Ngày 9/1, phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, Vũ Nhôm và 18 người khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục diễn ra. Các luật sư phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Toán (nguyên PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng), luật sư cho rằng ông Toán không hề được giao và chấp bút tờ trình. Vì vậy với tờ trình bị quy chụp là tham mưu để làm cơ sở cho UB ra quyết định, luật sư cho rằng việc quy chụp trên là không phù hợp.
Bởi theo luật sư, thân chủ của ông có gần 40 năm học và làm ngành Tài nguyên môi trường, ông Toán biết rõ quy chế, quy định nên không bao giờ dám sai phạm. “Hành vi của ông Toán không đáng bị truy cứu TNHS, đề nghị Tòa không truy cứu TNHS với ông Toán”, luật sư nói.
Đến lượt mình, luật sư Dương Văn Nghị bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng mức án VKS đề nghị với bị cáo Tuấn ở tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” 3-4 năm tù là quá nặng. Sau đó, luật sư đưa ra các căn cứ đề nghị Tòa xem xét, giảm nhẹ cho thân chủ của mình ở tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Đối với tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai, luật sư đề nghị HĐXX xem xét miễn TNHS cho ông Tuấn, tuyên bố ông Tuấn không phạm tội này. Theo luật sư, trong thời gian ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng) đi Mỹ, ông Chiến không phân công công tác cho ông Tuấn. Người phân công cho ông Tuấn là ông Nguyễn Bá Thanh (khi đó đang là Bí thư TP). “Không có chuyện ông Tuấn đi kiểm tra thực tế để xem dự án của ông Vũ”, luật sư nêu.
Trước đó, phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) luật sư Nguyễn Thị Gấm đề nghị HĐXX miễn truy cứu TNHS cho thân chủ của mình. Bởi theo lời luật sư, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phần thẩm vấn công khai phiên tòa thể hiện ông Điểu không tham gia họp bàn cũng như không hưởng lợi ích vật chất gì. Luật sư khẳng định thân chủ của mình không tham mưu, không phải đồng phạm giúp sức như cáo trạng và quan điểm luận tội của VKS.
“Nếu ông Điểu là đồng phạm giúp sức thì ông Điểu không có các báo cáo khách quan đề nghị UBND thành phố xác định lại giá đất theo quy định tại thời điểm quyết định giao đất năm 2011. Nếu lãnh đạo thành phố xem xét đến báo cáo số 96 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì lãnh đạo thành phố không ngồi ở đây”, luật sư Gấm nói và khẳng định thân chủ của mình chỉ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo và văn bản quy định do UBND TP Đà Nẵng ban hành.
Trước đó, khi được tự bào chữa, bị cáo Điểu khẳng định chỉ làm theo chỉ đạo, không hề biết cũng như không cấu kết bàn bạc với các bị cáo từ đầu. Ông Điểu đề nghị Tòa xem xét cho mình.
Bị cáo Phan Xuân Ít (SN 1954, cựu Trưởng phòng, Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cũng khẳng định mình không phải là người trực tiếp tham mưu, đề xuất các văn bản mua bán đất công sản như cáo trạng truy tố. Ông và các anh em khác đều làm đúng quy trình, thủ tục đề xuất lên cho lãnh đạo ký chứ không tham mưu, đề xuất gì.
Bào chữa cho bị cáo Ít, luật sư Nguyễn Hoàng Anh cho rằng bị cáo Ít và các bị cáo khác không phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bởi theo luật sư, xét các yếu tố cấu thành tội danh đều không thỏa mãn. Việc bán tài sản Nhà nước trong trường hợp này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Hầu hết các luật sư đều đề nghị Tòa xem xét, miễn truy cứu TNHS cho bị cáo. Tuy nhiên, đó mới là lý lẽ, quan điểm của người đứng ra bào chữa cho thân chủ của mình. Những lý lẽ, quan điểm trên đúng hay sai, bản chất hành vi các bị cáo thế nào, phải chờ kết luận từ Hội đồng xét xử.