Ly tán vì nạn đói năm 1945
Khi chúng tôi tìm đến nhà, cụ Nuôi đang lúi húi dỗ dành, bón cho cụ Đông từng muỗng cơm. Đầu tóc bạc phơ, thân thể gầy gò bởi cuộc sống chật vật, cụ Nuôi chỉ ăn uống kham khổ còn dành phần thịt cá cho cụ Đông.
Bà bảo, hôm nào có thịt cá thì hôm đó chị gái ăn được nhiều cơm hơn. Cụ Nuôi cho biết, cụ Đông bị tâm thần đã hơn 40 năm qua, thể trạng lại yếu, thường xuyên đau ốm nhưng họ hàng thân thích không có ai nên chị em họ chỉ biết nương tựa nhau để sống hết quảng đời còn lại.
Được biết cụ Đông là chị cả, cụ Nuôi là gái út trong gia đình nông dân nghèo, quê gốc mãi ở tỉnh Thái Bình. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến cả nhà họ ly tán, mỗi người đi một phương để tìm kế sinh nhai. Người mẹ dẫn cụ Đông lặn lội lên tỉnh Lạng Sơn kiếm sống, để cụ Nuôi lại quê nhà cho bố chăm sóc.
Để sống sót qua nạn đói, ông cũng dắt theo đứa con gái tản cư vào Nam lập nghiệp. Vào Sài Gòn không bao lâu, cụ ông qua đời vì bạo bệnh bỏ lại đứa con gái côi cút, bơ vơ giữa xứ người. Từ đấy, cụ Nuôi phải đi ở đợ cho những gia đình khá giả kiếm cơm qua ngày.
Sau vài năm theo mẹ vất vả làm thuê nhiều nơi, cụ Đông lập gia đình sinh con với một người đàn ông khá giả. Những tưởng cuộc đời hai mẹ con không còn cơ cực nữa, nào ngờ hạnh phúc đến với bà chẳng tày gang thì đổ vỡ.
Ngày đó, cụ Đông sinh cho chồng được bé trai nhưng chẳng may cụ sơ ý để cháu bé bị cảm lạnh qua đời, rồi người chồng lại thường xuyên đau ốm sau khi cưới vợ khiến gia đình nhà chồng luôn đay nghiến cô con dâu nghèo hèn này.
Họ đi xem bói, được các thầy phán: cụ Đông là người đàn bà có số mạng xui xẻo, sống chung chỉ đem họa đến cho chồng con về sau. Bởi tin những lời bói mà gia đình chồng tìm cớ đuổi cụ Đông ra khỏi nhà. Hôn nhân gãy đổ khiến tâm trạng cụ đau buồn u uất một thời gian dài.
Gạt đi nước mắt, người đàn bà bạc mệnh này đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình vào những tháng ngày hành khất ăn xin khắp nơi từ Bắc vào Nam.
Hơn 10 năm sau, ba mẹ con cụ Nuôi bất ngờ gặp lại nhau giữa Sài Gòn. Từ đấy, họ dọn về sống trong một căn phòng nhỏ, che chắn tạm bợ ở cạnh chung cư Trúc Giang đến giờ.
Cuộc sum vầy cùng mẹ và chị đã xua đi những tháng ngày sống lầm lũi thiếu vắng tình thân của cụ Nuôi. Hai chị em họ cùng nguyện sẽ dành cả tuổi thanh xuân của mình ở vậy để báo hiếu cho mẹ bù đắp lại cho bà những ngày lao khổ.
Từ đấy, người đi ở đợ, người đi làm thuê để người mẹ được tận hưởng những tháng ngày an nhàn. Hưởng phước cùng các con không lâu thì cụ bà cũng qua đời vì bạo bệnh.
Cụ Đông đau buồn khóc mẹ đến trầm cảm, rồi đầu óc cụ không còn bình thường như trước nữa, tính khí thất thường, nói năng lảm nhảm suốt ngày, đầu óc khi mê, khi tỉnh. Dẫu vậy cụ Đông rất hiền lành chẳng hề gây phiền hà gì đến hàng xóm láng giềng.
Cụ Nuôi đang bón cơm cho chị |
Chị ngã em nâng
Thương cụ Đông bệnh tật không người chăm sóc nên cụ Nuôi quyết không lập gia đình mà ở giá nuôi chị. Nhiều năm qua, hai chị em họ sống nương tựa nhau trong căn phòng chật chội, ẩm thấp. Ngày mới đối với cụ Nuôi là bao nỗi lo toan chuyện cơm gạo tiền và thuốc thang cho chị.
Những đồng lương phụ giúp việc nhà ít ỏi có thấm vào đâu khi phải vừa phải lo cái ăn vừa lo thuốc cho chị nên người em phải ăn uống kham khổ mới có đủ tiền trang trải.
