Một trong những thách thức là sự xuất hiện một xu hướng tất yếu là các dự án thành phố không năng lượng tại nhiều quốc gia, nhằm giảm thiểu tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu đối với hành tinh và con người.
Ý tưởng “điên rồ” thành xu hướng lan toả khắp nước Mỹ
Năm 2005, Syd Kitson – cựu cầu thủ bóng rổ đã có một hành động “điên rồ” là mua lại Babcock Ranch - một khu vực có diện tích hơn 60.000 héc-ta bên cạnh khu bảo tồn Babcock Ranch và Khu vực quản lý động vật hoang dã Cecil M. Webb ở phía tây nam bang Florida (Mỹ), với mục đích biến nơi này thành thành phố bền vững nhất thế giới.
Syd Kitson cũng là Giám đốc điều hành của Kitson & Partners – công ty bất động sản đứng đằng sau dự án này. Năm 2016, ông chia sẻ trên website Think Progress rằng, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ kết thúc vào đầu năm 2017 với việc xây dựng hơn 1.000 nhà ở; giai đoạn thứ 2 là xây dựng cơ sở hạ tầng và các cửa hàng, bao gồm quán cà phê, nhà hàng, trường học và cửa hàng quần áo. Thành phố có thể cung cấp nguồn sống bền vững cho 50.000 cư dân.
Theo đó, “xương sống” của dự án là việc quy hoạch đô thị thông minhvà việc chia sẻ các phương tiện không người lái, cả công cộng và tư nhân để phục vụ việc đi lại dễ dàng. Thành phố cũng đủ nhỏ để người dân có thể đi bộ hoặc đạp xe đến trung tâm thành phố. Năng lượng mặt trời được sử dụng để cung cấp điện năng cho các ngôi nhà, văn phòng, nhà hàng, …
Thành phố Babcock Ranch (bang Florida, Mỹ) là một trong những thành phố điển hình của xu hướng thành phố không năng lượng. |
Trải qua nhiều lời dị nghị và nghi ngờ từ phía công chúng, đến năm 2018, Syd Kitson tuyên bố “giấc mơ” của ông đã thành hiện thực và Babcock Ranch đã trở thành một ví dụ mẫu mực về mô hình thành phố sinh thái, trung hoà các-bon, không năng lượng tại nước Mỹ, cũng như trên thế giới.Những căn nhà có giá dao động từ 200.000 đến gần 1 triệu USD, thu hút nhiều người mua rời bỏ chốn đô thị đông đúc, tìm đến sinh sống ở một thành phố bền vững, chậm rãi, mang tính ý thức xã hội cao.
Tại đây, mọi thứ đều thân thiện với môi trường. Ví dụ, 50% diện tích bề mặt thành phố được sử dụng làm không gian xanh; nhà được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn sinh thái; 100% điện năng sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo nhờ 343.000 tấm pin năng lượng mặt trời (Trung tâm Năng lượng mặt trời Babcock Ranch 75MW); có hệ thống trạm sạc miễn phí cho các phương tiện chạy bằng điện, bao gồm cả xe buýt tự lái; nước tưới được tiết kiệm tối đa nhờ chu trình khép kín … Như vậy, Kitson khẳng định, 90% diện tích thành phố được bảo tồn vĩnh viễn.
Năm 2017, Viện Nghiên cứu Rocky Mountain (Colorado, Mỹ) đã xuất bản rộng rãi cuốn “Sổ tay thành phố không có carbon” để hỗ trợ chính quyền các thành phố thực hiện các chính sách phát triển bền vững về kinh tế, trung hoà carbon trong tương lai. Đó là 22 đề xuấttrên 6 lĩnh vực: xây dựng, giao thông vận tải, điện, các ngành công nghiệp, nguồn tài nguyên sinh học và tài chính. Các nhà phát triển đô thị và quản lý thành phố có thể dựa trên những sáng kiến này để đưa ra các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời củng cố nền kinh tế địa phương.
Thành phố năng lượng xanh Lancaster (bang California, Mỹ) |
Một động thái đáng chú ý là sự thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Kiến trúc 2030” của kiến trúc sư người Mỹ Ed Mazria – ông là một trong những nhà hoạt động tiên phong ở Mỹ trong xu hướng đưa các đô thị tiến tới trung hoà các-bon, không năng lượng. Mazria kêu gọi các kiến trúc sư, đơn vị xây dựng, các nhà phát triển và quy hoạch thành phố, cũng như chính quyền thành phố cùng chung tay thực hiện một mục tiêu: đảm bảo tất cả các công trình xây dựng mới và cải tạo lại (gồm cả thương mại và nhà ở tư nhân) đều đạt trung hoà các-bon vào năm 2030.
