Cảnh nghèo giữa lòng thành phố
Đó là hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Sương, ở hẻm 236 B Bạch Đằng (phường Trần Hưng Đạo, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Bà Sương người quê huyện Tây Sơn, cách đây gần 15 năm, bà kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Thanh rồi dắt díu nhau về địa chỉ trên sinh sống.
Cũng như hoàn cảnh gia đình bà, con hẻm phố bà sống phần đa cũng khổ sở, lụp xụp, chắp vá. Căn phòng trọ của gia đình bà Sương nằm cuối hẻm, rộng tầm 12m2 chỉ đủ để nhét 2 chiếc giường nằm, bên trong lỉnh kỉnh những vật dụng cũ kĩ, những bộ quần áo bạc nhàu, vài khoảng tường mục nát bị bong ra, lộ rõ mảng gạch.
Ở góc nhỏ đối diện với cửa ra vào là bàn thờ be bé, bên trên đặt chiếc đèn dầu hột vịt, nguồn sáng yếu ớt duy nhất cho căn phòng hẹp. Cạnh cửa ra vào, “góc học tập” của con gái bà Sương với chiếc bàn nhỏ chất đầy sách vở và một chiếc ghế nhựa cũ, cũng là chiếc ghế duy nhất trong nhà…
Cuộc đời bà Sương là những những chuỗi ngày buồn triền miên. Vợ chồng nghèo, cả hai lại bệnh tật. Không cam chịu số phận, hai vợ chồng cắn răng chịu đựng mưu sinh nuôi con cái… Vậy mà, cái nghèo cứ bám riết.
Thứ mà vợ chồng bà “tích cóp” được bao nhiêu năm qua không phải là một số vốn nho nhỏ để một ngày nào đó có thể tìm một nơi định cư nào khác sáng sủa hơn con hẻm chật chội kia, mà là chồng bệnh án dày cộp của… cả nhà. Nhìn tình cảnh của bà, có lẽ ai cũng thấu được một điều rằng gia đình bà nghèo vì bệnh tật.
“Em cháu chết rồi!”
Năm 2001, bà Sương sinh bé Nguyễn Thị Bích Chi, qua hè này cô bé vào lớp 9. Bé gái thứ hai tên Nguyễn Thị Bích Châu sinh năm 2006. Cả hai cháu từ khi sinh ra đã mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh, để duy trì sự sống, mỗi tháng phải thay máu một lần.
Nhắc đến hai con, bà Sương lặng im, nước mắt dàn dụa. Còn Chi, em thả ánh nhìn sâu hun hút vào ánh đèn dầu: “Em cháu chết rồi, vừa mới năm 2013. Đợt ấy, phổi em phình to vì hấp thụ máu nhiều, bệnh viện tiến hành phẫu thuật nhưng em sức khỏe quá yếu không thể vượt qua được”.
Tôi nhìn di ảnh trong góc phòng, cô bé trên di ảnh đôi mắt to tròn hồn nhiên là vậy nhưng đã sớm theo ông bà. Căn bệnh tan máu bẩm sinh đã mang em đi khỏi thế giới này, khỏi cái cuộc sống vốn dĩ đã rất khốn khó, thiệt thòi.
Bà Sương nhớ lại, ngày Châu mất, một người tốt bụng đã cho tiền mua miếng đất nhỏ ở bên phường Bùi Thị Xuân nên Châu mới có được một nơi an nghỉ. Bà bảo tạo hóa trêu ngươi, con người ta lúc sống đã khổ, đã lay lắt vì bệnh tật, lúc chết cũng thảm… 3 năm nay, sau cái chết của con gái, bà Sương lại càng thấp thỏm lo âu về bệnh tật, bất trắc.
|
Bệnh tật hành hạ nhưng Chi rất ham học |
“Chồng tôi là trụ cốt kinh tế chính của gia đình mấy năm nay cũng bị gai cột sống, đôi mắt đau rát, tấy đỏ nhưng vẫn gắng từng ngày đi ra cảng làm việc”, sau lời nói bà Sương là một khoảng trống đủ để những nỗi buồn xâm lấn cả căn phòng hẹp.
Bà Sương bảo, đã nhiều năm nay bà không làm gì được vì chứng bệnh động kinh, mỗi lần bệnh tái phát bà không kiểm soát được mình, co giật, ngất xỉu. Ngày trước, thấy chồng đau bệnh mà còn quăng quật với áo cơm, muốn phụ chồng kiếm tiền trả tiền phòng và lo thêm tiền mắm muối chăm sóc các con, bà xin rửa bát trong một quán ăn.
Nhưng ngày đầu tiên đi làm, bà đang loay hoay với chồng chén bát thì ngã lăn đùng ra co giật, miệng trào bọt, làm vỡ cả khay chén bát. Bà thật thà trình bày cho chủ quán bệnh tình của mình, mong người ta thương mà không bắt đền. Chủ quán thấu hiểu tình cảnh, không đền mà còn cho bà thêm tiền. Tất nhiên, cũng không thể để bà tiếp tục công việc được.