Dù cơ cực đến thế nào thì cụ Nuôi vẫn không than vãn mà luôn dành tình thương, làm tròn thiên chức của mình chăm lo cho người chị bất hạnh đến từng miếng ăn, giấc ngủ để xoa diệu bớt đi những thiệt thòi mà cụ Đông đã gánh chịu trong đời.
Mỗi ngày, cụ Nuôi phải thức dậy thật sớm để chuẩn bị cơm nước cho hai chị em rồi mới yên tâm đi làm. Cuộc sống của họ cứ vậy trôi qua trong nhiều năm liền. Gian truân vất vả thế nào cụ Nuôi cũng không ngần ngại nhưng thời gian tuổi tác đã bào mòn đi sức khỏe của cụ rất nhiều khiến gia cảnh của hai cụ ngày thêm khốn khó.
Khi tuổi cao, sức yếu, tay chân chậm chạp, chẳng ai muốn thuê mướn cụ Nuôi làm giúp việc nhà nữa. Việc kiếm tiền để đong gạo hằng ngày của cụ càng thêm khó khăn hơn.
Thuở trẻ còn sức còn bươn chải, giờ sức tàn nên hai cụ chỉ biết sống nhờ vào lòng hảo tâm của bà con hàng xóm. Ai cho gì cũng lấy, ai biếu cho gì các cụ cũng nhận. Tàn các buổi chợ, cụ Nuôi thường lần từng nấc thang bước ra chợ Xóm Chiếu lượm nhặt mớ rau cải vụn, những trái dưa, quả cà đã héo úa mà các sạp không bán được nữa phải vứt đi đem về ăn.
Thấy vậy, mọi người ai cũng thương, người cho mớ rau, bó cải, người chia sẻ thêm tí mắm muối. Hôm nào, được biếu một ít cá thịt hay dăm ba quả trứng thì bà cụ vui mừng khôn siết, không ngớt lời cảm kích.
Đã vậy, những lúc ra ngoài kiếm cái ăn trong lòng cụ Nuôi luôn canh cánh nỗi lo cho cụ Đông ở nhà. Hôm nào cụ về muộn thì chị gái quậy phá tung cả đồ đạc trong nhà, nguy hiểm nhất là những đồ điện.
Vất vả hơn là mỗi khi cụ Đông tiểu tiện ra khắp người, khắp nhà rồi ăn luôn cả phân của mình. Cụ Nuôi phải khó nhọc lau chùi những vết dơ trên tường, sàn nhà rồi phải tắm gội, móc họng chị để lấy những thứ dơ uế ấy ra ngoài.
Mỗi lần như thế, cụ bị chị cắn chảy cả máu tay nhưng vẫn gắng chịu đựng để giúp cho chị được sạch sẽ. Vài năm trở lại đây, cụ Đông nằm một chỗ, không còn nói năng được nữa, không kiểm soát được việc tiểu tiện nên căn phòng nhỏ của họ luôn ngập mùi tanh hôi, xú uế.
Thấy gia cảnh hai cụ quá khó khăn, nhiều người khuyên cụ Nuôi đưa chị nên vào viện dưỡng lão để được chăm sóc chu đáo hơn và phần cụ cũng đỡ phải vất vả. Nhưng cụ luôn một mực từ chối, cụ muốn tự tay mình săn sóc chị đến ngày sau cùng.
Cụ Nuôi tâm sự: “Biết rằng khi đưa chị vào viện dưỡng lão, tôi sẽ không vất vả nữa. Nhưng giờ tôi đã già rồi, đi lại khó khăn, chị tôi đi rồi biết khi nào chị em tôi mới có dịp gặp lại. Trải qua biết bao khó nhọc gia đình chúng tôi mới được đoàn tụ.
Một giọt máu đào hơn cả ao nước lã, chị là người thân duy nhất của tôi trên cõi đời này. Dẫu vất vả đến đâu tôi cũng gắng chịu được. Những tháng ngày chúng tôi được gần gũi bên nhau cũng chẳng còn bao lâu nên tôi thực sự rất sợ bị lạc mất chị ấy thêm lần nữa!”.
Thấu hiểu hoàn cảnh cụ Nuôi, chính quyền địa phương và ban quản lý chung cư Trúc Giang luôn tạo kiện giúp đỡ để họ sống tốt hơn.
Bà con trong khu phố cũng thường xuyên đùm bọc, san sẻ với họ cái mắm cái muối qua ngày. Mong rằng được sự tương thân tương ái của mọi người, hai cụ sẽ được thêm những bữa ăn đủ thịt cá trong những tháng ngày còn lại ngắn ngủi của đời mình.