Theo đó, các thành phố trên khắp nước Mỹ đều đưa mục tiêu không năng lượng, không các-bon vào kế hoạch phát triển thành phố. Điển hình là thành phố Lancaster (bang California), dưới sự lãnh đạo của Thị trưởng phía Đảng Cộng hòa – Rex Parris, đã đưa ra chính sách: Kể từ ngày 1/1/2014, tất cả những ngôi nhà mới được xây dựng ở Lancaster phải đảm bảo có bộ thu điện mặt trời tối thiểu 1 kWh.
Từ đó đến nay, chính quyền thành phố đã hợp tác với các công ty SolarCity, KB Home, Build Your Dreams… giúp người dân và doanh nghiệp địa phương được tiếp cận với hệ thống năng lượng mặt trời thuận tiện hơn, với chi phí rẻ hơn. Thành phố cho phép thí điểm lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên sáu toà nhà trên địa bàn, ước tính tạo ra khoảng 1,5MW năng lượng tái tạo cho thành phố, tiết kiệm cho người đóng thuế khoảng 6 triệu USD trong vòng 15 năm. Đến tháng 5/2016, hơn 200 ngôi nhà ở Lancastercó thể lưu trữ năng lượng mà họ sản xuất để sử dụng vào ban đêm hoặc khi mất điện.
Xu hướng thành phố không năng lượng là thách thức lớn với nước ta. |
Trên những thành tựu này, thành phố tiếp tục mở rộng chính sách tuyển dụng các nhà phát triển năng lượng mặt trời để xây dựng một số nhà máy sản xuất điện mặt trời ở Lancaster, mang lại công ăn việc làm, tiết kiệm cho thành phố và người dân tiền điện, đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính. Theo Thị trưởng Rex Parris: “Lancaster hiện nay sản xuất nhiều năng lượng nhưlượng nó phải tiêu thụ”.
Nói nôm na, cốt lõi của xu hướng thành phố không năng lượng nằm ở khả năng tự sản xuất năng lượng của nó có thể đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của người dân. Nhiều thành phố khác ở Mỹ cũng đang phát triển những chiến lược riêng của mìnhđể bắt kịp xu hướng này, bao gồm Aspen (Colorado), Bloomfield (Iowa), Boston (Massachusetts), Burlington (Vermont), Denver (Colorado), Georgetown (Texas), Las vegas (Nevada)….
Thách thức với Việt Nam
Quả thực, sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng tái tạo đã đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam. Trên thực tế, chương trình năng lượng xanh đã xuất hiện ở Việt Nam một thập kỷ nay nhưng “thành phố không năng lượng” vẫn còn là khái niệm mới mẻ.
Đáng kể đến là năm 2015, UBND TP HCM đã phê duyệt Chương trình Năng lượng xanh, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển nguồn “điện sạch” từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo có tỉ lệ công suất điện chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn thành phố, tương đương 48MW. Tuy nhiên mục tiêu 1% dù khiêm tốn này vẫn gặp nhiều trở ngại trên thực tế. Không những nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh chưa cao, các đơn vị sản xuất và phân phối năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố vẫn còn rất hạn chế.
Gần đây, người dân và xã hội bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Tháng 6/2019, một số doanh nghiệp như SolarBK, Sao Mai Group đã đưa ra các gói ưu đãi, khuyến khích hộ gia đình đầu tư pin quang điện để được mua điện với giá rẻ hơn.
Dù vậy, bất cập lớn nhất trong ngành công nghiệp năng lượng sạch tại Việt Nam trong nhiều năm nay vẫn là quá nhiều trở ngại về chính sách, hành lang pháp lý. Ví dụ đơn giản là nếu quy hoạch đô thị không ổn định, thì nhà đầu tư cho hệ thống quang điện rất khó tính toán được rủi ro. Bởi khả năng hoàn vốn cho hệ thống quang điện thường trên dưới 10 năm, tuỳ thuộc vào góc chiếu sáng của một toà nhà. Khi có những toà nhà khác bất ngờ mọc lên, điều này có thể khiến những tính toán ban đầu sai lệch hoàn toàn.
Cũng như Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đưa ra nhận định mới đây: “Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện”.