Gần nhà bà Sương có chợ nhưng bà chẳng đi chợ đó bao giờ, vì theo bà “đó là chợ của người giàu”. Mỗi lần đi chợ mua chút mắm về cho gia đình bà phải đi bộ quãng đường dài gấp mười lần như thế chỉ để mua bó rau, con cá khô vì chợ xa rẻ hơn được… 2, 3 nghìn đồng.
“Gia đình bữa đói bữa no, lo cơm hai bữa là hạnh phúc rồi. Mình lớn tuổi nhịn không sao. Nhưng còn con cái dẫu không được đủ đầy cũng không cho nó đói. Sáng sớm tôi dậy chiên cơm cho con bé ăn rồi đi học. Cứ vậy mà đã hơn chục năm rồi. Cả gia đình tôi không nhớ đã bao lâu rồi chưa đi ăn quán bên ngoài, giờ tô bún giá bao nhiêu tôi còn chẳng biết nữa…”, bà Sương thật thà.
“Con bệnh” chăm nhau…
Hơn 10 năm nay, tháng nào vợ chồng bà Sương cũng phải khăn gói đưa bé Chi lên bệnh viện truyền máu để duy trì sự sống. Mỗi lần truyền máu, Chi phải nhập viện và điều trị có khi hơn cả tuần. Có khi Chi chưa kịp khoẻ bà Sương đã ốm. Thế là con ốm mẹ chăm, mẹ bệnh con chăm, bao nhiêu năm nay cứ thế những mảnh đời dặt dẹo tựa nhau qua ngày.
Bé Chi thủ thỉ với tôi rằng, căn bệnh của bà Sương có thể trở chứng bất kì khi nào: “Có hôm thấy mẹ đang giặt đồ phía sau nhà vừa tới cửa tự nhiên đổ ầm vào tường, mặt mày tái mét, máu me bê bết trên khuôn mặt”. Tôi nhìn sang bà Sương, thân thể với đầy những vết bầm tím sau những lần lên cơn. Nỗi đau bệnh tật càng như rõ mùng một.
“Căn bệnh của tôi cứ như đùa vậy. Trở chứng lúc nào không hay. Mà mỗi lần tôi té ngã đều có chuyện. Nhẹ thì bầm tím thân thể. Nặng thì chảy máu, rạn xương”, nói rồi bà Sương đưa tay chỉ hàm răng của mình bị thiếu mất mấy chiếc vì trong một lần phát bệnh đã va đập mạnh vào tường mà thành ra nông nỗi.
Có lần, bà Sương phát bệnh nằm co giật vật vã. Chi lo cho mẹ nên hớt hải lấy chiếc xe đạp chạy đi tìm ba đang làm ngoài cảng cách nhà cả chục cây số. Mới đi được một đoạn đường ngắn thì em bị ngã xe. Cạnh bi đông húc sâu vào ngực, máu thấm ướt hết cả áo… Lần tai nạn ấy đã để lại trên thân thể Chi một vết thẹo lớn, vết thẹo hằn sâu những khổ đau đời người mà những ai biết chuyện đều thấy cay mắt.
Chịu bệnh tật và nhiều thiệt thòi nhưng Chi nghị lực, ham học. Có nhiều lần phải hai tháng Chi mới nhập viện truyền máu một lần vì không muốn bỏ lớp, xa bạn bè thầy cô. Những lần như thế, mặc cho cơn đau hành hạ nhưng Chi vẫn cắn răng chịu đựng.
“Con bé học khá lắm, từ lớp 1 đến giờ năm nào cũng có giấy khen của trường, nhiều hôm con bé nóng sốt hầm hập nhưng vẫn năn nỉ bố mẹ đưa đi học. Thấy con mình ham học cũng vui, nhưng lại lo sức khỏe của con. Nhà giờ chỉ còn mình nó thôi”, bà Sương chẳng giấu nổi giọt nước mắt lăn dài trên gò má.
Ngoài giờ học, không gian sinh hoạt của Chi là hẻm phố nhỏ 30 mét kia. Niềm vui tinh thần của em là làm bạn với con chữ và những người bạn là những đứa trẻ trong căn hẻm nhỏ ấy. Khi nói về chuyện học, tôi thấy trong mắt em ánh lên niềm vui khác lạ. Ngay trong học kì vừa rồi, em được học sinh tiên tiến. Và quan sát trong học bạ, thấy em học khá toàn diện, được thầy cô đánh giá “ngoan, hiền, lễ phép”.
Sắp xếp lại chồng sách vở của con, thấy nụ cười hiếm hoi của bà Sương trên khuôn mặt. Bé chi vẫn ánh nhìn sâu hun hút… Còn tôi, chợt bị ám ảnh với ánh sáng của chiếc đèn dầu, thứ ánh sáng vàng mờ không đủ soi chiếu căn nhà rách nát và những phận người khắc khổ. Họ cần một nguồn sáng lớn hơn từ những yêu thương giản dị trong cuộc đời này.