Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao chia sẻ hình ảnh một nữ sinh lớp 1 ở Yên Bái phải cõng em 20 tháng tuổi đi học cùng do hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
Theo chia sẻ: “Bố em đi tù, mẹ bỏ đi, 2 em ở với ông bà nhưng ông bà cũng nghiện nên không chăm sóc. Thế là bé gái 7 tuổi phải "kẹp nách" chăm em. Nhà em cách trường 1km nên không đủ điều kiện ở bán trú. Ở nhà 2 chị em thì không có chỗ mà ngủ toàn phải ngủ dưới đất.
Chị 7 tuổi suốt ngày rong rong thằng em hơn 20 tháng, chị đi học thì em cũng đi theo, ăn cùng xuất cơm của chị, ngủ cùng chị”.
Qua tìm hiểu, nữ sinh đó là Thào Thị Ninh (SN 2013), hiện là học sinh lớp 1a Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học &THCS Pá Lau (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Theo ông Hờ A Vàng – Chủ tịch UBND xã Pá Lau (Trạm Tấu), trường hợp của bé Ninh thực sự đáng thương. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cho biết thêm những thông tin đăng tải trên mạng chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn đúng sự thật.
Chủ tịch xã Pá Lau cho biết bố bé đi tù từ đầu năm 2020 về tội buôn bán ma túy. Mẹ cháu là Giàng Thị S (SN 1990), hiện vẫn ở trên địa bàn. Mẹ cháu Ninh cũng nghiện ngập, hay trộm cắp vặt của người dân bị bắt một vài lần nên ngại, mới chạy ra thôn khác ở chứ không phải bỏ đi khỏi địa phương.
“Cháu Ninh và em trai là Thào A Đông (20 tháng tuổi) ở cùng với ông, bà nội. Tuy nhiên, ông bà cũng nghiện hút nên không chăm sóc cháu.
Những ngày đi học, 2 chị em Ninh ra trường ăn ở. Chính quyền địa phương đã ra làm việc với nhà trường, tạo điều kiện cho 2 chị em Ninh ăn ở đây. Nhà trường mỗi ngày nấu 3 bữa nên các cháu đều có cơm ăn. Trường cách nhà các cháu khoảng vài trăm mét, lúc thì cháu ngủ ở trường, lúc lại về nhà”, ông Hờ A Vàng cho biết thêm.
Ninh bón cho em ăn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Pá Lau. |
Trong khi đó, ông Ngô Văn Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học &THCS Pá Lau cho biết: “Nhà trường cũng từng nghĩ đến phương án cho em Ninh được ăn ở bán trú nhưng lại vướng các quy định về việc nhà cách trường bao xa thì mới được ở bán trú. Rồi, em Ninh mà ở bán trú thì em trai em Ninh 20 tháng tuổi ai sẽ chăm sóc?
Vì thế, chúng tôi chỉ còn biết tạo điều kiện bằng cách để Ninh đưa em đến lớp học cùng mặc dù em bé hơn 1 tuổi có những lúc đang trong giờ học thì lại òa lên khóc, giáo viên phải đưa ra ngoài dỗ dành”.
Hiện ngôi nhà của chị em đang ở đã được lợp ngói, 2 chị em Ninh có chỗ che nắng, che mưa. Theo đại diện chính quyền địa phương dù rất thương hai cháu tuy nhiên hoàn cảnh của Ninh không nằm trong diện được hưởng bảo trợ vì vẫn còn mẹ và người thân.