nhưng còn hàng trăm kênh mang “mầm độc” khác vẫn nhan nhản trên mạng...
Một cảnh trong video được phát trên kênh TIMMY TV.
Một cảnh trong video được phát trên kênh TIMMY TV.

Từ phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng

Mới đây, từ phản ánh của nhiều phụ huynh, Cục Trẻ em đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, gỡ, xóa bỏ kênh TIMMY TV, một kênh chuyên đăng tải những video, clip có nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị… có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Kênh TIMMY TV nói trên thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook, được một số tài khoản chia sẻ. 

Trước đó, kênh Youtube Thơ Nguyễn cũng bị phụ huynh đồng loạt lên tiếng phản ứng vì video mang nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, đem thông tin xấu đến cho các em nhỏ. Phản ứng mạnh mẽ này xuất phát từ clip “Xin vía búp bê”, trong đó sử dụng búp bê Kumanthoong, một loại “bùa” nổi tiếng xuất xứ từ Thái Lan, quá trình chế tạo bùa được cho là rất rùng rợn và “phi nhân tính”.

Sau sự việc, Thơ Nguyễn đã bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương triệu tập làm việc. Kết quả, Youtuber Thơ Nguyễn đã đứng ra xin lỗi công chúng cùng với việc ra thông báo kênh YouTube Thơ Nguyễn sẽ dừng toàn bộ việc kiếm tiền trên YouTube và ẩn tất cả các video cũ. 

Trường hợp dừng kênh, xóa kênh cũng đã diễn ra tương tự đối với các kênh Youtube “giang hồ mạng” trước đây. Khá “bảnh, một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ đăng tải các video, hình ảnh cuộc sống ăn chơi, các hành động đập phá “bốc trời”, khoe quá khứ vào tù ra tội sau một thời gian dài nổi đình đám trên mạng đã bị xóa kênh vào đầu năm 2019.

Tiếp đó, Khá “bảnh” đã bị công an bắt giữ và khởi tố vì liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, dương tính với ma túy. Một loạt kênh “giang hồ mạng” tương tự cũng đã “bốc hơi” trên Youtube. Kết quả này đến từ sự phản ứng quyết liệt từ phía các bậc phụ huynh, cộng đồng mạng và truyền thông. 

Sao không rà soát sớm?

Cục Trẻ em cũng cho biết từ trước đến nay việc phụ huynh phản ánh những kênh thông tin độc hại chưa nhiều và sự bày tỏ phẫn nộ ở mức chung chung chứ chưa phản ánh rõ cụ thể những kênh như thế nào, độc hại ra sao. Việc phụ huynh mạnh mẽ phản ứng dẫn đến việc Cục Trẻ em đề nghị xóa kênh độc hại là một tiền lệ tốt. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ những lỗ hổng trong việc quản lý ấn phẩm video trên mạng xã hội. 

Quay trở lại sự việc kênh TIMMY TV, kênh này đã hoạt động từ năm 2018, đăng tải 874 video, clip. Những video mang nội dung độc hại đã được phát tán từ hơn 3 năm nay và “đầu độc” nhận thức không biết bao nhiêu trẻ em. Nhưng đến nay, qua sự phản ảnh của phụ huynh, kênh này mới rơi vào “tầm ngắm” của cơ quan chức năng để xóa bỏ.

Tương tự, kênh Youtube Thơ Nguyễn, trước “scandal” liên quan đến búp bê Kumanthong, kênh này tồn tại rất nhiều năm, cũng bị không ít người bày tỏ sự phản đối vì chứa nhiều video “câu view”, hướng dẫn các em nhỏ những trò bạo lực, chơi dại… Nhưng chỉ đến khi clip “bùa búp bê” phát sóng, kênh Thơ Nguyễn mới bị cơ quan chức năng để mắt đến và chủ kênh cũng tự có động thái hạn chế kênh, cơ quan chức năng chưa có kết luận gì. 

Đáng nói, mới đây, sau lời hứa sẽ “không xuất hiện”, Thơ Nguyễn lại tiếp tục tái xuất trên Youtube. Liệu kênh Youtube Thơ Nguyễn có đi lại con đường cũ để kiếm lợi hay không? Hay như nhiều kênh “giang hồ mạng” tồn tại hàng năm trời, thu hút biết bao nhiêu “fan” là trẻ em trước khi bị cơ quan chức năng “gõ cửa”.

Hiện trên mạng xã hội còn rất nhiều kênh tương tự TIMMY TV khác vẫn công khai trục lợi dựa vào việc đem thông tin rác, nguy hiểm đến các em thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên. Một TIMMY TV đã bị đề nghị xóa, còn hàng trăm kênh khác sẽ được xử lý ra sao? Liệu có phải chờ sự “tự giác” phản ánh của phụ huynh đến Cục Trẻ em, rồi từ Cục Trẻ em đề nghị, chờ đợi đến ngày hạ kênh?

Nghĩa là các cơ quan chức năng chỉ “chạy theo” xóa kênh sau khi các kênh này phát tán hàng trăm, hàng ngàn lượt nội dung độc hại, chủ kênh đã thu lợi lớn, nhiều trẻ em đã tiếp nhận không ít thông tin độc hại? Tại sao các cơ quan chức năng không chủ động thực hiện “tổng rà soát” để xử lý, xóa bỏ những kênh độc hại này?

Mặt khác, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng nào cho hoạt động các Youtuber, Facebooker hay Tiktoker lập kênh, có doanh thu. Phải chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần truy tận nguồn, hạn chế mầm độc từ khi chưa xảy ra, thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”?

Đọc thêm