Giữ hồn nón lá cho miệt miền Tây
Xóm nhỏ nằm ven kênh Xẻo Xào, thuộc Ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Đây là nơi đã làm nên những chiếc nón lá vang danh khắp miền Tây sông nước một thời với lịch sử hình thành hơn 70 năm.
Bà Trịnh Kim Anh - một người phụ nữ khéo tay, đảm đang và đã 44 năm đắm say với nghề chằm nón lá chia sẻ, cơ duyên bà đến với nghề bắt đầu từ năm 13 tuổi. Hồi đó, trong gia đình có mẹ làm nghề còn bà thì rất mê đan lát nên đã nằng nặc đòi mẹ truyền nghề. Từ đó, bà làm cho đến tận bây giờ, khi đã 57 tuổi.
Trước đây, theo bà Kim Anh, nghề chằm (làm) nón chỉ xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn hoặc những khi mất mùa. Sau dần, chiếc nón lá đã lo cho người dân đủ “cơm no, áo mặc” và trở thành nghề chính ở cái xóm nhỏ ven kênh Xẻo Xào này. Với kỹ năng, sự chịu khó, sự khéo tay, chiếc nón lá của xóm kênh Xẻo Xào làm ra đã được rất nhiều bà con địa phương tin dùng. Rồi ngày qua ngày, chúng len vào các ngóc ngách của địa phương khác. Cho đến một ngày, đi đâu, mọi người cũng đều thấy chiếc nón của xóm nhỏ kênh Xẻo Xào xuất hiện trong mỗi gia đình người miền Tây hiền hòa...
“Công việc chằm nón lá này rất phức tạp, rất nhiều công đoạn như: làm khung nón, chuốt vành, đan lá, nứt vành, chằm nón, làm quai... Có khi làm quần quật cả ngày người thợ mới có thể làm ra được một cái nón lá hoàn chỉnh. Làm cái nghề này phải thật sự mê say mới làm được. Để tạo ra được một chiếc nón hoàn mỹ cần rất nhiều sự khéo léo, tỉ mỉ từng khâu, cẩn thận bằng tay của những người thợ thủ công lành nghề. Chưa kể việc mua nguyên liệu cũng khó khăn, do mình phải đặt hàng trước từ ngoài Huế, rồi vận chuyển vào, còn ở trong miền Nam mình thì không có”, bà Kim Anh tâm sự.
Về tổng thể, chiếc nón của xóm nghề kênh Xẻo Xào không khác là bao với những chiếc nón của vùng miền khác. Cái khác đó là nhưng người thợ đã dồn tâm huyết tạo nên một chiếc nón chắc, bền, phù hợp với thời tiết nắng mưa của vùng miền Tây sông nước. Chưa kể, khi đội nón cùng với bộ đồ bà ba, hình dáng của người miền Tây không lẫn vào đâu được. Điều ấy làm cho chiếc nón của xóm nghề kênh Xẻo Xào lạ, có hồn khiến ai cũng ngẩn ngơ.
Bà Trịnh Kim Anh đang tỉ mỉ chăm chút cho công việc chằm nón lá của mình |
Nhiều thách thức trong xu thế mới
Thế nhưng, theo bà Kim Anh, hiện nay, dù hàng của xóm có chất lượng nhưng đầu ra cũng khó tiêu thụ do sự cạnh tranh giá cả cũng như thị hiếu lựa chọn giá rẻ của người tiêu dùng. Vì vậy giá thành của mỗi chiếc nón cũng giảm đi, mức thu nhập của nghề này vốn không phải cao lắm, giờ còn lại ít hơn. Làm mối mỗi chiếc chỉ lời từ 8.000 – 10.000 đồng. Điều này đã khiến không ít người bất đắc dĩ phải tìm nghề khác để mưu sinh.
Còn chú Phạm Văn Chân (58 tuổi) - một người ở xóm nghề bộc bạch: “Hiện tại, lớp trẻ, con cháu lựa chọn đi làm xí nghiệp, làm công ty để kiếm sống cho mau. Chứ việc chằm nón này thu nhập không khá. Giờ muốn giữ được nghề này thì phải nâng đời sống lên. Đồng tiền, đồng lương cao, có đầu ra cho sản phẩm, có người thu mua nhiều là người ta không có bỏ nghề này đâu”.
Dù sự ồn ào, náo nhiệt ở làng nghề không còn như trước, nhưng nơi đây vẫn còn những người thợ, người nghệ nhân tâm huyết âm thầm níu giữ cái nghề. Cô Nguyễn Thị Mỹ Chi (42 tuổi) một người có kinh nghiệm 22 năm làm nghề chia sẻ: “Từ hồi 16 tuổi là tui đã biết chằm nón rồi. Nghề từ ông bà hồi xưa truyền lại cho con cháu nhiều thế hệ. Cái nghề chằm nón này bán không có lời nhiều, chừng mười mấy ngàn nhưng mình dạy lại chủ yếu là muốn giữ lại cái nghề từ ông bà ngày xưa, không để mai một”.
Là thế hệ trẻ, lớn lên ở làng nghề, em Huỳnh Thanh Nhã (13 tuổi) cũng đang theo đuổi nghề chằm nón cho biết thêm: “Nghề này do mẹ em dạy, em cũng có mong muốn là tiếp nghề, tiếp mẹ. Em hồi đó thích lắm, rồi thấy bà ngoại với mẹ làm đẹp nên thích rồi xin học làm. Em biết làm từ hồi em học lớp 5, tới hiện tại là được 2 năm rồi”.
Chiếc nón lá không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng để che mưa, che nắng. Mà nó còn là một nét riêng, cái “duyên”, cái “hồn” không riêng gì của miệt vườn miền Tây... Tại xóm nghề nhỏ này, mọi người vẫn ngày đêm âm thầm gìn giữ những nét đẹp, nét văn hóa truyền thống xa xưa. Cô Nguyễn Thị Mỹ Chi nói: “Cô mong muốn là làng nghề của mình có thể vực dậy và phát triển hơn, nón được bán đi không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Và thế hệ sau có thể giữ gìn và tiếp nối cái nghề truyền thống từ ông bà xưa để lại”.
Hiểu được khó khăn trong việc tiêu thụ nón nên Chi hội Phụ nữ địa phương cũng tổ chức thu mua và phân phối nón đi khắp nơi. Mỗi lúc có lễ hội múa hoặc văn nghệ, mọi người lại đặt nón bên Chi hội, xong Hội sẽ giao về cho hội viên làm. Nếu có khách hàng mua qua mạng, Hội cũng có facebook riêng để bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, chứng kiến với những khó khăn của xóm nghề, chúng tôi nghĩ rằng, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho làng nghề chằm nón lá ở miệt Cần Thơ duy trì và phát triển.