Duy đang chăm sóc mẹ. |
Trong tiết trời se lạnh của miền Trung, tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Dung (47 tuổi, ở khối 1, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Mặc dù đã được chuẩn bị tinh thần trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cảnh tượng thương tâm bày ra trước mắt: Một chàng trai “đi” trong tư thế… bò đến bên mẹ, đưa nước mẹ uống, và sự đau đớn đã hằn sâu trên nét mặt người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo khi xót xa trước cuộc đời bất hạnh đứa con trai duy nhất của chị đã gặp phải.
Căn nhà của chị gọi cho “oai” vậy thôi, chứ nó là cái chài nhỏ bên con đường làng “nắng bụi, mưa lầy”. Căn nhà khoảng 10 mét vuông, vá víu và dột nát. Hai chiếc giường cũ nát đặt ngay giữa phòng trước một cái bàn thờ nhỏ nhắn. Căn phòng chẳng còn đồ vật gì gọi là đáng giá cả, chỉ có một cái thùng sắt được kê trên cái giường mà chị Dung cho biết là thùng gạo. Tôi thử lắc khẽ, một tiếng “coong coong”, cái thùng rỗng không! Một không khí ẩm mốc và tạm bợ bao quanh căn nhà mà hình như chủ nhân của nó cũng không còn đủ sức hay chẳng có ý định muốn thay đổi diện mạo.
Chị kể về cuộc đời của mình cho tôi nghe, hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi mắt thâm quầng và chai sạn với nỗi đau về căn bệnh ung thư chị đang gánh phải. “Từ khi lọt lòng mẹ, con tôi đã không được như những đứa trẻ khác: cha bỏ rơi khi vừa chào đời. Thế nên lúc sinh ra cháu Duy, thấy cháu đầu to khác thường, tay chân quặt quẹo nên người cha cũng ngán ngẩm mà bỏ nhà đi biệt tích, để tôi phải chăm con thơ tật nguyền. Tôi nuôi nấng, chăm sóc cháu đến ngày hôm nay. Con tôi sống bằng tình thương của mẹ.
Những lúc con buồn cho thân phận, tôi ôm con vào lòng và bảo rằng: “Con cố gắng sống với mẹ cho vui, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đừng dại dột nghĩ quẩn nghe con. Nghe mẹ nói vậy Duy cũng khóc, tôi khóc theo con và chấp nhận số phận cay đắng”, chị Dung chia sẻ.
Gia đình chị là hộ nghèo nhiều năm liền của địa phương. Vận đen đeo bám, đầu năm 2014 chị thấy người thường xuyên bị sốt, ăn uống khó khăn nhưng không có tiền đi khám. Biết được hoàn cảnh éo le của chị, bà con góp tiền đưa chị đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, bác sĩ kết luận chị bị ung thư đại tràng xuống gần góc lách và đang trong giai đoạn di căn.
Vì không có điều kiện tiếp tục điều trị, chị đành về nhà cầm cự bằng thuốc nam. Duy cũng cố gắng làm một số công việc mà trước đó Duy chưa làm được, như cho mẹ uống nước, thuốc, bón cháo cho mẹ ăn… Cứ những ngày trái gió trở trời, trong người chị đau nhức không thể chịu nổi. Những người hàng xóm thấy vậy thường hay sang giúp mẹ con chị nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Chị kể về người con sớm phải chịu bất hạnh của mình bằng những tiếng ngắc ngứ yếu ớt: “Tôi bây giờ yếu lắm rồi, không còn làm việc gì được nữa, cũng chẳng có ước mơ gì hơn cho mình, cho con. Chỉ thương cho cháu Duy sớm bất hạnh, côi cút từ nhỏ. Tuy thân thể tật nguyền thế này nhưng cháu hiếu thảo lắm, việc gì cũng bò đi lấy thay cho tôi, chăm tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Không biết sau này tôi mất đi, nó nương tựa vào đâu…”.
Dứt lời, một dòng nước mắt chợt rơi trên gò má gầy hóp của chị Dung. Chúng tôi hiểu nỗi lòng của chị. Chị rất yêu thương con và đau nỗi đau của người mẹ khi thấy Duy bất hạnh như vậy. Tuy không phải ở ngưỡng tuổi gần đất xa trời nhưng căn bệnh ung thư quái ác ập về. Chị có ao ước gì cho bản thân mình đâu, chị cũng chẳng cần ”mồ yên, mả đẹp”, chỉ đau đáu nỗi lo cháu Duy sau này sẽ đi về đâu, ở với ai trong quãng đời còn lại khi chị nhắm mắt.
Chị Dung bùi ngùi tâm sự: “Tôi cũng gống như bao người phụ nữ khác, bao đêm tôi hằng ao ước có đứa con nhỏ để khỏi cô đơn, hiu quạnh khi chỉ một mình. Và cháu Duy là niềm hạnh phúc đời tôi. Thấy người ta ai cũng có con cái lành lặn, vui vầy cùng chúng mà mình phát thèm. Những lúc ra đường gặp mấy đứa nhỏ đùa vui, nhảy nhót với nhau vui vẻ, tôi lại muốn khóc, nghĩ đến con mình bất hạnh càng tủi thân hơn…”.
Chao ôi, ước mơ giản đơn là con mình lành lặn, ngày ngày cắp sách đến trường sao đối với chị lại khó khăn đến thế? Chạnh lòng, chúng tôi ước giá mình có một phép màu gạt đi những nỗi lòng, ước mơ sâu kín mà thiết tha, dễ dàng mà lại hoá khó khăn bội phần trong lòng người đàn bà bất hạnh, tủi khổ này…